Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) do Chính phủ trình tại Kỳ họp thứ 8 đã sửa đổi quy định tại Điều 7 của Luật Đầu tư nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả thực thi nguyên tắc bảo đảm quyền tự do đầu tư kinh doanh của người dân và doanh nghiệp trong những ngành, nghề mà pháp luật không cấm hoặc quy định phải có điều kiện. Trong đó, bổ sung quy định về hình thức áp dụng, nội dung điều kiện đầu tư kinh doanh cũng như các nguyên tắc, điều kiện, thủ tục đề xuất ban hành, sửa đổi, bổ sung Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Lần sửa đổi này, Chính phủ cũng trình bãi bỏ 12 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, đồng thời sửa đổi 19 ngành, nghề và bổ sung 6 ngành, nghề để phù hợp với yêu cầu, thực tiễn quản lý nhà nước đối với các ngành, nghề này và bảo đảm tính thống nhất với các luật có liên quan.
Thảo luận về dự án Luật này tại hội trường, bày tỏ cơ bản tán thành với việc bãi bỏ một số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, đại biểu Trần Văn Tiến – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, quy định điều kiện kinh doanh cho một số ngành, nghề đến nay không cần thiết, đồng thời sửa đổi, bổ sung một số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện để phù hợp với công ước quốc tế. Việc sửa đổi mang tính kỹ thuật đối với một số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện để thống nhất với quy định của một số luật có liên quan.
Đại biểu Trần Văn Tiến - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc
Theo đại biểu Trần Văn Tiến, cần thiết phải đánh giá tác động giải trình, làm rõ về cơ sở đề xuất việc sửa đổi, bổ sung các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện còn lại, nhất là về nội dung các điều kiện đầu tư kinh doanh, hình thức áp dụng và hồ sơ quy trình thủ tục được sửa đổi, bổ sung. Đồng thời, cân nhắc thận trọng sửa đổi các quy định về danh mục ngành, nghề đầu tư có kinh doanh có điều kiện để bảo đảm thực chất, tạo điều kiện thuận lợi và tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch về trình tự, thủ tục cho nhà đầu tư. Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị rà soát một số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện tại Phụ lục cho phù hợp với thực tiễn.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Tạo – Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng đề nghị quy định chi tiết hơn, cụ thể hơn về tiêu chí xác định vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.
Đại biểu Nguyễn Tạo cũng đề nghị rà soát kỹ lại quy định rõ những thủ tục cần thiết trong luật này khi đầu tư vào ngành, nghề kinh doanh có điều kiện của bỏ thủ tục bộ, cơ quan ngang bộ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác không được ban hành quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh, trừ thủ tục hành chính được giao trong luật. Đại biểu cho rằng, quy định như thế là không tạo sự chủ động cho các địa phương với các điều kiện khi các quy hoạch thu hút đầu tư đã được Chính phủ, đã được các ngành phê duyệt thì Hội đồng nhân dân các cấp được quy định đổi mới hơn trong điều kiện về đầu tư kinh doanh khi đã có sự phê duyệt của cấp trên.
Đồng thời, tại điều này, cần bỏ quy định phải bảo đảm công khai, minh bạch, khách quan, tiết kiệm thời gian, chi phí, tuân thủ của các nhà đầu tư vì danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện được quy định cụ thể ở trong luật, do đó không nên lặp lại vấn đề này.
Đại biểu Nguyễn Tạo – Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng
Còn đại biểu Lê Công Nhường – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định cho rằng Điều 7 về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và Phụ lục gồm danh mục 236 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện nhưng nội dung chưa được quy định đầy đủ, chưa có cơ chế kiểm soát, giám sát chặt chẽ. Trong khi việc đề xuất sửa đổi, bổ sung các ngành, nghề phải nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc đảm bảo thực thi nhất quán quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.
Đại biểu Lê Công Nhường phân tích, một số ngành, nghề sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều hộ gia đình, nhất là ngư dân và nông dân, ví dụ ngành số 144 kinh doanh thủy sản, ngành số 102 kinh doanh dịch vụ kỹ thuật và thú y là chưa phù hợp với phương thức hoạt động mùa vụ và đơn lẻ của ngư dân và nông dân, nhất là nông dân đồng bằng sông Cửu Long khi mùa nước nổi lên khai thác và buôn bán thủy sản. Những thị trường này cung cấp chủ yếu hàng hóa cho các chợ truyền thống. Ngoài ra, ngành số 69 chăm sóc người cao tuổi và khuyết tật, trẻ em, hiện nay nhiều người tuy trình độ hạn chế nhưng vì nhân đạo và tấm lòng hoạt động trong lĩnh vực này, nếu luật quy định điều kiện cao hơn và phức tạp hơn, họ sẽ không làm nữa và trút gánh nặng lại cho nhà nước. Đáng lẽ những ngành này phải được ưu đãi đầu tư.
Giải trình làm rõ nội dung đại biểu Quốc hội quan tâm tại phiên thảo luận toàn thể hội trường, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc xác định các ngành, nghề cấm hay ngành, nghề kinh doanh có điều kiện thì dựa trên bốn nguyên tắc, tiêu chí:
Thứ nhất là các ngành, nghề không liên quan trực tiếp hoặc không chứng minh được có ảnh hưởng trực tiếp đến quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.
Thứ hai là các ngành, nghề được quản lý bằng các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật.
Thứ ba là các ngành, nghề mà chất lượng đầu ra của ngành, nghề đó thì do thị trường và khách hàng lựa chọn, sàng lọc và quyết định.
Thứ tư là các nghề nghiệp cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích và có thể kiểm soát thông qua đấu thầu hoặc đặt hàng của Nhà nước.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình làm rõ nội dung đại biểu Quốc hội quan tâm
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định thời gian tới, Bộ sẽ cùng với cơ quan của Quốc hội sẽ nghiên cứu, rà soát, đảm bảo yêu cầu như trên. Cùng với đó, Bộ sẽ tiếp thu và tổ chức nghiên cứu đối với một số ý kiến bổ sung một số ngành, nghề cụ thể như phương tiện bay không người lái, kinh doanh nước sạch, chăm sóc người cao tuổi, Trung tâm điều trị HIV, điều trị trẻ tự kỷ, mai táng hài cốt, xăm hình, v.v.. để đưa vào kinh doanh có điều kiện, những ngành, nghề nào phải cấm và báo cáo Quốc hội./.