ĐBQH PHAN XUÂN DŨNG: BẢO ĐẢM TÍNH LIÊN TỤC VÀ TÍNH KẾ THỪA TRONG TỪNG GIAI ĐOẠN CỦA DỰ ÁN ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH

31/03/2022

Cho ý kiến về việc thực hiện Dự án đường Hồ Chí Minh, đại biểu Phan Xuân Dũng- Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận, Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, chỉ ra rằng cần thống nhất việc phân các giai đoạn, bảo đảm tính liên tục và tính kế thừa trong Dự án đường Hồ Chí Minh

Đại biểu Phan Xuân Dũng- Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận, Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam

Cho ý kiến về việc thực hiện Dự án đường Hồ Chí Minh, đại biểu Phan Xuân Dũng- Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận, Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, chỉ ra rằng, cần thống nhất việc phân các giai đoạn để đánh giá Dự án đường Hồ Chí Minh.

Đại biểu cho biết, Dự án đường Hồ Chí Minh được khởi công xây dựng giai đoạn 1 vào ngày 5/4/2000. Ngày 03/02/ 2004, tại Kỳ họp thứ 6, khóa XI, Quốc hội Việt Nam đã có Nghị quyết số 38/2004/QH11 về chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh, và xác định đây là công trình quan trọng quốc gia. Theo Nghị quyết số 38/2004/QH11, đường Hồ Chí Minh sẽ đi qua 30 tỉnh, thành phố trong cả nước Việt Nam, với tổng chiều dài toàn tuyến 3.167 km (trong đó tuyến chính dài 2.667 km, tuyến nhánh phía Tây dài 500 km). Đường sẽ có quy mô từ 2 đến 8 làn xe tùy thuộc địa hình.

Đường Hồ Chí Minh được thiết kế theo tiêu chuẩn đường ô tô cao tốc và tiêu chuẩn đường ô tô thông thường. Riêng các đoạn qua thị trấn, thị tứ, thị xã và thành phố thiết kế phù hợp với quy hoạch địa phương được duyệt. Chi tiết cụ thể quy mô mặt cắt ngang quy hoạch được thể hiện trong các phụ lục theo Nghị quyết số 38/2004/QH11. Đường Hồ Chí Minh đi từ Bắc đến Nam với tổng chiều dài hơn 3.167 km và được hình thành rất lâu, chính vì vậy việc đầu tư xây dựng đường được chia làm 3 giai đoạn, thời gian như sau:

Giai đoạn 1: đường Hồ Chí Minh Bắc- Nam: Giai đoạn này từ năm 2000 - 2007, dự kiến thi công hơn 2.000 km từ Hòa Lạc (Hà Nội) tới Bình Phước. Ngày 05/04/2000, đường Hồ Chí Minh khởi công xây dựng giai đoạn 1 và đến năm 2006 đã tiến hành nghiệm thu cơ sở được 1.234,5 km đường. Vào những tháng đầu năm 2007, các đơn vị thi công các đoạn Hòa Lạc – Xuân Mai thuộc Hà Nội (dài 13 km), Hà Nội - Hòa Bình và đoạn qua Vườn Quốc gia Cúc Phương phần thuộc địa phận tỉnh Thanh Hóa (dài 93 km đường, 2 cầu lớn, 22 cầu trung và 6 cầu cạn), đoạn Ngọc Hồi - Tân Cảnh thuộc tỉnh Kon Tum (dài 22 km) và đường ngang nối cảng Nghi Sơn với đường Hồ Chí Minh (dài 54 km). Đến 30/ 4/ 2008, Đường Hồ Chí Minh giai đoạn 1 đã thông tuyến.

Giai đoạn 2: đường mòn Hồ Chí Minh: Giai đoạn này từ năm 2007 - 2020. Trong giai đoạn này, thời gian từ năm 2007 – 2020 thi công toàn tuyến từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau) được đầu tư để nối thông. Một vài tuyến cầu lớn và cao tốc cũng được xây dựng. Dự kiến trong năm 2020 sẽ hoàn thành.

Giai đoạn 3: đường cao tốc Hồ Chí Minh: Được xác định từ sau năm 2020, hoàn chỉnh toàn tuyến và từng bước xây dựng các đoạn tuyến theo tiêu chuẩn đường cao tốc, chính vì vậy một số thông tin còn gọi đường Hồ Chí Minh Bắc- Nam là đường cao tốc Hồ Chí Minh Bắc -Nam.

Đại biểu cũng chỉ rõ, về tiến độ hiện nay của đường Hồ Chí Minh, Dự án đường Hồ Chí Minh được khởi công xây dựng năm 2000, dự kiến năm 2020 nối thông toàn tuyến từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau) quy mô tối thiểu 02 làn xe với chiều dài khoảng 2.744 km. Theo báo cáo số 529/BC-CP của Chính phủ ngày 23/11/2021, đã triển khai thi công hoàn thành 2 362/2.744 km, đạt 86,1% và khoảng 258 km tuyến nhánh, đang thực hiện 211 km, chưa triển khai thực hiện 171/2.744 km.

Đề cương báo cáo thẩm tra báo cáo của Chính phủ có yêu cầu đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ trong Nghị quyết số 38/2004/QH11 và Nghị quyết số 66/2013/QH13. Trên tinh thần Nghị quyết số 38/2004/QH11 thì dự án đường Hồ Chí Minh chia thành 3 giai đoạn như đã đề cập, nhưng Báo cáo của Chính phủ thực hiện lại phân các giai đoạn theo thời gian khác nhau: giai đoạn đến năm 2015; giai đoạn từ 2016 đến 2020; giai đoạn sau 2020.

Đại biểu đề nghị xem xét thống nhất lại các giai đoạn thực hiện Dự án để trên cơ sở đó đánh giá cho từng giai đoạn, bảo đảm tính liên tục và tính kế thừa. Việc thay đổi các giai đoạn đầu tư theo Nghị quyết số 38/2004/QH11 và Nghị quyết số 66/2013/QH13 cần được cân nhắc thận trọng và phải được thuyết minh, giải trình thỏa đáng.

Về các số liệu của Dự án, đại biểu Phan Xuân Dũng nêu rõ, đây là Dự án lớn, đầu tư với thời gian dài từ năm 2000 đến nay. Vì vậy, cần xem xét các số liệu trong báo cáo để bảo đảm tính thống nhất. Nên có phần báo cáo về sự thay đổi, điều chỉnh những hạng mục từ Nghị quyết số 38/2004/QH11 so với các nội dung theo Nghị quyết số 66/2013/QH13 để có một cái nhìn toàn cảnh về dự án; cần có các phụ lục cung cấp thông tin về các loại cấp đường, mức đầu tư, đã đầu tư, chưa đầu tư, nguồn vốn, thời gian thực hiện, tiến độ thực hiện, thời gian hoàn thành để dễ nắm bắt được vấn đề.

Đồng thời, cần điều chỉnh các số liệu trong Báo cáo của Chính phủ và Đề cương Báo cáo thẩm tra cho thống nhất, tránh sự chênh lệch; số liệu về diễn biến lưu lượng xe trên tuyến từ năm 2012 đến nay cũng cần được đánh giá kỹ lưỡng, làm cơ sở dự báo lưu lượng xe trong những năm tới để quyết định thời điểm đầu tư các đoạn đường cao tốc phía Tây có hướng tuyến trùng với đường Hồ Chí Minh./.

Hồ Hương