Đoàn ĐBQH Quốc hội Lâm Đồng và các sở, ngành tham dự trực tuyến thảo luận về thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế
Tại điểm cầu Lâm Đồng, tham dự có đồng chí Trần Đình Văn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH Lâm Đồng, đồng chí Nguyễn Tạo - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH, các ĐBQH K’Nhiễu, Trịnh Thị Tú Anh và đại diện các sở, ngành, đơn vị của tỉnh.
Theo báo cáo trình Quốc hội, tính đến 31/12/2020, số người tham gia bảo hiểm y tế là 87,96 triệu người đạt tỷ lệ bao phủ 90,85% dân số. Trong đó, ngân sách nhà nước đóng và hỗ trợ mức đóng trên 51 triệu người, chiếm 58%. Tổng số chi do ngân sách nhà nước đóng, hỗ trợ mức đóng năm 2020 là 39.953 tỷ đồng, bằng 37% tổng số thu tiền đóng bảo hiểm y tế. Về công tác khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, năm 2020, có 2.612 cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, tăng 166 cơ sở (6,8%) so với năm 2019; số cơ sở công lập tăng 66 cơ sở (4%) so với năm 2019, ngoài công lập tăng 100 cơ sở (12,6%).
Trong quá trình thực hiện đã xuất hiện một số tồn tại, hạn chế như: Một số quy định về thanh toán, quyết toán chi phí khám chữa bệnh còn chưa thực sự rõ ràng, đầy đủ dẫn đến việc chưa thống nhất trong quá trình giám định, thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; vẫn còn chênh lệch về chất lượng giữa các tuyến, các vùng, đặc biệt là giữa tuyến y tế cơ sở với tuyến trên nên chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của người dân; việc xây dựng, cập nhật, điều chỉnh định mức, giá dịch vụ y tế khó khăn, mất nhiều thời gian trong điều kiện thay đổi liên tục về khoa học, kỹ thuật, công nghệ trong chuẩn đoán, điều trị, thuốc, trang thiết bị.
Năm 2020, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và ngành bảo hiểm xã hội đã thực hiện 8.619 cuộc thanh tra, kiểm tra (giảm 54% so với năm 2019), chủ yếu là do ngành bảo hiểm xã hội thực hiện (99,39%); đã phát hiện nhiều trường hợp sai phạm, chưa thực hiện đúng, đủ quy định pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Ủy ban Cã hội của Quốc hội cho rằng, việc chấp hành quyết định xử lý vi phạm hành chính cả giai đoạn 2016 - 2020 còn vẫn ở mức thấp, mới thu hồi 25,2% của tổng số tiền phải thu hồi; tại một số ít địa phương, vẫn còn tình trạng chưa linh hoạt trong việc áp dụng các biện pháp nhằm hạn chế việc lạm dụng, trục lợi quỹ.
Tham gia góp ý về chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, ĐBQH K’Nhiễu -Đoàn Lâm Đồng đã tham gia góp ý. Tuy nhiên, vì thời gian kỳ họp không cho phép nên đại biểu đã gửi bản góp ý về Ủy Ban Thường vụ Quốc hội. Trong đó, tập trung trao đổi 2 vấn đề đó là đề xuất sửa đổi bổ sung liên quan đến bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và Nghị quyết 68. Để sớm thể chế hoá Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, sửa đổi Luật Bảo hiểm Xã hội, Luật Bảo hiểm Y tế, nhằm đảm bảo duy trì và mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội; đồng thời, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu bao phủ bảo hiểm y tế trên toàn quốc, căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, đại biểu kiến nghị, đề xuất: Đối với nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025 thì người dân đang sinh sống tại các xã không còn nằm trong danh sách các xã khu vực II, xã khu vực III tại Quyết định số 861 sẽ không còn được ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế, trong khi trước khi có QĐ 861 được nhà nước cấp kinh phí toàn bộ để mua bảo hiểm y tế cho người dân.
Hiện nay, tại tỉnh Lâm Đồng có 65 xã không còn nằm trong danh sách xã khó khăn, đặc biệt khó khăn với khoảng trên 150.000 người sẽ không còn được ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế. Trong đó, người dân tộc thiểu số trên 120.000 người; người Kinh sinh sống ở vùng đặc biệt khó khăn trên 30.000 người. Dẫn đến những đối tượng này không được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế hoặc tạo ra những gánh nặng xã hội khi họ ốm đau bệnh tật, làm nảy sinh nguy cơ tái nghèo và ảnh hưởng rất lớn đến chỉ tiêu bao phủ bảo hiểm y tế, đặc biệt là tác động rất lớn đến đời sống của người đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh; đồng thời, để thực hiện mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh đạt 95% người tham gia bảo hiểm y tế.
Theo đó, đại biểu đề nghị Chính phủ nghiên cứu tiếp tục có chính sách hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế đối với người đồng bào dân tộc thiểu số đã thoát khỏi vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 861 ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Quan tâm bao phủ bảo hiểm y tế đối với các đối tượng trẻ em, đối tượng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Việc cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đôi khi chưa kịp thời do bà con đồng bào còn có tục lệ tảo hôn, bố mẹ trẻ chưa được cấp chứng minh thư/căn cước công dân, không có giấy đăng ký kết hôn và không có giấy chứng sinh do trẻ sinh tại nhà, đề nghị cơ quan chức năng nghiên cứu các biện pháp để sớm đảm bảo cho các đối tượng vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được bao phủ bảo hiểm y tế, thực hiện trọn vẹn ý nghĩa của công tác an sinh xã hội toàn dân.
Về hỗ trợ tham gia bảo hiểm y tế, đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan chức năng tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế và tăng cường kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế; xử lý nghiêm những hành vi trục lợi Quỹ Bảo hiểm Y tế và hành vi vi phạm pháp luật khác về bảo hiểm y tế. Việc sửa đổi các nội dung trên sẽ góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh, ổn định cuộc sống của người dân và góp phần mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, góp phần hoàn thành chỉ tiêu bao phủ bảo hiểm y tế tại địa phương, cũng như chỉ tiêu trên toàn quốc, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu, xem xét.
Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh Xã hội Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã báo cáo giải trình, làm rõ một số vấn đề ĐBQH nêu.
Tại phiên buổi chiều đã có 23 ý kiến góp ý tập trung phản ánh nhiều vấn đề thực tế đặt ra. Đây là những ý kiến tâm huyết trí tuệ, thiết thực. Những ý kiến thẳng thắn, sâu sắc, trách nhiệm từ các địa phương, đơn vị, tiếp thu các ý kiến góp ý của ĐBQH, cơ quan thẩm tra của Quốc hội sẽ tổng hợp báo cáo, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp và sớm trình Quốc hội xem xét, ban hành luật trong thời gian sớm nhất.
Ngày mai 28/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận trực tuyến về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); Bộ trưởng Bộ Nội vụ giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.