SỬA ĐỔI LUẬT PHÒNG, CHỐNG BẠO LƯC GIA ĐÌNH: CẦN QUY ĐỊNH VỀ TRÁCH NHIỆM BÁO TIN CỦA CÁC THÀNH VIÊN GIA ĐÌNH
Thận trọng trong quy định yêu cầu người bị bạo lực gia đình đến trụ sở công an
Đóng góp ý kiến về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Mạnh Cường – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình đánh giá cao và tán thành với nhiều nội dung của dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) đã được tiếp thu, chỉnh lý. Bên cạnh đó, đại biểu đóng góp một số ý kiến về các biện pháp ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình và bảo vệ người bị bạo lực gia đình như sau:
Thứ nhất, về biện pháp yêu cầu người bị bạo lực gia đình đến trụ sở công an xã, quy định tại Điều 24. Theo dự thảo, khi được phân công giải quyết vụ việc bạo lực gia đình, công an cấp xã có quyền yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở công an xã để làm rõ thông tin, giải quyết hoặc xử lý vụ việc. Nếu người có hành vi bạo lực gia đình không đến thì công an xã có trách nhiệm đưa người được yêu cầu đến trụ sở và thời gian yêu cầu là không quá 6 giờ cho mỗi lần yêu cầu, tức là giữ lại trụ sở trong thời hạn tối đa là 6 giờ cho mỗi lần. So với luật hiện hành, đây là biện pháp mới được bổ sung.
Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình tham gia thảo luận
Đại biểu bày tỏ nhất trí với quan điểm cần nâng cao trách nhiệm của chính quyền, nhất là cơ quan công an trong can thiệp, giải quyết kịp thời các hành vi bạo lực gia đình có thể đe dọa đến tính mạng, sức khỏe người bị bạo lực gia đình. Tuy nhiên, đối với nội dung này, đại biểu bày tỏ băn khoăn, việc cơ quan công an yêu cầu người bị bạo lực gia đình đến trụ sở cơ quan công an trong thời hạn là 6 giờ cho mỗi lần, cũng không giới hạn số lần là biện pháp có tính chất tương tự biện pháp tạm giữ hành chính của Luật Xử lý vi phạm hành chính, thậm chí còn vượt trên cả biện pháp tạm giữ hành chính.
Trong khi đó, đối với biện pháp tạm giữ hành chính thì Luật Xử lý vi phạm hành chính đã có quy định rất chặt chẽ về điều kiện tạm giữ, như: Cần ngăn chặn, đình chỉ hành vi gây rối, gây thương tích; thời hạn tạm giữ quy định là không quá 12 giờ và cần thiết gia hạn cũng không quá 24 giờ; khi tạm giữ phải có thông báo cho gia đình, cơ quan, tổ chức; người bị tạm giữ có các chế độ về ăn, ở, v.v. chỉ có người có thẩm quyền như là trưởng công an cấp xã, chủ tịch Ủy ban nhân dân xã mới được ra quyết định và phải ra quyết định bằng văn bản, người không chấp hành thì bị áp giải.
Tại dự thảo Luật, hiện đang quy định rất đơn giản, giữ lại trụ sở công an không quá 6 giờ mỗi lần và cũng không giới hạn số lần, không có quyết định và cũng không quy định về thẩm quyền, người gây bạo lực không đến thì cơ quan công an có trách nhiệm đưa người đó đến trụ sở, nhưng không quy định rõ cách thức, hình thức giải quyết, chế độ với người bị giữ.
Đại biểu cho rằng những vấn đề nêu trên cần phải quy định rất thận trọng, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang đề cao việc xây dựng Nhà nước pháp quyền, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, tránh việc sơ hở, lạm dụng các quy định của pháp luật. Đại biểu đề nghị không cần thiết phải quy định biện pháp nêu trên, vì pháp luật đã có quy định về biện pháp tạm giữ hành chính và trong dự thảo cũng đã đề cập đến biện pháp này.
Trong trường hợp thấy cần thiết, đại biểu đề nghị quyết định theo hướng cơ quan công an cấp xã có quyền yêu cầu người gây bạo lực gia đình đến trụ sở để làm rõ hành vi bạo lực gia đình. Nếu người gây bạo lực gia đình không đến thì có thể áp dụng biện pháp tạm giữ hành chính khi có những đủ những điều kiện cần thiết và có thể sửa Luật Xử lý phạm hành chính liên quan đến vấn đề này.
Còn bất cập trong quy định về biện pháp cấm tiếp xúc
Đối với biện pháp cấm tiếp xúc theo quy định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, quy định tại Điều 25 và của Tòa án nhân dân quy định tại Điều 26, đại biểu nêu rõ, đây là biện pháp kế thừa luật hiện hành và cũng được rất nhiều nước trên thế giới áp dụng, tuy nhiên nội dung của biện pháp này còn có một số điểm bất cập.
