BỘ CÔNG THƯƠNG: ỨNG DỤNG THÀNH CÔNG KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU KHOA HỌC TRONG LĨNH VỰC CƠ KHÍ CHẾ TẠO

14/01/2020

Làm rõ một số vấn đề các đại biểu quan tâm tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV vừa qua, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết việc ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực cơ khí chế tạo đã khẳng định năng lực, vị thế và vai trò của tổ chức khoa học và công nghệ của ngành Công Thương.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, trong giai đoạn 2011-2019, Bộ Công Thương đã chủ trì triển khai 9 chương trình/đề án khoa học và công nghệ (KH&CN) cấp quốc gia, 2 chương trình KH&CN trọng điểm cấp bộ, đặc biệt đẩy mạnh thực hiện Đề án ứng dụng KH&CN trong tái cơ cấu ngành Công Thương và Chương trình phối hợp về KH&CN giữa Bộ Công Thương và Bộ KH&CN. Các nhiệm vụ tập trung vào hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ, quản trị sản xuất, phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị để tạo ra sản phẩm, hàng hóa mang nhãn hiệu Việt Nam có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao trên thị trường. Đặc biệt, ưu tiên những nhiệm vụ KH&CN có quy mô lớn, nhằm giải quyết những vấn đề cấp thiết, trọng điểm của thực tiễn, tăng cường đổi mới công nghệ. Hoạt động khoa học và công nghệ tại các Các Tập đoàn/Tổng Công ty, các doanh nghiệp cũng hết sức tích cực, tạo chuyển biến rõ rệt về năng suất, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

Trong lĩnh vực cơ khí và chế tạo, nhiều chủng loại sản phẩm là kết quả của hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ đã được thiết kế, chế tạo thành công đáp ứng yêu cầu của sản xuất trong nước, với giá thành cạnh tranh, góp phần tăng tỷ lệ nội địa hóa thiết bị, giảm nhập khẩu; không ít sản phẩm đã đạt tiêu chuẩn chất lượng tương đương với sản phẩm nhập khẩu, đủ điều kiện xuất khẩu cạnh tranh với sản phẩm nước ngoài. Trong lĩnh vực máy nông nghiệp, chúng ta đã chế tạo thành công nhiều sản phẩm phục vụ canh tác, thu hoạch, bảo quản, chế biến các sản phẩm nông nghiệp – ngư nghiệp, các kho bảo quản phục vụ xuất khẩu và các dự án đầu tư sản xuất các thiết bị phục vụ nông nghiệp và công nghiệp chế biến có giá trị trên thị trường. Các sản phẩm đã xuất khẩu đi một số nước trong khu vực và thế giới. Trong lĩnh vực máy móc và thiết bị công nghiệp, các đơn vị làm chủ thiết kế chế tạo các thiết bị cơ khí thủy công như: các loại van cung, van phẳng có kích thước lớn, độ phức tạp cao cung cấp cho các công trình xây dựng các nhà máy thủy điện trên cả nước, góp phần đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành xây dựng nhà máy thủy điện Sơn La. Việc ứng dụng thành công các kết quả nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực cơ khí chế tạo đã khẳng định năng lực, vị thế và vai trò của tổ chức khoa học và công nghệ của ngành Công Thương. Một số dự án KHCN nổi bật trong lĩnh vực cơ khí chế tạo đã được nghiên cứu và ứng dụng thành công vào thực tế, được tôn vinh bằng những giải thưởng cao quý.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh làm rõ một số nội dung

