THẢO LUẬN TỔ 03: BẢO ĐẢM HIỆU QUẢ NGUỒN VỐN ĐẦU TƯ DỰ ÁN

06/01/2022

Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội khóa XV, chiều 06/01, Quốc hội thảo luận ở tổ về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 và Dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ.

 

Tại Tổ 03 gồm các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La, Tp.Hải Phòng, Bắc Kạn, Thanh Hóa, Đắk Nông, Sóc Trăng và Kiên Giang các đại biểu đều bày tỏ thống nhất cao với sự cần thiết xem xét, quyết định chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 và Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ tại kỳ họp này.

Thảo luận tại Tổ 03 gồm các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La, Tp.Hải Phòng, Bắc Kạn, Thanh Hóa, Đắk Nông, Sóc Trăng và Kiên Giang

Về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, Chính phủ dự kiến đầu tư 729 km cao tốc trên các đoạn Bãi Vọt (tỉnh Hà Tĩnh) - Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị), Quảng Ngãi - Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) và Cần Thơ - Cà Mau, chia thành 12 dự án thành phần có thể vận hành khai thác độc lập. Do khó khăn trong việc huy động vốn ngoài ngân sách, Chính phủ kiến nghị triển khai dự án theo hình thức đầu tư công, sau khi hoàn thành sẽ nhượng quyền thu phí để thu hồi vốn Nhà nước.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu tập trung cho ý kiến về hồ sơ dự án; sự phù hợp của dự án đối với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch có liên quan và phạm vi, quy mô của dự án; về phương án thiết kế sơ bộ và lựa chọn công nghệ chính; về sơ bộ phương án giải phóng mặt bằng, tái định cư; về hình thức đầu tư; về sơ bộ tổng mức đầu tư, nguồn vốn và thu hồi vốn đầu tư; về phương án phân chia các dự án thành phần và tiến độ hoàn thành cũng như cơ chế, chính sách triển khai đầu tư dự án theo đề nghị của Chính phủ; đánh giá sự tương quan giữa các dự án trong từng dự án khác nhau và trong tổng thể quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050.

Nhất trí cao về sự cần thiết của chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, song Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc hội và An ninh Vũ Xuân Hùng – Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa bày tỏ băn khoăn về việc Chính phủ dự kiến phần vốn nhà nước bổ sung cho dự án khoảng 72.497 tỷ đồng sẽ cân đối từ “Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội”. “Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội” có thời gian triển khai trong 2 năm 2022-2023, việc sử dụng nguồn lực của Chương trình này đáp ứng yêu cầu giải ngân nhanh sớm phát huy hiệu quả vào thúc đẩy phát triển. Trong khi các dự án thành phần của Dự án đường cao tốc phần lớn là dự án trọng điểm quốc gia, quy trình thủ tục triển khai chặt chẽ, từ khâu chuẩn bị dự án đến khi khởi công kéo dài 2-3 năm. Như vậy có nguy cơ Chương trình hết thời hạn thực hiện mà công trình còn chưa được triển khai, làm ảnh hưởng đến hiệu quả nguồn vốn.

 Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông

Tờ trình có đưa ra nguyên tắc ưu tiên nguồn vốn đầu tư cho các dự án trọng điểm, có tác dụng lan toả, liên kết vùng, thúc đầy tăng trưởng cho nền kinh tế, có khả năng hấp thụ vốn và đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, để sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, Chính phủ sẽ tiếp tục rà soát, điều hoà sắp xếp lại Kế hoạch đầu tư công trung hạn, trong đó tập trung, ưu tiên nguồn vốn trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn bố trí cho Dự án. Tuy nhiên, nguyên tắc điều hoà nguồn vốn giữa các dự án được Chính phủ đưa ra chưa có đánh giá đầy đủ các yếu tố có thể ảnh hưởng đến việc triển khai các dự án, chưa có đánh giá cụ thể khả năng hấp thụ vốn đầu tư của các dự án dự kiến đầu tư trong năm 2024, 2025 được đẩy tiến độ đầu tư vào năm 2022, 2023, những vướng mắc trong việc sắp xếp lại nguồn vốn trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, cũng như nguồn vốn bổ sung chưa được bảo đảm chắc chắn khi tại thời điểm hiện nay Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội chưa được Quốc hội thông qua, xác định cụ thể nguồn vốn dành cho các dự án giao thông.

