Phát biểu tại hội trường, đại biểu Tạ Thị Yên – Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên cho biết, dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm là luật mang tính chất chuyên môn sâu, phức tạp và khó. Qua các lần triển khai gửi xin ý kiến, dự án luật đã tiếp thu nhiều ý kiến của cơ quan thẩm tra và ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội. Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3 tới, đại biểu đề nghị các cơ quan lưu ý một số vấn đề.
Đại biểu Tạ Thị Yên – Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên
Một là, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về kinh doanh bảo hiểm. Đại biểu cho rằng nên bổ sung quy định về nhiệm vụ xây dựng ngân hàng dữ liệu chung thống nhất trên toàn quốc để làm cơ sở cho việc tính phí, nhằm đảm bảo sự công bằng, thống nhất với các công ty bảo hiểm, tích hợp với cơ sở dữ liệu cá nhân kết nối với Căn cước công dân trong xu thế số hóa để hỗ trợ cho các doanh nghiệp bảo hiểm nhanh chóng tiếp cận và phê duyệt yêu cầu bảo hiểm thông qua hệ thống xếp hạng tín nhiệm bảo hiểm cho từng cá nhân, tương tự như đối với các tổ chức tín dụng khi duyệt cho vay cá nhân. Theo đại biểu, đây cũng là một hình thức để cải cách đơn giản hóa thủ tục hành chính đối với người dân.
Đồng thời, tăng cường giám sát hậu kiểm và thanh tra thị trường nhằm đảm bảo quyền lợi cho bên mua bảo hiểm và cần có cơ chế và quy định rõ ràng về kiểm soát chất lượng tư vấn của các đại lý thông qua việc cấp và phát hành chứng chỉ hành nghề. Đại biểu đề nghị bổ sung trong luật nội dung quy định những hình thức xử phạt mang tính răn đe với các hành vi biểu hiện vi phạm đạo đức nghề nghiệp, lừa đảo nhằm ngăn chặn ảnh hưởng đến niềm tin của xã hội vào ngành bảo hiểm. Đồng thời thường xuyên tuyên truyền và giáo dục nghĩa vụ và quyền lợi của cam kết bảo hiểm nhằm nâng cao nhận thức của người dân. Cần có tổng đài hỏi đáp hotline để người dân hỏi thông tin và đối chứng.
Hai là về hợp đồng bảo hiểm. Đại biểu Tạ Thị Yên nêu rõ, hiện nay hợp đồng bảo hiểm do bên mua bảo hiểm soạn sẵn với nhiều thuật ngữ và điều khoản có lợi cho bên bán bảo hiểm. Cho nên, cần có quy định rõ về quyền lợi và trách nhiệm mang tính nguyên tắc tối thiểu của doanh nghiệp bảo hiểm với bên mua bảo hiểm, với từng loại hình bảo hiểm. Đại biểu đề nghị cần nghiên cứu để luật hoặc các văn bản hướng dẫn dưới luật cần quy định những hợp đồng mẫu với những điều khoản mang tính tham khảo cho các doanh nghiệp bảo hiểm, đồng thời công khai với dân chúng để mọi người hiểu rõ trước khi mua bảo hiểm.
Đối với bảo hiểm nhân thọ cũng cần quy định yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm phải ghi rõ phí bảo hiểm hàng năm và khoản tiết kiệm hàng năm để khách hàng không bị nhầm lẫn giữa giá trị tích lũy và khoản phí mất đi hàng năm. Đại biểu cho biết, hiện tại việc này phụ thuộc vào tư vấn trực tiếp nên xảy ra nhiều tranh cãi giữa bên mua và bên bán bảo hiểm về việc không làm rõ thông tin này. Thông thường để sản phẩm trở nên hấp dẫn, đại lý bảo hiểm thường giải thích cho bên mua bảo hiểm giá trị tích lũy ở mức cao nhất có thể trong bảng minh họa mà không nói đến giá trị đảm bảo là mức bên mua bảo hiểm chắc chắn nhận được thực tế sẽ thấp hơn.
Ngoài ra, những rủi ro trong các sản phẩm bảo hiểm kết hợp đầu tư cũng ít khi được đại lý nhắc đến khi tư vấn. Kết quả là bên mua bảo hiểm phải chịu tổn thất đầu tư vì không được tư vấn rõ ràng ngay từ đầu. Vì vậy, ngoài những thông tin cần thiết trong hợp đồng bảo hiểm, cần bổ sung những khuyến cáo để bên mua bảo hiểm ý thức về rủi ro của sản phẩm bên cạnh những quyền lợi.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung thảo luận
Ba là về bảo hiểm tại tổ chức tín dụng. Nêu rõ tình trạng khoản vay bán kèm bảo hiểm nhân thọ khá phổ biến tại các tổ chức tín dụng, dẫn đến sự bức xúc của người dân. Thực tế, người vay dùng chính khoản vay để mua bảo hiểm và gần như rất ít khách hàng tái tục bảo hiểm vào năm thứ hai. Điều này cũng tăng gánh nặng tài chính lên người đi vay, người mua bảo hiểm và do vậy rất ít người vay tái tục đóng phí bảo hiểm vào năm thứ hai. Đồng thời, doanh nghiệp bảo hiểm cũng không có lợi, gây lãng phí nguồn lực xã hội. Do đó, đại biểu đề nghị luật cần quy định hành vi này không được phép và có chế tài xử phạt hành chính với các tổ chức tín dụng. Tương tự các tổ chức tín dụng cũng kết hợp bán tiết kiệm và bảo hiểm với thông tin không rõ ràng, làm người gửi tiết kiệm hiểu lầm gói tiết kiệm lãi suất cao mà không hiểu rằng phải đóng phí bảo hiểm hàng năm mới có thể hưởng lãi suất của gói sản phẩm. Đại biểu cũng lưu ý Chính phủ cần tăng cường truyền thông để người dân hiểu rõ bảo hiểm trong các trường hợp này không phải là bắt buộc.
Bên cạnh đó, đại biểu Tạ Thị Yên cũng đề nghị số hóa tất cả các bước từ khâu tư vấn đến khâu giải quyết, bồi thường quyền lợi. Ưu tiên công tác giải quyết bồi thường nhanh chóng tiến tới tại chỗ cho những trường hợp đơn giản, rõ ràng. Số hóa cho khâu thanh toán mọi nơi mọi lúc, nhất là các loại hình bảo hiểm xã hội, vùng sâu, vùng xa trên nền tảng điện thoại di động, thuận lợi để người nghèo có thể tham gia, bao gồm bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tai nạn. Hợp thức hóa các khâu xác định danh tính khách hàng trên nền tảng số, phát hành hợp đồng số, chữ ký số của hai bên mua và bán bảo hiểm, kết nối giữa bên mua và bên bán ở nhiều nền tảng đa kênh và thời gian thực hiện./.