Toàn cảnh Phiên họp
Cần tạo chuyển biến rõ rệt trong công tác phát hiện, xử lý tham nhũng
Phát biểu tại phiên họp, các đại biểu đồng tình với các báo cáo và đánh giá cao những kết quả đạt được trong công tác phòng chống tham nhũng. Sau 3 năm triển khai áp dụng Luật Phòng, chống tham nhũng, 2 năm thực hiện mở rộng phòng, chống tham nhũng tại các doanh nghiệp, tổ chức, khu vực ngoài nhà nước, tình hình tham nhũng được kiềm chế, từng bước thuyên giảm.
Các đại biểu cho rằng, điểm đổi mới, nổi trội, đóng góp lớn vào kết quả phòng, chống tham nhũng năm 2021 là trong quá trình thanh tra, nếu phát hiện vi phạm nghiêm trọng có thể chuyển ngay đến cơ quan điều tra, không cần chờ đến khi kết thúc thanh tra. Điểm đổi mới này góp phần ngăn chặn kịp thời hậu quả, thu hồi tối đa tài sản tham nhũng.
Tuy nhiên, các đại biểu cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong công tác phòng, chống tham như: việc thực hiện một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng còn mang tính hình thức, thiếu đồng bộ, kiểm tra, đánh giá chưa thường xuyên; việc xử lý tài sản liên quan đến các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế còn chậm; tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp so với tài sản bị chiếm đoạt, thiệt hại...
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, các đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh, tạo chuyển biến rõ rệt hơn trong công tác phát hiện, xử lý tham nhũng ở các bộ, ngành, địa phương, nhất là việc tự kiểm tra, phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ; xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Các đại biểu cũng đề nghị cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; tập trung hơn vào những lĩnh vực nổi cộm, đang gây bức xúc trong dư luận gần đây như lĩnh vực y tế, giáo dục, việc tổ chức triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về hỗ trợ và phòng, chống dịch bệnh COVID-19, việc huy động các khoản đóng góp của nhân dân trong hoạt động từ thiện...
Kiên quyết xử lý những vụ việc tham nhũng liên quan đến hỗ trợ, an sinh xã hội và phòng, chống dịch bệnh COVID-19
Phát biểu tại Phiên họp, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy, Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre, nêu ra những tồn tại, bất cập cần làm rõ trong công tác phòng, chống tham nhũng như: Trong năm 2021, số vụ thanh tra hành chính, thanh tra và kiểm tra chuyên ngành đều giảm, nhưng mức độ vi phạm về kinh tế lại tăng. Ngoài ra, số cuộc thanh tra, kiểm tra ở khu vực ngoài nhà nước trong năm vừa qua giảm, nhưng số vụ việc phát hiện tham nhũng lại tăng... Đại biểu kiến nghị cần phân tích, làm rõ nguyên nhân việc gia tăng này là do chọn đúng đối tượng thanh tra, kiểm tra; do đổi mới phương pháp thanh tra; hay do tình hình tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước có xu hướng gia tăng.
Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy, Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre phát biểu tại Phiên họp
Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy đề nghị Chính phủ cần phân tích, làm rõ những số liệu trên cơ sở so sánh với năm trước, từ đó xác định nguyên nhân chủ quan, khách quan để đánh giá kết quả đạt được thực chất hơn, qua đó đưa ra giải pháp phù hợp để hạn chế tối đa những tồn tại đã được chỉ ra trong báo cáo.
Bên cạnh đó, với vấn đề xử lý những vụ việc và đối tượng tham nhũng liên quan đến hỗ trợ, an sinh xã hội và phòng, chống dịch bệnh COVID-19, đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo, xử lý kịp thời, dứt điểm, kiên quyết không áp dụng các tình tiết giảm nhẹ, vì những vi phạm này không đơn thuần gây hậu quả về kinh tế, mà còn gây ra hậu quả về tinh thần, ý chí, tác động đến lòng tin của nhân dân với Đảng, với chế độ, ảnh hưởng đến việc huy động sự đóng góp của toàn xã hội cho công tác phòng, chống dịch bệnh.
Giao trách nhiệm cho Tòa án trong giải quyết khiếu nại nhằm nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng
Tham gia ý kiến tại phiên họp, đại biểu Trần Văn Tuấn, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang, cho rằng một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến những tồn tại, hạn chế trong công tác phòng, chống tham nhũng hiện nay là do cơ chế kiểm soát quyền lực chưa đủ mạnh, chưa hoàn thiện. Đại biểu Trần Văn Tuấn đề nghị Trung ương, Quốc hội, Chính phủ cần đẩy mạnh hơn nữa cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước. Theo đó, Quốc hội cần giao cho Chính phủ và các cơ quan chức năng liên quan sớm nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo, tháo gỡ những bất cập trong quy định về trách nhiệm và trình tự giải quyết khiếu nại, tố cáo, tránh tình trạng các khiếu nại về hành vi hành chính, cơ quan hành chính lại do chính các cơ quan hành chính giải quyết, dẫn đến thiếu khách quan, thiếu nghiêm túc, chậm trễ trong việc giải quyết khiếu nại.
Đại biểu Trần Văn Tuấn, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang, phát biểu từ điểm cầu trực tuyến
Đại biểu đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo theo hướng giao cho Tòa án các cấp thực hiện toàn bộ trách nhiệm trong giải quyết khiếu nại đối với hành vi hành chính, từ đó yêu cầu giải quyết khiếu nại thông qua trình tự và thủ tục tố tụng hành chính. Đại biểu Trần Văn Tuấn cho rằng thay đổi đó sẽ giúp phát huy tốt hơn vai trò của cơ quan tư pháp trong việc kiểm soát quyền lực nhà nước đối với các hoạt động hành pháp, góp phần nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, công chức, viên chức nhà nước trong việc thực hiện các quyết định hành chính, giảm thiểu các hành vi tham nhũng, tiêu cực, bảo đảm việc giải quyết khiếu nại, tố cáo được diễn ra khách quan, nghiêm túc.
Ngoài ra, để tăng cường hoạt động chất vấn, giám sát chuyên đề về phòng, chống tham nhũng, các đại biểu đề nghị báo cáo hàng năm về công tác phòng, chống tham nhũng cần bổ sung nội dung về việc thực hiện các kiến nghị của cơ quan thẩm tra năm trước; đề nghị cần tăng cường đổi mới phương pháp, hình thức tuyên truyền, mở rộng đối tượng tuyên truyền ra phạm vi ngoài nhà nước để kịp thời ngăn chặn và hạn chế tham nhũng ở khu vực này./.