Liên quan đến dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), một trong những nội dung quan trọng của dự thảo luật lần này là xác định loại hình doanh nghiệp nhà nước theo tinh thần Nghị quyết 12 của Trung ương về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước. Theo quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết, doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc cổ phần vốn góp chi phối được tổ chức và hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn.
Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi)
Nhằm thể chế quan điểm nêu trên, dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, tại điểm b Điều 87a xác định doanh nghiệp nhà nước là do nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết trở lên.
Về nội dung này, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp có thể do nhà nước nắm giữ 75% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
Góp ý về nội dung này, đại biểu Nguyễn Văn Dành nêu rõ, Nghị quyết 12 của Trung ương chỉ nêu quan điểm chỉ đạo doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và mở rộng thêm đối tượng doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ cổ phần vốn góp chi phối, nhưng Nghị quyết không nêu cụ thể tỷ lệ bao nhiêu phần trăm cổ phần vốn góp thì được coi là cổ phần vốn góp chi phối để doanh nghiệp đó được xác định là doanh nghiệp nhà nước.
Đại biểu cho rằng, khái niệm cổ phần vốn góp chi phối cần phải làm rõ ngay trong dự án luật. Quyền chi phối đối với doanh nghiệp phải được hiểu là quyền quyết định toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp thông qua mọi quyết định của doanh nghiệp mà không có bất kỳ trở ngại nào, như quyết định về nội dung điều lệ, sửa đổi, bổ sung điều lệ, chiến lược phát triển của doanh nghiệp, cơ cấu tổ chức quản lý doanh nghiệp, bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm người quản lý doanh nghiệp thông qua báo cáo tài chính, v.v..
Theo quy định hiện nay, đối với công ty trách nhiệm hữu hạn khoản 3 Điều 60 Luật Doanh nghiệp thì nghị quyết của Hội đồng thành viên được thông qua khi được đại diện ít nhất 75% tổng số vốn của các thành viên dự họp tán thành đối với quyết định bán tài sản có giá trị bằng hoặc lớn hơn 50% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất hoặc sửa đổi, bổ sung điều lệ công ty, tổ chức lại, giải thể công ty.
Đối với công ty cổ phần khoản 1 Điều 144 quy định các vấn đề về loại cổ phần, tổng số cổ phần từng loại, thay đổi ngành, nghề, lĩnh vực kinh doanh, thay đổi cơ cấu tổ chức quản lý công ty, việc tổ chức lại, giải thể công ty,…phải được Đại hội đồng cổ đông thông qua với ít nhất 65% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp tán thành. Do đó, tiêu chí nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết chưa đủ chi phối, chưa bao quát hết các trường hợp. Để chi phối các vấn đề quan trọng thì phải nắm giữ ít nhất 75% vốn điều lệ với công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên hay 65% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết đối với công ty cổ phần.
Theo đại biểu Nguyễn Văn Dành, việc mở rộng đối tượng doanh nghiệp nhà nước sẽ đẩy mục tiêu cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước khó khăn lại càng khó khăn hơn. Đại biểu nêu rõ, những năm qua, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm tạo ra loại hình doanh nghiệp có nhiều chủ sở hữu, trong đó có đông đảo người lao động để sử dụng có hiệu quả vốn, tài sản của nhà nước và huy động thêm vốn xã hội vào phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo động lực mạnh mẽ và cơ chế quản lý năng động, có hiệu quả cho doanh nghiệp nhà nước. Cùng với đó là phát huy vai trò làm chủ thực sự của người lao động, của cổ đông và tăng cường sự giám sát của xã hội đối với doanh nghiệp, bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp và người lao động.
Theo báo cáo của Chính phủ, trong những năm qua, số lượng doanh nghiệp nhà nước đã giảm mạnh. Tuy nhiên, bức tranh cổ phần hóa cho thấy tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ ở các công ty sau cổ phần hóa còn ở mức cao, trong đó có các doanh nghiệp không thuộc diện nhà nước giữ cổ phần chi phối hoặc không còn giữ cổ phần. Thực tế hiện nay, tỷ lệ sở hữu nhà nước trong phương án phê duyệt cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là một trong yếu tố ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của nhà đầu tư, các doanh nghiệp thu hẹp tối đa diện nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối luôn tạo được sức hút cho nhà đầu tư. Còn các doanh nghiệp được phê duyệt nhà nước nắm giữ từ 51% cổ phần trở lên đa số đều không đạt theo yêu cầu kế hoạch đã đề ra.
Đại biểu Nguyễn Văn Dành - Đoàn ĐBQh tỉnh Bình Dương
Nhấn mạnh, thay đổi cấu trúc sở hữu doanh nghiệp nhà nước là yếu tố nền tảng để giải quyết vấn đề hoạt động hiệu quả của doanh nghiệp sau cổ phần hóa, song đại biểu Nguyễn Văn Dành cũng cho rằng việc dự thảo luật mở rộng khái niệm doanh nghiệp nhà nước vô hình trung phần lớn các doanh nghiệp đã cổ phần, số lượng doanh nghiệp nhà nước sẽ tăng vọt dẫn đến quá trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước rất khó khăn, không đạt được mục tiêu đề ra. Do đó mở rộng đối tượng doanh nghiệp nhà nước, bao gồm cả doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết sẽ tác động đến quá trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, đến tâm lý nhà đầu tư cũng như thay đổi mô hình quản trị, vận hành doanh nghiệp.
Nhắc lại mục tiêu của Nghị quyết 12 là nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, giám sát, kiểm tra, kiểm soát đối với hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, không để xảy ra thất thoát, lãng phí vốn, tài sản nhà nước; tách bạch, phân định rõ chức năng chủ sở hữu tài sản vốn của nhà nước với chức năng quản lý nhà nước đối với mỗi loại hình doanh nghiệp, chức năng quản trị kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, đại biểu Nguyễn Văn Dành cho rằng để làm điều này mà dự thảo Luật mới chỉ thay đổi khái niệm doanh nghiệp nhà nước chưa có quy định cần thiết để nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp đối với doanh nghiệp nhà nước là chưa đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết 12. Do đó cần thay đổi phạm vi điều chỉnh của các luật điều chỉnh liên quan đến việc quản lý và sử dụng vốn nhà nước mà không thay đổi khái niệm doanh nghiệp nhà nước.
Đại biểu cũng lưu ý, Luật Doanh nghiệp hiện hành quy định doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ được Quốc hội khóa XIII thông qua. Quá trình triển khai luật này đã được đồng bộ trong quá trình sửa đổi các luật khác sau này như Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp năm 2014, Luật Ngân sách nhà nước, v.v.. Việc mở rộng đối tượng doanh nghiệp nhà nước sẽ có tác động đối với doanh nghiệp hiện không được xác định là doanh nghiệp nhà nước. Do đó cần nghiên cứu, xem xét, đánh giá tác động chính sách và tổng kết quá trình thực thi Luật Doanh nghiệp năm 2014 về doanh nghiệp nhà nước để có những điều chỉnh, xây dựng chính sách cho phù hợp.
Từ những nội dung trên, đại biểu đề nghị nên giữ nguyên khái niệm doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ tại khoản 8 Điều 4 của Luật Doanh nghiệp năm 2014./.