Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam thảo luận tại tổ về Dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi)
Thảo luận về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam cho rằng, đề xuất sửa đổi được đưa ra trong dự thảo lân này rất sát thực tiễn, đã tiếp thu được những ý kiến của các địa phương. Trong đó có 3 nội dung được đánh giá là rất mới. Đầu tiên là mở rộng đối tượng được tham gia thi đua và khen thưởng với những đối tượng mới, như đối với tập thể, cá nhân người nước ngoài, xã, phường, thị trấn, thôn, tổ ấp, gia đình tiêu biểu… Tiêu chuẩn xét tặng bằng khen Thủ tướng Chính phủ, huân chương cũng đã được thay đổi để sát thực tiễn hơn. Nhiều sửa đổi trong dự thảo luật lần này cũng phù hợp với xét phân loại tổ chức Đảng và Đảng viên.
Về khen thưởng cho lực lượng thanh niên xung phong, các ý kiến đại biểu Quảng Nam đều thống nhất cao với điều 25 của dự thảo Luật về Quy định huy chương thanh niên xung phong vẻ vang. Tuy nhiên để khen thưởng không trùng lặp, các đại biểu Quảng Nam đề nghị, những người nào đã nhận khen thưởng kháng chiến 3 thời kỳ thì sẽ không tặng huy chương thanh niên xung phong vẻ vang nữa. Chỉ áp dụng đối với những người thất lạc hồ sơ, đã thiết lập hồ sơ khen thưởng 3 thời kỳ nhưng chưa được khen thưởng.
Ông Dương Văn Phước, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam có ý kiến: “Trước hết nên đổi tên danh hiệu này. Chỉ cần huân chương vẻ vang là được rồi. Vì thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện, dù lực lượng nào đi nữa thì người ta đã cống hiến hy sinh thì cần được ghi nhận, ghi công.”
Đại biểu Lê Văn Dũng, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam phát biểu thảo luận
Còn theo đại biểu Lê Văn Dũng, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam thì cho rằng nên có hình thức khen thưởng cho các thanh niên xung phong sau giải phóng (sau năm 1975). Bởi sau khi hoà bình lập lại, đất nước ta đã huy động một lượng lớn thanh niên đi đầu trong hoạt động xây dựng quê hương, rà phá bom mìn, khắc phục hậu quả chiến tranh. Từ đó đến nay vẫn chưa có chế độ gì khen thưởng, động viên. Vậy nên đại biểu Lê Văn Dũng mong Chính phủ, Quốc hội xem xét có hình thức khen thưởng phù hợp cho đối tượng này. Trên cơ sở đó sẽ điều chỉnh Pháp lệnh người có công cho phù hợp, bởi nếu được quy định cụ thể thì mới thực hiện khen thưởng cho các thanh niên xung phong sau giải phóng được. Ngoài ra, có ý kiến cho rằng, dự thảo luật lần này cần quan tâm hơn đến công tác thi đua, khen thưởng cho người lao động, nông dân, công nhân. Đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh, đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam đề xuất, Quốc hội cần tạo động lực hơn cho nông dân, người lao động, những con người đồng hành trong lao động, sản xuất… để cùng với cả hệ thống chính trị thi đua, phấn đấu xây dựng quê hương đất nước. Song song với việc kiểm điểm, phê bình thì hình thức khen thưởng, động viên cũng rất quan trọng để cổ vũ họ kịp thời, nâng cao năng lực, cống hiến cho đất nước.
Đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh, đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam phát biểu thảo luận
Các đại biểu Quảng Nam cũng chỉ ra điểm bất hợp lý khi thực hiện luật Thi đua khen thưởng hiện hành. Bởi thẩm quyền của HĐND các cấp chưa được quy định trong Luật Thi đua khen tưởng. Vì vậy mới có trường hợp Chủ tịch UBND ký khen thưởng cho chủ tịch HĐND. Các đại biểu nhấn mạnh điều này không phù hợp thực tiễn. Do đó trong dự thảo Luật lần này nên quy định thẩm quyền HĐND các cấp, từ tỉnh cho tới xã được phép đề nghị và khen thưởng cho các tập thể, cá nhân hoạt động trên lĩnh vực HĐND.
Một điều không phù hợp thực tiễn nữa là trong tiêu chuẩn xét khen thưởng bằng khen, Chiến sĩ thi đua toàn quốc, huân chương các loại… Có một tiêu chuẩn là: “có sáng kiến cải tiến kỹ thuật hoặc đề tài khoa học đươc áp dụng trong thực tiễn và có hiệu quả”. Tuy nhiên trong thực tiễn, sáng kiến kinh nghiệm thì nhiều, nhưng áp dụng vào thực tiễn để có hiệu quả thì chưa nhiều. Quy định như thế tuy có chặt chẽ, kỹ lưỡng, nhưng các đại biểu đề nghị các hướng dẫn thực hiện Luật sau này phải làm rõ và cụ thể hơn nội dung này. Các đại biểu nêu lên một ví dụ về yêu cầu Chiến sĩ thi đua toàn quốc có sáng kiến kinh nghiệm có hiệu qủa trên phạm vi toàn quốc. Các đại biểu đặt câu hỏi: Ai là người công nhận hiệu quả đó? Không thể để Chủ tịch UBND tỉnh công nhận có hiệu quả trong phạm vi toàn quốc. Bởi lãnh đạo chỉ có ý kiến trong phạm vi tỉnh/thành, nên để địa phương xác nhận thì không thực chất. Theo các đại biểu, đây là việc quan trọng cần phải làm rõ trong thi đua nhằm tránh chạy theo thành tích./.