Thảo luận tại Tổ 19 gồm Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Thái Bình, Lạng Sơn, Bình Dương
Thảo luận tại Tổ, Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Sỹ Thanh – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn bày tỏ thống nhất về đánh giá kết quả cũng như những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, song Tổng Kiểm toán nhà nước băn khoăn khi báo cáo của Chính phủ còn thiếu phần dự báo. Theo Tổng Kiểm toán nhà nước, trong làm chính sách, công tác dự báo rất quan trọng, nếu không dự báo tình hình sẽ rất bị động. Hiện nay tình hình thế giới phức tạp, chiến tranh Nga – Ukraine kéo theo hàng loạt vấn đề về giá cả, giá khí đốt, dầu mỏ, giá phân bón, lương thực. Vì vậy, đề nghị Chính phủ quan tâm và Quốc hội có ý kiến để bổ sung dự báo trong những tháng còn lại của năm 2022 và trong báo cáo tại Kỳ họp tháng 10 cần làm tốt công tác dự báo năm 2023; cần có những dự báo mang tính nguyên tắc trong bối cảnh tình hình thế giới biến đổi nhanh.
Liên quan đến công tác điều hành, Tổng Kiểm toán nhà nước cho biết, qua quá trình kiểm toán việc quản lý, sử dụng các nguồn lực phòng, chống dịch COVID-19, điều mà Kiểm toán nhà nước trăn trở là chúng ta chưa có luật vận hành nền hành chính trong trường hợp không phải là trường hợp quốc phòng khẩn cấp. Mặc dù Quốc hội đã có Nghị quyết cho phép Chính phủ thực hiện một số việc nhưng trong vận hành nền hành chính hàng ngày như mua sắm, thực hiện quy trình, tiếp nhận… không có một quy trình nào cho trường hợp khẩn cấp. “Tài sản nhận về không xác nhận được quyền sở hữu tài sản nhà nước, thậm chí không kịp dùng cho chống dịch và sau chống dịch thì không dùng được vào việc khác”- Tổng Kiểm toán nhà nước dẫn ví dụ.
Theo Tổng Kiểm toán nhà nước, khi các Bộ, ngành xây dựng văn bản, cơ chế chính sách, nếu theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì phải theo một trình tự rất nhiều khâu và có trường hợp cho phép rút gọn. Nhưng thực tế trong bối cảnh chống dịch thì có khi chưa kịp cho phép rút gọn đã phải ký rồi nhưng soi lại thì lại sai về quy trình, vậy có được thừa nhận hay không.
Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Sỹ Thanh – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn
Trong chống dịch, nhiều trường hợp là làm việc theo lệnh, ngay cả xây dựng một bệnh viện cũng làm theo lệnh. Qua kết quả kiểm toán, Kiểm toán nhà nước kiến nghị Chính phủ xây dựng một luật, một quy trình mang tính nguyên tắc để vận hành nền hành chính theo từng cấp độ, mô hình trong đó quy định cụ thể cấp độ nào thì ban hành quy trình nào và ai là người ban hành lệnh đó… để tránh tình trạng anh em không đủ tự tin để làm hoặc là làm xong rồi soi lại thì cũng không thực tế trong bối cảnh “nước sôi, lửa bỏng” như vậy, để nền hành chính vận hành trơn tru và minh bạch, Tổng Kiểm toán nhà nước nhấn mạnh.
