ĐBQH NGUYỄN HOÀNG MAI GÓP Ý VỀ CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ-XÃ HỘI VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI

21/09/2020

Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Nguyễn Hoàng Mai - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang đóng góp ý kiến vào Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Phát biểu tại Kỳ họp, đại biểu Nguyễn Hoàng Mai đánh giá rất cao những tâm huyết và nỗ lực của Chính phủ, Ủy ban Dân tộc và các Bộ, ngành có liên quan trong việc chuẩn bị bộ hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi giai đoạn 2021-2030. Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Hoàng Mai cũng tán thành với nhiều ý kiến là trong báo cáo thẩm tra của Hội đồng Dân tộc cũng như các ý kiến quý vị đại biểu Quốc hội đã phát biểu. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Hoàng Mai cũng đóng góp thêm một số ý kiến như  trong báo cáo đề xuất chủ trương có một số vấn đề chưa được rõ.

Thứ nhất, đó là mối quan hệ giữa chương trình mục tiêu này với 2 chương trình mục tiêu mà hiện nay đang thực hiện và trong thời gian tới chúng ta sẽ triển khai thế nào. Trong Tờ trình của Chính phủ không rõ mối quan hệ này, tất nhiên trong Báo cáo giải trình của Ủy ban Dân tộc cũng đề cập đối tượng, địa bàn của chương trình mục tiêu quốc gia. Chúng ta đang xem xét đây sẽ không trùng với đối tượng và địa bàn của 2 chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo cũng như nông thôn mới trong giai đoạn tới, nếu như có sẽ không trùng. Nhưng trong báo cáo của Chính phủ đề xuất chưa rõ vấn đề.


Đại biểu Nguyễn Hoàng Mai - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang.

Thứ hai, về địa bàn hiện nay do chưa có bộ tiêu chí nên tất cả những số liệu về địa bàn như 1.400 xã, 8.000 thôn như đã đề cập cũng chỉ khái toán ban đầu, vì bộ tiêu chí này chưa có. Tuy nhiên, nó còn có liên quan đến một việc nữa khi xác định địa bàn trong này chúng ta nói về vấn đề 15% dân tộc thiểu số nhưng sau đó thêm vấn đề nữa là tỷ lệ hộ nghèo kèm theo. Tôi cũng biết hiện nay Chính phủ, các cơ quan cũng đang nghiên cứu để xây dựng chuẩn nghèo mới cho giai đoạn tiếp theo và chuẩn nghèo mới này tôi theo dõi khi chúng ta thay đổi chuẩn nghèo thì các tỷ lệ nghèo ở các địa bàn này thông thường số liệu sẽ gấp đôi trở lên. Vấn đề này, đại biểu Nguyễn Hoàng Mai đề nghị Chính phủ cũng rất quan tâm để làm sao khi xác định được địa bàn để bảo đảm được nguồn lực của chúng ta có thể thực hiện được, chứ không lúc đó ra mà theo như tiêu chí dự kiến đây thì về cơ bản, các vùng miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số sẽ rơi vào trong chương trình này.

Thứ ba, liên quan đến chuẩn nghèo mới thì trong đó sẽ có thay đổi một số các chiều nghèo và điều này sẽ tác động, ảnh hưởng đến việc chúng ta xây dựng chương trình đối với đồng bào dân tộc miền núi này như thế nào. Chuẩn nghèo mới đang xây là nghèo đa chiều nên một số chiều nghèo sẽ thay đổi và một trong những mục tiêu của chương trình miền núi là sẽ bảo đảm giảm nghèo nhanh và bền vững. Tức là sẽ có một số nội dung, chúng ta sẽ phải thiết kế để làm sao đáp ứng được chuẩn nghèo mới. Vì vậy, đề nghị Chính phủ cũng quan tâm đến vấn đề chuẩn nghèo mới để bảo đảm làm sao khi chúng ta thực hiện chương trình là thực hiện được mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững.

Vấn đề khác là khi chúng ta thiết kế một chương trình nên cần phải thay đổi theo hướng là loại bỏ chính sách thường xuyên. Chúng ta chỉ quy định chính sách rất đặc thù của chương trình để hỗ trợ thêm những chính sách đã thực hiện. Mặt khác, phải bổ sung nguyên tắc hỗ trợ có điều kiện, hỗ trợ có điều kiện kể cả cá nhân đối với cộng đồng địa bàn và thậm chí có thêm cơ chế thưởng để khuyến khích các các địa phương làm tốt. Ngoài ra, chương trình nên thiết kế khung, gồm tất cả việc cụ thể để giao quyền cho chính quyền địa phương và chúng ta có mức vốn cấp cho các địa phương. Trên cơ sở đó, các địa phương sẽ chủ động lên những kế hoạch cụ thể sẽ phù hợp hơn.

Thứ tư, nguồn lực tài chính, đại biểu Nguyễn Hoàng Mai nhận định, phần xã hội hóa rất thấp, chỉ có 2% nên đề nghị Quốc hội phải nghiên cứu các cơ chế kích thích công tác xã hội hóa nguồn lực để thực hiện chương trình.

Thứ năm là vấn đề phát triển sản xuất, còn thiếu bóng dáng chuỗi giá trị nên cần có các hoạt động tăng chữa trị và những cơ chế khuyến khích để kêu gọi tất cả thành phần tham gia./.

Bích Lan