ĐOÀN ĐBQH TỈNH HÀ NAM THẢO LUẬN VỀ DỰ ÁN LUẬT ĐIỆN ẢNH VÀ DỰ ÁN LUẬT THI ĐUA KHEN THƯỞNG (SỬA ĐỔI)

23/10/2021

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XV, sáng ngày 23/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội nghe nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Điện ảnh; Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).


Dự phiên họp trực tuyến tại điểm cầu Hà Nam có đồng chí Phạm Hùng Thắng, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam, các vị ĐBQH tỉnh và đại diện các sở, ngành liên quan.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên họp buổi sáng

Tại phiên họp, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi). Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi).

Tiếp đó, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).

Sau đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về hai dự án luật này.

Đồng chí Phạm Hùng Thắng, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam phát biểu đóng góp ý kiến về 2 dự án Luật tại phiên thảo luận tổ

Thảo luận, cho ý kiến đóng góp về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi), các ĐBQH tỉnh Hà Nam đồng tình với với việc sửa đổi toàn diện Luật Điện ảnh để thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, khắc phục những bất cập của Luật Điện ảnh hiện hành và đáp ứng nhu cầu phát triển và hội nhập của nền Điện ảnh Việt Nam. Đồng thời, các ĐBQH tỉnh Hà Nam đề nghị dự án Luật Điện ảnh cần quan tâm đến giới trẻ và việc phổ biến văn hóa, điện ảnh rất đa dạng, linh hoạt trong xu thế của cách mạng công nghiệp lần thứ 4, do đó phải làm sao vai trò của nhà nước là tạo cơ chế, tạo “sân chơi” cởi mởi để điện ảnh phải đáp ứng được nhiều yêu cầu đồng thời là giữ được, phát huy được giá trị lịch sử, giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, của quốc gia; phản ánh được hơi thở hiện thực của cuộc sống và văn hóa, nghệ thuật, điện ảnh phải thực sự hỗ trợ hội nhập và phát triển kinh tế.

Các ĐBQH góp ý trực tiếp vào các vấn đề là nội dung phổ biến phim trên không gian mạng, trong đó phải chú trọng công tác hậy kiểm nội dung phim để đảm bảo hiệu quả, kịp thời kết hợp với chế tài xử lý vi phạm. Một vấn đề nữa là vấn đề phổ biến phim phục vụ nhiệm vụ chính trị ở vùng nông thôn, miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số; phục vụ cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang.

Đồng chí Nguyễn Quốc Hùng, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh, ĐBQH tỉnh Hà Nam đóng góp ý kiến vào dự án Luật Thi đua khen thưởng (sửa đổi)

Đóng góp ý kiến vào dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), các ĐHQH tỉnh Hà Nam chỉ ra một số điểm cần sửa đổi cho phù hợp trong dự án Luật như: Tại điểm c, mục 1, Điều 24 dự thảo Luật quy định: tập thể lao động xuất sắc, Đơn vị Quyết thắng phải có 100% cá nhân trong tập thể hoàn thành nhiệm vụ được giao, trong đó có ít nhất 70% cá nhân đạt danh hiệu “Lao động tiên tiến” là chưa phù hợp thực tế của từng đơn vị, địa phương, nhất là với những tập thể đông quân số như tại lực lượng Công an, Quân đội. Do đó đề nghị quy định tỷ lệ này chỉ nên để ở mức 90%.

Các ĐBQH cũng cho rằng, đối với các quy định tại dự án Luật về tiêu chuẩn tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” cho cá nhân đạt các tiêu chuẩn như: “có hành động anh hùng, dũng cảm, mưu trí, hy sinh quên mình, đạt được thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu”, “có sáng kiến giải pháp hoặc công trình nghiên cứu có giá trị đặc biệt được ứng dụng vào thực tiên hoạt động quân sự, an ninh hoặc KT-XH đem lại hiệu quả thiết thực” là tính khả thi không cao, do đó, đề nghị nghiên cứu gộp 2 tiêu chuẩn này và dùng từ “hoặc” giữa 2 tiêu chuẩn để quy định có tính khả thi. Các đại biểu cũng đóng góp ý kiến vào các quy định về quỹ thi đua khen thưởng.

Lãnh đạo Sở Nội vụ tham gia đóng góp ý kiến thảo luận với Đoàn ĐBQH tỉnh về 2 dự án Luật tại phiên họp trực tuyến điểm cầu Hà Nam

Trong phiên họp buổi chiều, Quốc hội tiếp tục nghe các báo cáo và các báo cáo thẩm tra về: công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2021; công tác năm 2021 của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; công tác năm 2021 của Tòa án nhân dân tối cao; công tác thi hành án năm 2021; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021; nghe Tờ trình dự thảo Nghị quyết quy định về tổ chức phiên tòa trực tuyến của Tòa án nhân dân tối cao. Đồng thời Quốc hội cũng thảo luận trực tuyến về các nội dung này./.

(Theo Đài PT&TH Hà Nam)