Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Phúc chỉ rõ, tại Điều 12 về trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan chuyên trách, khoản 1 dự thảo luật có nêu cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc công an nhân dân và kèm theo 7 hoạt động được quy định từ điểm a đến điểm g; trong khi đó tại khoản 3 có nêu cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, hải quan trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm chủ trì phối hợp với các cơ quan công an, các cơ quan hữu quan khác thực hiện và áp dụng các biện pháp cần thiết để phòng ngừa và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về ma túy tại khu vực hoặc địa bàn quản lý, kiểm soát. Đại biểu Nguyễn Thị Phúc cho rằng, việc quy định như vậy là không phù hợp, không tạo tính chủ động cho các cơ quan, đơn vị như biên phòng, cảnh sát biển và hải quan.
Đại biểu Nguyễn Thị Phúc – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận phát biểu tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.
“Đã nói là cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thì nhiệm vụ, quyền hạn phải như nhau. Để công tác phòng, chống ma túy đạt được hiệu quả, các lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy trong khu vực, địa bàn quản lý cần được giao quyền chủ động trong triển khai thực hiện công tác phòng, chống tội phạm về ma túy. Đồng thời, với việc phối hợp với nhau để thực hiện các biện pháp cần thiết để phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý các hoạt động bất hợp pháp liên quan đến ma túy”, đại biểu Nguyễn Thị Phúc nêu ý kiến, đồng thời đề nghị Ban soạn thảo giữ nguyên trách nhiệm phối hợp với các cơ quan hữu quan của cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc công an nhân dân như quy định trong luật hiện hành là đảm bảo tính thống nhất với khoản 3 điều này.
Về xác định người sử dụng trái phép chất ma túy tại Điều 23 khoản 1 dự thảo luật có nêu "người bị coi là người sử dụng trái phép chất ma túy là người có xét nghiệm dương tính với chất ma túy. Việc sử dụng chất ma túy của người đó không được pháp luật cho phép và chưa xác định được tình trạng nghiện". Đại biểu Nguyễn Thị Phúc cho rằng, việc quy định như vậy không thống nhất với nội dung tại khoản 16 Điều 3, về giải thích khái niệm người sử dụng trái phép chất ma túy là người tự ý hoặc đồng ý cho người khác đưa chất ma túy vào cơ thể mình mà không có sự cho phép của cơ quan chuyên môn có thẩm quyền. Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo rà soát lại quy định người sử dụng trái phép chất ma túy trong dự thảo luật, để đảm bảo tính thống nhất trong các điều khoản luật.
Về thời hạn quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, khoản 2 Điều 24 dự thảo luật quy định 1 năm đối với người sử dụng chất ma túy từ 18 tuổi trở lên và 6 tháng đối với người dưới 18 tuổi. Trong khi đó, tại khoản 1 điều này có nêu "quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy là biện pháp phòng ngừa, nhằm giúp người sử dụng trái phép chất ma túy không tiếp tục sử dụng trái phép chất ma túy và kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật của họ". Theo đại biểu Nguyễn Thị Phúc, quy định thời hạn quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy như khoản 2 là không thực tế, không có căn cứ. Bởi lẽ, chưa hẳn người từ đủ 18 tuổi trở lên sử dụng ma túy nhiều hơn người dưới 18 tuổi và ngược lại. Nếu người dưới 18 tuổi sử dụng ma túy nhiều hơn, với thời hạn quản lý 6 tháng thì việc giúp người sử dụng trái phép chất ma túy không tiếp tục sử dụng ma túy như quy định ở khoản 1 điều này là khó khăn. Theo đại biểu, việc xác định thời hạn quản lý cần căn cứ vào thực tế thời gian sử dụng trái phép chất ma túy. Do vậy, đại biểu Nguyễn Thị Phúc đề nghị quy định thời hạn quản lý người sử dụng chất ma túy trái phép căn cứ vào tình trạng nghiện, đồng thời với việc quy định các biện pháp phòng ngừa, nhằm giúp người sử dụng trái phép chất ma túy không tiếp tục sử dụng ma túy và ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật của họ.
Về trách nhiệm quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy tại điểm c khoản 4 Điều 24 dự thảo luật có quy định: “Giao Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi phát hiện thông báo của cho gia đình và chuyển các tài liệu liên quan đến hành vi sử dụng trái phép chất ma túy cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú”. Theo đại biểu Nguyễn Thị Phúc, quy định như thế là không phù hợp, không khả thi.
“Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã sẽ quản lý như thế nào, ai được giao trực tiếp giám sát, cơ chế ra sao là chưa rõ”, đại biểu Nguyễn Thị Phúc nhấn mạnh, đồng thời đề nghị Ban soạn thảo xem xét lại vấn đề này. Ngoài ra, để các quy định được chặt chẽ, cụ thể hơn, đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định biện pháp cưỡng chế trong trường hợp người được yêu cầu xét nghiệm nhưng không chấp hành việc xét nghiệm trong thời gian quản lý tại cộng đồng.
Về chế tài xử lý vi phạm, đại biểu Nguyễn Thị Phúc cho rằng có nhiều điều khoản liên quan đến trách nhiệm của cá nhân, gia đình trong phòng, chống ma túy như đã thể hiện ở Điều 6, Điều 25, Điều 26 và Điều 30, nhưng dự thảo luật chưa có quy định về chế tài, nếu không thực hiện các trách nhiệm này. Do vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung chế tài xử lý để đảm bảo những quy định của pháp luật được thực thi và mang tính khả thi cao.