Về vấn đề này, Kiểm toán Nhà nước cũng đã có báo cáo và đề nghị Chính phủ xem xét bổ sung thông tin khả năng cân đối nguồn vốn này, những yếu tố ảnh hưởng có thể từ việc cân đối nguồn vốn từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội theo nguyên tắc điều hoà sắp xếp lại Kế hoạch đầu tư công trung hạn và bổ sung thông tin cụ thể về quy mô, nội dung và danh mục dự án sử dụng vốn đầu tư công của Chương trình để làm cơ sở cho đề xuất.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc hội và An ninh Vũ Xuân Hùng – Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa phát biểu tại phiên thảo luận Tổ

Một nội dung khác của dự án là việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Tổng diện tích rừng chiếm dụng của Dự án bao gồm, rừng phòng hộ khoảng 110 ha và rừng sản xuất khoảng 1.436 ha. Căn cứ quy định của Luật Lâm nghiệp thẩm quyền quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng rừng thuộc Quốc hội. Do Dự án đang ở giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi nên chưa thể xác định chính xác các thông số để hoàn thiện hồ sơ theo quy định để bảo đảm tiến độ Dự án, Chính phủ kiến nghị Quốc hội ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng của Dự án trong bước báo cáo nghiên cứu khả thi. Tại phiên thảo luận tổ các đại biểu cơ bản nhất trí với kiến nghị này và cho rằng việc phân cấp này vẫn bảo đảm kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đổi, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái rừng và tránh phát sinh thêm chi phí đầu tư Dự án.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thi Xuân – Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa và Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quàng Văn Hương – Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La đề nghị quan tâm đến sơ bộ phương án giải phóng mặt bằng, tái định cư; quan tâm đến năng lực của chính quyền địa phương trong thực hiện giải phóng mặt bằng tránh chậm trễ ảnh hưởng tới tiến độ hoàn thành đối với Dự án; cũng như có chính sách hợp lý và đền bù thỏa đáng đối với những hộ dân có đất ở, đất sản xuất bị chia cắt trong quá trình giải phóng mặt bằng hạn chế ảnh hưởng đến đời sống của người dân hay có sự chênh lệch quá lớn giữa các địa phương cùng thực hiện Dự án.

Về Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ nhằm kịp thời thể chế hóa các Nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ. Các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận về từng chính sách, nhất là các chính sách lần đầu tiên được áp dụng thí điểm nhằm góp phần khơi dậy tiềm năng, tạo động lực để xây dựng và phát triển Cần Thơ thành Thành phố trung tâm vùng, sinh thái, văn minh, hiện đại, là đô thị hạt nhân vùng đồng bằng Sông Cửu Long.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc hội và An ninh Vũ Xuân Hùng – Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa nhất trí với các cơ chế, chính sách đặc thù đối với Tp.Cần Thơ, về cơ bản nội dung các chính sách đề xuất áp dụng cho Cần Thơ tương đồng với các chính sách đã được Quốc hội thông qua, áp dụng cho một số tỉnh, thành phố khác. Bên cạnh đó, Cần Thơ có chính sách riêng về thành lập Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ và và chính sách khuyến khích xã hội hóa nguồn lực trong thực hiện các dự án nạo vét luồng hàng hải. Đại biểu đề nghị cần làm rõ phạm vi của Trung tâm này.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng - Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng điều hành phiên thảo luận Tổ

Liên quan đến vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng cho rằng cần sớm ban hành quy định làm rõ địa vị pháp lý của Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn để tạo thuận lợi cho việc thành lập, tránh trường hợp chậm thành lập ảnh hưởng đến hiệu quả chính sách. Do đó, đề nghị Chính phủ bổ sung dự thảo Quyết định thành lập Trung tâm này để có thêm cơ sở cho Quốc hội xem xét, quyết định./.

Vũ Hà - Minh Thành