Phát biểu tại Kỳ họp, đại biểu Lò Thị Luyến nhấn mạnh: Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em được xác định trong mục tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Nội dung này được cụ thể hóa thành một dự án, thành phần là dự án 8 và nội hàm của mục tiêu này được cụ thể hóa tại dự án 8 bao gồm có 2 ý. Ý thứ nhất là thực hiện bình đẳng giới. Ý thứ hai là giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em.
Trong Báo cáo số 249 ngày 21/5/2020 của Chính phủ báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư chương trình tiêu quốc gia cũng đã xác định rõ đối tượng hưởng lợi, đối tượng tác động, nội dung thực hiện các giải pháp thực hiện của từng dự án thành phần. Liên quan đến mục tiêu được cụ thể hóa tại dự án thành phần là dự án 8, theo đại biểu Lò Thị Luyến, xét trong phạm vi tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, mục tiêu này chỉ thực hiện gói gọn trong 3 nhiệm vụ tại dự án thành phần 8 thì chưa thật sự đầy đủ cả 2 ý thuộc nội hàm của mục tiêu đề ra với các lý do sau đây:
Thứ nhất, về căn cứ pháp lý, Luật Bình đẳng giới quy định một trong những nguyên tắc cơ bản về bình đẳng giới đó là “nam, nữ bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình” được quy định tại khoản 1 Điều 6 và được cụ thể hóa tại Chương III từ Điều 11 đến Điều 18. Theo đó, bình đẳng giới được thực hiện ở tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, lao động, giáo dục và đào tạo, khoa học, công nghệ, văn hóa, thông tin, thể dục thể thao, y tế, gia đình.
Đại biểu Lò Thị Luyến - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên.
Thứ hai, trong Báo cáo số 249 của Chính phủ cũng đã khái quát chung về thực trạng kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tuy nhiên, để thực hiện dự án thành phần 8 thì phần thực trạng cần khái quát, đánh giá và phân tích thêm kết quả triển khai thực hiện lồng ghép giới để đánh giá mức độ và kết quả thực hiện chủ trương của Đảng và chính sách của nhà nước về bình đẳng giới ở khu vực này để đưa ra các hiệp hội và vấn đề cần giải quyết tại dự án 8.
Trên thực tế, việc thực hiện bình đẳng giới ở khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và khu vực miền núi còn nhiều hạn chế. Đối tượng bị ảnh hưởng và chưa được quan tâm đầy đủ, phần lớn là phụ nữ và trẻ em gái, dẫn đến có những vấn đề cấp thiết đặt ra cần phải giải quyết. Vậy những vấn đề cấp thiết đó là những vấn đề gì? Câu trả lời là rất nhiều vấn đề ở tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Vì vậy, việc định lượng cụ thể vấn đề lồng ghép giới để thực hiện tại các nhiệm vụ của các dự án thành phần chính là góp phần giải quyết các vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em. Hai ý nội hàm của mục tiêu được cụ thể thành dự án 8 có mối quan hệ với nhau. Chỉ khi thực hiện tốt cả 2 ý của nội hàm này thì mới thực sự tỷ lệ thuận và có kết quả. Do vậy, việc thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em trong phạm vi chương trình mục tiêu quốc gia này không chỉ thực hiện 3 nhiệm vụ tại Dự án thành phần 8 mà cần quan tâm thực hiện lồng ghép giới và định lượng cụ thể các nội dung đối với các nhóm đối tượng là phụ nữ và trẻ em gái tại các dự án thành phần trong chương trình mục tiêu quốc gia này.
Thứ ba, để đảm bảo thực hiện chính sách của nhà nước về bình đẳng giới, các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo quy định của Luật Bình đẳng giới, đề nghị Chính phủ khi quyết định chủ trương đầu tư cần quan tâm việc lồng ghép giới trong các dự án thành phần của Chương trình mục tiêu quốc gia này. Định lượng nội dung công việc cụ thể để phấn đấu thực hiện cũng chính là góp phần giải quyết các vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Đại biểu Lò Thị Luyến cho biết: Tại kỳ họp này, Thư viện Quốc hội có trưng bày ấn phẩm "Thúc đẩy lồng ghép giới Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030" do 4 cơ quan đồng biên soạn, đó là Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Ủy ban Về các vấn đề của các vấn đề xã hội của Quốc hội và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Trong ấn phẩm này có nêu rất đầy đủ cơ sở lý luận, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn và đề xuất các nội dung cần quan tâm thực hiện. Do vậy, đề nghị Chính phủ cần quan tâm nghiên cứu và bổ sung những nội dung này khi phê duyệt chủ trương thực hiện đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia vùng dân tộc thiểu số và miền núi./.