Tại kỳ họp, đại biểu Thạch Phước Bình nhất trí với chương trình mục tiêu quốc gia thực hiện Nghị quyết 88 Quốc hội nhằm góp phần giúp cho các xã, thôn đặc biệt khó khăn trong vấn đề phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập bình quân ở vùng này. Có thể nói, những mục tiêu của chương trình là hết sức lý tưởng, đồng bào dân tộc thiểu số miền núi nói chung, trong đó có đồng bào Khmer vùng Tây Nam Bộ nói riêng rất vui mừng nếu như những mục tiêu này trở thành hiện thực. Tuy nhiên, qua nghiên cứu nội dung chương trình, đại biểu Thạch Phước Bình còn một số băn khoăn.
Đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh.
Thứ nhất, về mức đầu tư, so với kỳ họp thứ 8 thì tổng mức đã giảm chỉ còn 41,04%. Trong thời gian qua, không ít chính sách dân tộc rất hay, nhân văn, nhưng sau nhiều năm đồng bào vẫn mỏi mòn chờ đợi vì chính sách bị treo do thiếu nguồn lực thực hiện. Tồn tại này không mới, nhiều đại biểu Quốc hội đã lên tiếng từ nhiều kỳ họp nhưng đến nay vẫn chưa được khắc phục. Thậm chí, có trường hợp cấp vốn thấp, cấp chậm, thậm chí 2 năm sau ban hành chính sách thì vẫn chưa bố trí được kinh phí. Do đó, trong việc thực hiện chính sách này, cần phải huy động nhiều cơ chế, chính sách phù hợp bên cạnh nguồn vốn ngân sách. Mặt khác, thực tế cũng cho thấy, chúng ta đã có rất nhiều chương trình dành cho vùng dân tộc thiểu số, nhưng đến nay số xã, thôn, bản khó khăn vẫn chưa giảm được bao nhiêu. Theo đó, để chương trình đạt mục tiêu đề ra, bên cạnh việc tập trung vào các dự án cấp thiết có sức lan tỏa, ảnh hưởng cao, cần đầu tư cho những dự án có tác động để cả vùng đi lên thay vì đầu tư trực tiếp dàn trải, trực tiếp vào các hộ. Song song đó, đề nghị Chính phủ cần tính toán việc tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm khi thực hiện chương trình vì nhu cầu vốn đầu tư cho chương trình là rất lớn, trong khi khả năng cân đối ngân sách nhà nước trước mắt chưa thể đáp ứng. Chính vì vậy, khi thiết kế dự án khả thi của chương trình thay vì thực hiện tất cả các dự án cùng lúc thì nên sắp xếp thực hiện theo thứ tự ưu tiên. Cụ thể như đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng thật sự cần thiết, cấp bách và chưa được đầu tư hoặc đang đầu tư dở dang. Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt bảo đảm đời sống của đồng bào một cách bền vững.
Ngoài ra, đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị Chính phủ cũng lưu ý cần quan tâm đến những tiêu chí như trình độ phát triển, khả năng hấp thụ chính sách của mỗi nhóm dân tộc, không thể áp dụng một cách làm chung cho các nhóm dân tộc có sự phát triển không giống nhau. Bởi vì việc bố trí nguồn vốn, thiết kế dự án cần tính đến những thay đổi từng ngày của thực tế. Trong khi chương trình có thời gian thực hiện lên tới 10 năm. Bên cạnh đó, việc đảm bảo cơ hội để nữ dân tộc thiểu số tiếp cận và tham gia hưởng lợi từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi cần phải được xác lập từ khâu thiết kế, xây dựng đến thực thi và giám sát, đánh giá chương trình. Đây là một trong những điều kiện có thể nói để phụ nữ dân tộc thiểu số không bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển.
Đại biểu Thạch Phước Bình khẳng định: Đồng bào dân tộc thiểu số sẽ rất vui mừng khi được quan tâm, đồng thời cũng sẽ lo lắng nếu như những chương trình của Chính phủ, đặc biệt những chương trình nhân văn như thế này nhưng trong quá trình thực hiện không đủ nguồn lực. Chính vì vậy, rất mong Chính phủ quan tâm./.