Có cùng vấn đề quan tâm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cho biết dưới tác động của đại dịch, công tác dự báo chưa bao giờ khó khăn như hiện nay. Các tổ chức quốc tế có uy tín cũng phải thường xuyên thay đổi kịch bản dự báo và mức thay đổi là rất lớn, trong đó dự báo các mốc thời gian là rất khó khăn, định lượng. Thực tế này đặt ra vấn đề kịch bản điều hành kinh tế sẽ phải như thế nào để đáp ứng yêu cầu.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình
Về các dự báo của các tổ chức quốc tế, đại biểu Phan Đức Hiếu cho biết, IMF dự báo tăng trưởng giảm ở tất cả các khu vực và quốc gia trong đó có Việt Nam. Đối với Việt Nam, IMF dự báo xung đột giữa Nga – Ukraine làm giảm 0,5 % tăng trưởng và tăng 0.8% lạm phát. Mặt khác, giữa các tổ chức khác nhau thì dự báo khác nhau, như ADB dự báo tăng trưởng của Việt Nam sẽ ở mức 6.5%. Các tổ chức trong nước thận trọng hơn, như nhóm nghiên cứu của BIDV đưa ra 3 kịch bản: kịch bản xấu nhất, kịch bản mức trung bình và kịch bản ở mức cao nhất. Kịch bản mức cao nhất vẫn dự báo theo kế hoạch của ta là từ 6 đến 6,5%. Tuy nhiên, các tổ chức đều khuyến cáo trong bối cảnh hiện cần lưu ý căng thẳng địa chính trị, có thể vượt ra ngoài xung đột của Nga và Ukraine, sẽ dẫn đến nhiều căng thẳng khác, dẫn đến thay đổi về quan hệ thương mại. Hai là, các nước họ đều quan tâm đến Trung Quốc, vì thay đổi của Trung Quốc làm thay đổi trật tự thương mại, dự báo tăng trưởng giảm và chính sách phòng, chống dịch ở Trung Quốc hiện nay sẽ có tác động rất lớn đến hoạt động thương mại quốc tế, đến chuỗi cung ứng trên toàn cầu, trong đó có ảnh hưởng đến ta. Ba là, xu hướng thắt chặt chính sách chính sách tài khóa và tiền tệ ở nhiều nước trên thế giới. Từ đó khuyến nghị đưa ra đối với Việt Nam là phải có sự thích ứng linh hoạt trong điều hành kinh tế và bám sát diễn biến kinh tế thế giới để có những biện pháp phù hợp.
Đại biểu Phan Đức Hiếu cho biết thêm, hiện nay, Chính phủ giao cho các bộ bám sát diễn biến về giá cả, thay đổi về tình hình để có biện pháp phù hợp. Một số quốc gia trước đây có tổ công tác tương tự như tổ phòng, chống dịch của nước ta. Đại biểu đặt vấn đề liệu có cần một tổ phản ứng nhanh, bám sát diễn biến để có thể ứng phó kịp thời, hiệu quả trong bối cảnh khó dự báo hiện này.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị Chính phủ bổ sung, đánh giá làm rõ hơn về tình hình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Báo cáo của Chính phủ mới chỉ đề cập đến , số doanh nghiệp thành lập mới, doanh nghiệp tái gia nhập thị trường, doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Đại biểu cho rằng cần đánh giá toàn diện bên cạnh các khía cạnh tích cực còn số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh cùng với đó doanh nghiệp còn rất khó khăn trong sản xuất, kinh doanh cũng như khó khăn về thể chế.
Nêu rõ, Chính phủ đã có rất nhiều những chương trình về cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ về cơ cấu lại nền kinh tế, trong đó cải cách thể chế là một trọng tâm. Hiện nay, một số chuyên gia cho rằng là do phải chống dịch, phải thực hiện những biện pháp bổ sung như chương trình phục hồi, phát triển kinh tế nên dường như cải cách thể chế có xu hướng chững lại. Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ làm rõ, báo cáo rõ cải cách thể chế, cải cách môi trường kinh doanh.
Cùng quan điểm, đại biểu Triệu Quang Huy – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn lưu ý công tác dự báo cũng cần phải có sự khắc phục những hạn chế để làm sao bám sát thực tiễn hơn. Đại biểu dẫn chứng, trong kết quả thu ngân sách năm 2021 theo báo cáo bổ sung trong quý IV đã vượt khá cao so với dự toán và tăng 16,8%, so với số báo cáo tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV. Dự báo chưa sát với tình hình thực tế sẽ ảnh hưởng đến công tác phân bổ cũng như công tác điều hành ngân sách của năm 2021, đặc biệt là công tác lập dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, đại biểu nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, đại biểu Triệu Quang Huy cũng đề nghị Chính phủ cần phải có giải pháp quyết liệt để khắc phục tồn tại trong phân bổ giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là đẩy nhanh tiến độ triển khai chương trình phục hồi, phát triển kinh tế theo Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội.
Một số hình ảnh tại phiên thảo luận Tổ:
Các đại biểu tại phiên thảo luận Tổ
Đại biểu Nguyễn Quang Huân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương
Đại biểu Lê Văn Khảm - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương
Đại biểu Hoàng Văn Nghiệm - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn
Đại biểu Lưu Bá Mạc - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn
Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình Ngô Đông Hải điều hành phiên thảo luận Tổ
Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn
Đại biểu Chu Thị Hồng Thái - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn