ĐẠI BIỂU PHẠM TRỌNG NHÂN: CÁC CƠ CHẾ ĐẶC THÙ CẦN TƯƠNG QUAN VỚI TOÀN BỘ HỆ THỐNG PHÁP LUẬT

27/10/2021

Thảo luận về các cơ chế chính sách đặc thù cho các địa phương trong phiên họp sáng 27/10, đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương Phạm Trọng Nhân cho rằng, điều quan trọng nhất vẫn là cách hoạch định chính sách nhằm đặt các cơ chế đặc thù tương quan với toàn bộ hệ thống pháp luật cũng như các chiến lược quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương phát biểu thảo luận

Đại biểu Phạm Trọng Nhân cho rằng sự cần thiết xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách đặc thù cho các địa phương đã được nêu rất rõ trong tờ trình và báo cáo thẩm tra về Dự thảo các Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù cho các tỉnh, thành phố Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An và Thừa Thiên Huế. Tuy nhiên, theo đại biểu, điều quan trọng nhất ở đây vẫn là cách chúng ta hoạch định chính sách nhằm đặt các cơ chế đặc thù tương quan với toàn bộ hệ thống pháp luật cũng như các chiến lược quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia. Nếu được thông qua, tính trong cả nước sẽ có 7 tỉnh, thành được Quốc hội thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù. Khi Nghị quyết này có hiệu lực thì cũng tròn 3 năm kể từ ngày Luật Quy hoạch có hiệu lực. Tờ trình 389 của Chính phủ tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV đã khẳng định quy hoạch phải thực sự là công cụ quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội, giữ vai trò định hướng, dẫn dắt sự phát triển. Đồng thời, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đánh giá quy hoạch tổng thể quốc gia là cầu nối giữa chiến lược với kế hoạch, là định hướng chiến lược về phân bố phát triển và tổ chức không gian các hoạt động kinh tế - xã hội. Như vậy, quy hoạch là yếu tố cần có sau các chiến lược và căn cứ vào quy hoạch để ban hành các chương trình, kế hoạch theo quy hoạch đã được phê duyệt.

Tuy nhiên, sau 3 năm có hiệu lực với nhiều kỳ vọng thì vào tháng 3 năm nay Bắc Giang là địa phương đầu tiên trình Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030. Như vậy, các địa phương được xem xét cơ chế đặc thù lần này đã hoàn thành hay chưa việc xây dựng quy hoạch địa phương mình, nếu chưa thì cơ chế, chính sách đặc thù này sẽ ảnh hưởng thế nào khi các tỉnh tiến hành quy hoạch. Cơ chế thí điểm mang tính ngắn hạn còn quy hoạch là dài hạn. Khi xây dựng quy hoạch, các vấn đề được quy định trong nghị quyết cơ chế, chính sách đặc thù sẽ được xử lý như thế nào, quy hoạch có trước hay cơ chế, chính sách đặc thù có trước, cái nào quy định cái nào và cái nào phụ thuộc cái nào.

Thật hợp lý khi tại kỳ họp này, Quốc hội bố trí thảo luận đề án cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025. Câu hỏi đặt ra là cơ chế, chính sách đặc thù của các địa phương nằm ở đâu trong đề án này. Trong cơ cấu kinh tế có cơ cấu lãnh thổ, kinh tế là nội dung, cách thức liên kết, phối hợp về mặt kinh tế giữa các lãnh thổ hợp thành nền kinh tế. Như vậy, khi ban hành cơ chế, chính sách đặc thù cho các địa phương chúng ta đã tính đến sự liên kết giữa các địa phương này với các tỉnh, thành lân cận hay chưa. Điều quan trọng là chúng ta có đặt cơ chế, chính sách đặc thù trong tổng thể vùng kinh tế mà không phải từng tỉnh, riêng lẻ hay không. Câu trả lời có thể là có, vì khi xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù cho Đà Nẵng, Tờ trình của Chính phủ có nêu xác định vai trò của thành phố Đà Nẵng tiếp tục là trung tâm, là đầu tàu dẫn dắt kinh tế - xã hội của miền Trung và Tây Nguyên. Tuy nhiên, Tờ trình của Chính phủ tại kỳ họp này khi đề cập đến tỉnh Thanh Hóa cũng nhấn mạnh, Thanh Hóa từng bước khẳng định là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng của khu vực miền Trung và cả nước. Có hay không sự chồng lấn về vai trò đầu tàu hay động lực tăng trưởng của miền Trung trong trường hợp này. Các địa phương được hưởng đặc thù sẽ đóng vai mới như thế nào trong chiến lược liên kết vùng hay vẫn là một trong 63.

Nếu nhìn lại 16 địa phương có kết dư điều tiết ngân sách về Trung ương thì chỉ có Hà Nội, Thành phố Chí Minh và Đà Nẵng được trao cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển. Trong khi nguồn lực quốc gia còn thiếu và yếu. Câu chuyện đi tìm động lực tăng trưởng mang ý nghĩa sống còn trong thời gian qua vẫn chưa minh định được một triết lý trong quản trị quốc gia. Nhất là khi đất nước đang trải qua đợt dịch nặng nề thì câu hỏi đặt ra là vì sao chúng ta không trao cơ chế, chính sách đặc thù cho các địa phương đã phát triển để dễ dàng có thêm dư địa tăng trưởng mà ở chiều ngược lại các địa phương này phải chịu tăng tỷ lệ điều tiết về Trung ương, phần còn lại phải chật vật, khéo co để lo bao bộn bề trước mắt và cho cả phát triển lâu dài. Trong khi việc thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù chỉ trong ngắn hạn. Do đó, hiệu quả có thể sẽ không như mong đợi mà báo cáo của Chính phủ trong chương trình nghị sự lần này.

Về tình hình thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và cơ chế chính sách đặc thù phát triển thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng sẽ phần nào minh chứng cho điều này.

Bên cạnh những kết quả đạt được, những tồn tại mà Báo cáo 429 của Chính phủ đã nêu, việc thu hút chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đòi hỏi sự thận trọng trong xây dựng cơ chế tổ chức thực hiện nên thời gian xây dựng quy trình mất nhiều thời gian nghiên cứu, hay do các điều kiện khách quan và chủ quan nên các địa phương chưa tận dụng được hết cơ chế, chính sách đặc thù để huy động nguồn lực cho đầu tư. Để tránh những tồn tại, hạn chế lặp lại dù là chủ quan hay khách quan, thiết nghĩ kèm với dự thảo nghị quyết cơ chế chính sách đặc thù cần phải có những chương trình, đề án như một cam kết về hiệu quả của Nghị quyết đối ứng với niềm tin mà gần 500 đại biểu đã tin trao cho các địa phương.

Khát vọng phát triển đất nước cũng như câu chuyện đi tìm động lực tăng trưởng luôn là trăn trở của các cấp lãnh đạo, các chuyên gia và các tầng lớp nhân dân. Chúng ta luôn trân trọng những thành quả tăng trưởng trong bối cảnh hiện nay và cần phải xác định nó không chỉ là nghĩa vụ mà còn là trách nhiệm, tình cảm giữa 63 tỉnh thành. Dù có hay không có cơ chế chính sách đặc thù mà trong đại dịch tình quân dân, nghĩa đồng bào đã khắc họa sâu sắc ân tình này, khó ai có thể quên được. Trong khi Quốc hội xem xét thông qua cơ chế, chính sách đặc thù cho một số tỉnh thành thì cơ chế, chính sách đặc thù cho vùng kinh tế trọng điểm vẫn còn là câu chuyện mang tính thảo luận cùng với quy hoạch quốc gia vẫn còn chưa được định hình. Chúng ta đồng thuận để thông qua các cơ chế chính sách đặc thù lần này, nhưng vẫn mong một cơ chế, chính sách đặc thù cho các vùng kinh tế trọng điểm. Bởi đây mới chính là động lực tăng trưởng trọng yếu, là liều thuốc đủ mạnh cho một cơ thể vừa trải qua cơn bạo bệnh nhưng luôn mang khát vọng thịnh vượng và chỉ có đồng lòng như vậy chúng ta mới có thể đi xa cùng nhau./.