Đồng chí Đào Hồng Lan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh điều hành thảo luận tổ.
Theo Tờ trình của Chính phủ về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, hành lang vận tải trên trục Bắc - Nam có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước. Trên hành lang vận tải này, tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông theo quy hoạch dài 2.063 km, đã đưa vào khai thác 478 km, đang đầu tư 829 km, còn lại 756 km chưa đầu tư.
Về tiến độ và thời gian thực hiện, sẽ giải phóng mặt bằng, tái định cư năm 2022 - 2023; khởi công năm 2023, áp dụng các công nghệ mới, giải pháp kỹ thuật tiên tiến nhằm đáp ứng yêu cầu cơ bản hoàn thành năm 2025. Phạm vi, hình thức đầu tư: Giai đoạn 2021 - 2025 đầu tư khoảng 729 km, chia thành 12 Dự án thành phần vận hành độc lập, triển khai theo hình thức đầu tư công. Quy mô đầu tư: phân kỳ xây dựng với quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17m. Sơ bộ nhu cầu sử dụng đất của Dự án khoảng 5.481 ha, thực hiện giải phóng mặt bằng một lần theo quy hoạch được phê duyệt. Sơ bộ tổng mức đầu tư của Dự án khoảng 146.990 tỉ đồng.
Thảo luận tại Tổ, các đại biểu của Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh thống nhất cao về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 để phát huy vai trò là trục huyết mạch kết nối phát triển kết cấu hạ tầng giữa các vùng, tạo động lực, sức lan tỏa phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia. Tuy nhiên, các ĐBQH cũng góp nhiều ý kiến để chủ trương đầu tư Dự án đạt hiệu quả, tiến độ. Cụ thể, cần cân đối ngân sách, tính toán kỹ nguồn lực và khả năng huy động vốn thực hiện; dự báo những khó khăn, vướng mắc có thể gặp phải trong quá trình triển khai thực hiện, nhất là huy động vốn, giải phóng mặt bằng…
ĐBQH Nguyễn Như So phát biểu thảo lutổ.
Dự thảo Nghị quyết một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ quy định: Thành phố Cần Thơ được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ vay về cho thành phố vay lại với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 60% số thu ngân sách thành phố được hưởng theo phân cấp. Tổng mức vay và bội chi ngân sách thành phố hằng năm do Quốc hội quyết định theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước. Hằng năm, ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách thành phố không quá 70% số tăng thu ngân sách Trung ương từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách thành phố so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao nhưng không vượt quá tổng số tăng thu ngân sách Trung ương trên địa bàn so với thực hiện thu năm trước và ngân sách Trung ương không hụt thu. Việc xác định số bổ sung có mục tiêu trên cơ sở tổng các khoản thu, không tính riêng từng khoản thu. Ngân sách thành phố được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu do việc điều chỉnh chính sách phí, lệ phí để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội và các nhiệm vụ chi khác thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách thành phố.
Các ý kiến thảo luận tại Tổ của Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh cơ bản nhất trí với việc Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tạo cơ chế thu hút đầu tư, nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng thành phố Cần Thơ thành trung tâm phát triển của vùng Đồng bằng sông Cửu Long; góp ý một số nội dung để triển khai thực hiện Nghị quyết đạt hiệu quả cao ngay sau khi được ban hành./.