Thứ nhất, điều kiện áp dụng biện pháp này mới chỉ phù hợp trong trường hợp người bị bạo lực gia đình là người lớn, người đã thành niên, chưa phù hợp trong trường hợp là trẻ em bị chính cha mẹ bạo hành. Cụ thể, điều kiện để áp dụng là phải có đề nghị của người bị bạo lực gia đình hoặc đề nghị của đại diện theo pháp luật, đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền và được sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật. Chủ tịch xã chỉ tự mình ra quyết định nếu hành vi bạo lực gia đình đe dọa đến tính mạng của trẻ em.
Như vậy, trường hợp trẻ em là người bị bạo lực gia đình và người gây bạo lực gia đình chính là cha mẹ và đương nhiên họ cũng là người đại diện theo pháp luật, tất cả những quy định nêu trên đều không khả thi. Luật Trẻ em và các nghị định hướng dẫn thi hành đã có quy định về biện pháp cách ly trẻ em khỏi môi trường, đối tượng đe dọa hoặc đang có hành vi bạo lực, bóc lột trẻ em với các quy định rất cụ thể. Vì vậy, đại biểu đề nghị luật này cần có quy định dẫn chiếu sang Luật Trẻ em để bảo đảm tính toàn diện hơn.
Thứ hai, dự thảo Luật đưa ra các điều kiện cấm tiếp xúc theo đề nghị của người bị bạo lực gia đình là hành vi bạo lực gia đình gây tổn hại hoặc đe dọa gây tổn hại đến sức khỏe, còn điều kiện cấm tiếp xúc trong trường hợp Chủ tịch Ủy ban nhân dân tự mình ra quyết định là hành vi bạo lực gia đình đe dọa đến tính mạng.
Đồng thời, dự thảo cũng định nghĩa hành vi bạo lực gia đình là hành vi gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, tình dục, kinh tế. Từ các quy định nêu trên cho thấy có một số điểm chưa thật rõ, có thể gây khó khăn cho việc áp dụng, ví dụ như gây tổn hại về sức khỏe thì khác gì với lại gây tổn hại về thể chất, tinh thần, tình dục. Hay nói cách khác gây tổn hại về tinh thần, tình dục thì có phải là tổn hại về sức khỏe hay không. Nếu là một thì cần phải viết thống nhất để thuận lợi cho việc áp dụng. Cách viết của dự thảo cũng có thể dẫn đến hiểu nhầm là nếu gây tổn hại về sức khỏe thì người bị bạo lực gia đình mới được đề nghị, còn gây tổn hại về tính mạng thì phải do Ủy ban nhân dân xã tự quyết định, đại biểu đề nghị chỉnh lý lại cho rõ ràng hơn.
Thứ ba, Điều 26 quy định về cấm tiếp xúc của tòa án chỉ đề cập đến trường hợp tòa án nhân dân đang thụ lý hoặc giải quyết vụ án dân sự giữa người bị bạo lực gia đình và người có hành vi bạo lực gia đình thì có quyền ra quyết định cấm tiếp xúc. Đại biểu cho rằng quy định còn hẹp, chưa bao quát hết các trường hợp. Ví dụ, vụ án ly hôn giữa 2 vợ chồng nhưng người nhưng trong vụ án ly hôn này thì người bị bạo lực gia đình lại là trẻ em, người thân thích thì tòa án trong trường hợp này không có quyền ra quyết định cấm tiếp xúc. Đại biểu đề nghị cân nhắc và mở rộng hơn phạm vi điều chỉnh của điều luật để có thể bao quát hết cả những trường hợp nêu trên.
Về Điều 22 của dự thảo luật có quy định về biện pháp ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình và bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình. Đại biểu cho rằng các biện pháp ngăn chặn hành chính, các biện pháp ngăn chặn hình sự theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, quy định của pháp luật về tố tụng hình sự đều là các biện pháp ngăn chặn. Vì vậy, khoản 2 Điều 22 phải nằm trong nội dung của khoản 1 Điều 22, khi chúng ta liệt kê các biện pháp ngăn chặn, bảo vệ người bị bạo lực gia đình.
Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị cần phải sắp xếp lại thứ tự các biện pháp được quy định tại khoản 1 Điều 22 cho hợp lý. Hiện nay, trong các biện pháp, ngăn chặn là biện pháp được áp dụng đối với người có hành vi bạo lực gia đình, còn biện pháp hỗ trợ áp dụng đối với người bị bạo lực gia đình.