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế về lĩnh vực này. Cụ thể: Trình độ công nghệ của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp của Việt Nam hiện chỉ ở mức (<2,5), trong khoảng giữa thế hệ 2 và thế hệ 3.  Mức độ sẵn sàng của các doanh nghiệp công nghiệp cơ khí Việt Nam để tận dụng cách mạng công nghiệp 4.0 ở nhóm thấp nhất của lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo. Phần lớn các doanh nghiệp chưa có chủ động xây dựng Chiến lược tiếp cận với cuộc cách mạng công nghệ 4.0; khả năng số hóa dữ liệu, kết nối dữ liệu trong nội bộ doanh nghiệp cũng như giữa doanh nghiệp và các đối tác trong chuỗi còn rất hạn chế; các mô hình quản trị doanh nghiệp dựa trên dữ liệu có tỷ lệ áp dụng rất hạn chế, chỉ ở mức trên dưới 5%; Mức độ ứng dụng các công nghệ chủ yếu từ cuộc cách mạng công nghệ 4.0 của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp còn rất hạn chế. Tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động nghiên cứu và phát triển(R&Đ) năm 2017 còn khiêm tốn, thấp nhất là 4,1% (phân ngành công nghiệp chế biến, chế tạo khác), tiếp đến là 5,2% (phân ngành sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn) và cao nhất là 14,1% (phân ngành sản xuất thiết bị điện). Hoạt động R&D tại doanh nghiệp phần lớn hướng tới một mục đích cụ thể phục vụ cho hoạt động đổi mới của nội bộ doanh nghiệp. Trung bình gần ¾ doanh nghiệp có hoạt động R&D để giải quyết một vấn đề cụ thể, chỉ ảnh hưởng tới doanh nghiệp. Tỷ lệ doanh nghiệp tham gia hoạt động đổi mới công nghệ khá cao, nhưng chưa phải là những công nghệ đột phá với thế giới, hầu hết đổi mới chỉ dừng lại ở mức mới với doanh nghiệp hoặc thị trường. Vốn tự có cũng là nguồn tài chính lớn nhất cho hoạt động R&D của doanh nghiệp. Phần lớn các doanh nghiệp công nghiệp không có bộ phận R&D, không có đủ nguồn lực để đầu tư cho hoạt động đổi mới sáng tạo.

Bộ cũng nhận thức rõ, nguyên nhân của tồn tại, hạn chế là do thị trường sản xuất công nghiệp còn nhỏ, chưa tạo động lực phát triển và đổi mới, ứng dụng công nghệ cho các doanh nghiệp; Các doanh nghiệp chưa chú trọng đến hoạt động nghiên khoa học và công nghệ, chưa coi trọng đầu tư cho hoạt động nghiên cứu, đổi mới công nghệ; Quỹ KH&CN tại doanh nghiệp chưa phát huy, chưa trở thành động lực và nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ. Kinh phí đầu tư cho hoạt động nghiên cứu ứng dụng, thử nghiệm so với nhu cầu của các ngành công nghiệp còn chưa tương xứng; thiếu các chương trình KH&CN ưu tiên cấp quốc gia dành riêng cho lĩnh vực cơ khí chế tạo. Bên cạnh đó việc cụ thể hóa, tổ chức thực hiện các cơ chế chính sách hỗ trợ về KH&CN đã được ban hành đối với các ngành công nghiệp (trong đó có ngành cơ khí chế tạo) còn thiếu hiệu quả, chưa đồng bộ. Thị trường khoa học công nghệ, hệ thống thông tin về công nghệ phục vụ yêu cầu nghiên cứu, phát triển và đổi mới công nghệ còn hạn chế; khó khăn lớn nhất hiện nay của các doanh nghiệp là việc tiếp cận các công nghệ và thiết bị phục vụ sản xuất. Các mô hình gắn kết giữa các Viện nghiên cứu, Trường đại học với các doanh nghiệp để thực hiện các nghiên cứu, ứng dụng đổi mới công nghệ còn hạn chế; Mặc dù đã có một số dự án thành công nhưng chưa có cơ chế hữu hiệu khuyến khích lan tỏa, mua bán – chuyển giao công nghệ, nghiên cứu và phát triển từ các doanh nghiệp FDI lớn cho các doanh nghiệp nội địa tại Việt Nam

Trên cơ sở chỉ ra những tồn tại, hạn chế, Bộ Công thương đã đưa ra các nhóm giải pháp khắc phục thời gian tới. Các giải pháp tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ vào các lĩnh vực công nghiệp cần bám sát chủ trương của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 23-NQ/TW năm 2018, cụ thể là những giải pháp trọng tâm sau: Tạo dựng thị trường, thu hút các nguồn lực của xã hội đầu tư sản xuất công nghiệp để tạo động lực cho việc đổi mới, ứng dụng công nghệ trong các ngành công nghiệp. Nhanh chóng rà soát, sửa đổi các quy định nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hình thành quỹ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học-công nghệ đủ lớn để đáp ứng yêu cầu đổi mới công nghệ. Đồng thời, đảm bảo nguồn lực hỗ trợ từ công tác quản lý Nhà nước cho KH&CN; thúc đẩy liên kết trong KH&CN; hình thành các vườm ươm phục vụ chuyển giao công nghệ; thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số, từng bước xây dựng các nhà máy thông minh./.

Hồ Hương