ĐBQH PHAN THỊ MỸ DUNG: CẦN CHƯƠNG RIÊNG VỀ PHÒNG NGỪA MA TÚY

19/02/2021

Cho ý kiến về dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi), đại biểu Phan Thị Mỹ Dung – Đoàn ĐBQH tỉnh Long An nhận định, nhiều nội dung lớn, trọng tâm của dự thảo Luật này vẫn gây băn khoăn, trong đó có những nội dung thiếu rõ ràng, tính khả thi thấp, chưa phù hợp với thực tiễn cần được rà soát và hoàn thiện trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật.

Trước hết, tên của Luật là “Phòng, chống ma túy”, nhưng nội dung “phòng” còn rất mờ nhạt, cơ bản là giữ nội dung như Luật hiện hành. Giải trình ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, Bộ Công an cho rằng, nội dung này đã được thể hiện ở các chương II, III, IV,V của dự thảo Luật. Tuy nhiên theo đại biểu, quy định tại các chương này cũng chỉ chung chung, chủ yếu lồng ghép vào quy định trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức, đơn vị và chỉ mang tính vận động, kêu gọi, chưa đủ rõ ràng, chưa đủ hiệu quả.

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An phát biểu tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung cho biết, theo đánh giá tổng kết Luật Phòng, chống ma túy, số lượng người nghiện ma túy ngày càng tăng cao, năm sau cao hơn năm trước và trẻ hóa rõ rệt. Số liệu cuối năm 2019 cho thấy, cả nước có 235.314.000 người nghiện có hồ sơ quản lý, trong đó, 75% là người nghiện dưới 35 tuổi, chưa kể người sử dụng ma túy, nghiện ma túy chưa bị phát hiện, người đã áp dụng cai nghiện rồi lại tiếp tục sử dụng ma túy và tái nghiện. Tình trạng thanh thiếu niên sử dụng ma túy tổng hợp trong các quán bar, nhà hàng, karaoke diễn ra ngày càng phổ biến. Thậm chí, ma túy đã xâm nhập vào học đường, giảng đường, nguy cơ gây ảnh hưởng đến chất lượng của một thế hệ tương lai của đất nước.

Điều đó chứng minh thời gian qua, công tác phòng ngừa của chúng ta là thiếu hiệu quả, chưa đủ mạnh, đủ sâu, đủ rộng”, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung nhận định, đồng thời đề xuất dự thảo lần này cần bố trí hẳn một chương riêng cho công tác phòng ngừa ma túy. Theo đó, quy định cụ thể, rõ ràng, trách nhiệm của cơ quan nhà nước, của chính quyền cơ sở, của tổ chức, của nhà trường, của gia đình. Xác định rõ đâu là trách nhiệm phải làm với chế tài kèm theo và đâu là vận động tham gia phối hợp. Đồng thời cần quy định rõ cơ chế, chính sách tài chính để đầu tư cho công tác phòng ngừa, trong đó có cơ chế xã hội hóa, chính sách cụ thể để khuyến khích, hỗ trợ thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia đầu tư vào công tác phòng, chống ma túy, từ chính sách đất đai, thuế, thủ tục đầu tư, tập trung cho đầu tư vào các cơ sở cai nghiện ma túy công lập.

Bên cạnh đó, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung chỉ ra, dự thảo Luật bổ sung quy định người quản lý sử dụng trái phép chất ma túy ở Chương IV từ Điều 23 đến Điều 26 không phải là biện pháp xử lý hành chính mà giao thẩm quyền cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú có trách nhiệm tổ chức quản lý với những nội dung thiếu tính khả thi như: Người sử dụng trái phép chất ma túy tự khai báo về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy của mình phải chấp hành việc quản lý, theo dõi và xét nghiệm theo yêu cầu; gia đình, cơ quan, tổ chức, người sử dụng trái phép chất ma túy có trách nhiệm theo dõi, quản lý, giáo dục, giúp đỡ, động viên con em mình, nhân viên mình chấm dứt hành vi sử dụng trái phép chất ma túy; khi phát hiện người có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy thì phải thông báo với chính quyền và ngăn chặn người sử dụng trái phép chất ma túy gây mất trật tự, gây mất an toàn cho xã hội…

 Theo đại biểu Phan Thị Mỹ Dung, cai nghiện tại gia đình, cộng đồng là một trong những giải pháp cần thiết giúp cho người cai nghiện không bị cách ly khỏi xã hội, không bị gián đoạn học tập, việc làm, giảm sự kỳ thị và có cơ hội hòa nhập cộng đồng. Tuy nhiên đại biểu Phan Thị Mỹ Dung cho rằng cai nghiện tại cộng đồng trong thời gian qua đã được chứng minh là không có hiệu quả. Do đó, cai nghiện tại cộng đồng vừa qua hầu hết chỉ là chờ đủ số người sử dụng ma túy để lập thủ tục đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Mười quy định người cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình và cộng đồng, theo đó người nghiện ma túy đăng ký cai nghiện tự nguyện với cơ quan cung cấp dịch vụ cai nghiện tại cộng đồng. Thời gian, địa điểm cai nghiện được thực hiện theo thỏa thuận giữa người cai nghiện ma túy và cơ quan cung cấp dịch vụ.

Theo báo cáo, cả nước hiện nay có 79 cơ sở cai nghiện công lập và 18 cơ sở cai nghiện ma túy tư nhân. Theo Điều 33, 34 dự thảo thì các cơ sở này được cung cấp dịch vụ cai nghiện tại cộng đồng và các cơ sở y tế xã hội khác nếu đủ điều kiện. Hiện nay, các cơ sở cai nghiện công lập chỉ thực hiện nhiệm vụ cai nghiện bắt buộc cho người thực hiện cai nghiện bắt buộc theo quy định của pháp luật về xử lý hành chính mà còn áp lực.

Liệu họ có đảm đương nổi việc cung cấp dịch vụ này hay không? Trong khi đó, số lượng cơ sở cai nghiện tư nhân thì quá ít ỏi, có đảm đương nổi hay không? Các bệnh viện, cơ sở y tế công lập có được ký hợp đồng với người nghiện để cung cấp dịch vụ cai nghiện tại gia đình và cộng đồng hay không?”, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung nêu câu hỏi.

 Trong khi đó, theo quy định tại Điều 37, chỉ áp dụng đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên, nếu không đăng ký cai nghiện tại một trong các hình thức cai nghiện tự nguyện cộng đồng hoặc ở các cơ sở cai nghiện.

Với những quy định thiếu rõ ràng, thiếu khả thi và phân tích từ thực tiễn nêu trên thì chắc rằng con số người nghiện ma túy trong cộng đồng trong thời gian tới còn tăng cao hơn nữa, sẽ lôi kéo người sử dụng ma túy trái phép và khả năng phát sinh tội phạm từ những người nghiện là rất cao”, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung nhận định, đồng thời đề nghị đối với người nghiện từ đủ 18 tuổi trở lên khi phát hiện và có kết luận là nghiện ma túy thì cần lập thủ tục đưa vào các cơ sở cai nghiện bắt buộc. Nếu họ không đăng ký cai nghiện tự nguyện tại các cơ sở tập trung và các cơ sở cai nghiện, họ phải chịu chi phí cho quá trình cai nghiện tại các cơ sở cai nghiện. Chỉ áp dụng quản lý, hỗ trợ ở gia đình, cộng đồng khi họ thực hiện xong cai nghiện ma túy trở về để nhằm giúp họ hòa nhập với cộng đồng và phòng ngừa tái nghiện.

Hồ Hương