Phát biểu tại hội nghị, đại biểu Nguyễn Danh Tú – Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang ghi nhận dưới sự chỉ đạo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sự quan tâm của Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội phụ trách, cơ quan chủ trì thẩm tra đã chủ động, tích cực phối hợp với cơ quan soạn thảo, các cơ quan, tổ chức hữu quan tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).
Đại biểu Nguyễn Danh Tú – Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang
Cơ bản nhất trí với nhiều nội dung trong dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Danh Tú cũng kiến nghị một số nội dung cụ thể nhằm tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật.
Một là, về nguyên tắc áp dụng luật Điều 3 của dự thảo luật. Theo báo cáo một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lí dự thảo Luật, khoản 3 Điều 3 dự thảo luật được chỉnh lý như sau: Trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật Kinh doanh bảo hiểm và luật khác đã được ban hành trước ngày Luật Kinh doanh bảo hiểm có hiệu lực thi hành về hợp đồng bảo hiểm, trường hợp đồng bảo hiểm hàng hải thì thực hiện theo quy định của luật này. Đại biểu Nguyễn Danh Tú đề nghị xem xét, cân nhắc kỹ quy định này.
Đại biểu nêu rõ, theo khoản 3 Điều 3 dự thảo Luật, trong trường hợp có sự khác nhau giữa Luật Kinh doanh bảo hiểm và luật khác được ban hành trước về hợp đồng bảo hiểm, v.v. thì áp dụng Luật Kinh doanh bảo hiểm chỉ loại trừ đối với hợp đồng bảo hiểm hàng hải. Tuy nhiên, bên cạnh lĩnh vực hàng hải thì Luật Hàng không dân dụng hiện hành cũng có các quy định đặc thù liên quan đến mạo hiểm trong lĩnh vực hàng không dân dụng như: Điều 163 về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người vận chuyển. Điều 166 về mức giới hạn, trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người vận chuyển. Điều 176 về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người khai thác tàu bay. Điều 183 về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người khai thác tàu bay. Điều183 về các trường hợp người bảo hiểm, người bảo đảm được miễn, giảm trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Đại biểu đề nghị tiếp tục rà soát ngoài trường hợp loại trừ đối với hợp đồng bảo hiểm hàng hải thì còn có các hợp đồng bảo hiểm trong các lĩnh vực đặc thù nào cần ưu tiên áp dụng pháp luật của lĩnh vực đó.
Ngoài ra, khoản 3 Điều 3 dự thảo Luật chỉ quy định nguyên tắc áp dụng pháp luật trong trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật Kinh doanh bảo hiểm và luật khác được ban hành trước về hợp đồng bảo hiểm, trừ hợp đồng bảo hiểm hàng hải, thành lập, tổ chức hoạt động, hoạt động nghiệp vụ, khả năng thanh toán và biện pháp can thiệp đối với doanh nghiệp bảo hiểm, v.v.. Đại biểu cho rằng, nếu quy định như vậy sẽ đặt ra vấn đề, ngoài những nội dung này, nếu có sự khác nhau giữa Luật Kinh doanh bảo hiểm và các luật khác được ban hành trước thì sẽ áp dụng văn bản luật nào?
Mặt khác, khoản 3 Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã quy định "trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau". Như vậy, việc quy định trong dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm về việc áp dụng luật này trong trường hợp có quy định khác nhau giữa luật này và các luật khác được ban hành trước là không cần thiết, vì Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã có quy định.
Hai là, về giao kết hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, hợp đồng bảo hiểm sức khỏe cho trường hợp chết quy định tại Điều 39 dự thảo Luật. Điểm a khoản 2 Điều 39 dự thảo Luật quy định "không được giao kết hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, hợp đồng bảo hiểm sức khỏe cho trường hợp chết của người dưới 15 tuổi, trừ trường hợp được người đại diện theo pháp luật của họ đồng ý bằng văn bản".
So với điểm a khoản 2 Điều 38 Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành, dự thảo Luật đã điều chỉnh người dưới 18 tuổi thành người dưới 15 tuổi, điểm e khoản 1 Điều 25 dự thảo Luật cũng quy định hợp đồng bảo hiểm vô hiệu trong trường hợp bên mua bảo hiểm là người dưới 15 tuổi. Đề nghị cân nhắc kỹ việc điều chỉnh quy định người dưới 18 tuổi thành người dưới 15 tuổi, đại biểu Nguyễn Danh Tú lý giải, quy định như trên dẫn đến người từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi, bao gồm cả người từ đủ 15 tuổi đến dưới 16 tuổi là trẻ em có thể đồng ý bằng văn bản về việc giao kết hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, hợp đồng bảo hiểm sức khỏe cho trường hợp chết của họ có thể thực hiện ký hợp đồng bảo hiểm mà không cần sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật của họ.
Theo đại biểu, người dưới 18 tuổi là người chưa có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, chưa trưởng thành đầy đủ về mặt nhận thức, trong khi đó, lĩnh vực bảo hiểm, hợp đồng bảo hiểm có nhiều nội dung chuyên sâu, đòi hỏi phải am hiểu, nắm vững về quyền, nghĩa vụ khi tham gia bảo hiểm để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Vì vậy, quy định người từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi có thể tự mình thực hiện các nội dung liên quan đến bảo hiểm nêu trên mà không cần sự đồng ý của người đại diện pháp luật cần được xem xét, cân nhắc kỹ.
Bên cạnh đó, khoản 4 Điều 21 Bộ luật Dân sự quy định" người từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi tự mình xác lập thực hiện giao dịch dân sự, nhưng loại trừ một số giao dịch dân sự, trong đó có giao dịch dân sự theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý". Đây là những giao dịch dân sự quan trọng mà người từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi không thể tự mình quyết định, phải có người đại diện theo pháp luật đồng ý để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dưới 18 tuổi. Điểm a khoản 2 Điều 38 Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành đã quy định "không được giao kết hợp đồng bảo hiểm con người cho trường hợp chết của người dưới 18 tuổi, trừ trường hợp cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó đồng ý bằng văn bản" là cơ bản phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự. Do đó, đại biểu đề nghị xem xét, cân nhắc kỹ việc điều chỉnh quy định người dưới 18 tuổi thành người dưới 15 tuổi trong các nội dung nêu trên tại dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).