ĐẢM BẢO CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ PHÙ HỢP VỚI TÌNH HÌNH THỰC TIỄN CỦA DOANH NGHIỆP

30/10/2022

Nội dung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội là vấn đề nóng được nhiều cử tri, các chuyên gia và các đại biểu Quốc hội quan tâm tại Kỳ họp thứ 4. Bàn về vấn đề này, nhiều đại biểu Quốc hội, chuyên gia đề nghị cần rà soát, nghiên cứu kỹ lưỡng và điều chỉnh hợp lý để đảm bảo chính sách hỗ trợ phù hợp với tình hình thực tiễn của doanh nghiệp.

QUỐC HỘI NGHE TỜ TRÌNH, BÁO CÁO THẨM TRA DỰ ÁN LUẬT HỢP TÁC XÃ (SỬA ĐỔI); THẢO LUẬN VỀ DỰ ÁN LUẬT THỰC HIỆN DÂN CHỦ Ở CƠ SỞ

Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên họp

Tại Kỳ họp thứ 4, bàn về nội dung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua, nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá cao việc Chính phủ đã tích cực ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn chi tiết cũng như tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch. Tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng, có nơi, có lúc, chính sách nhà nước trong một số trường hợp đưa ra các tiêu chí phi thực tế, không sát đối với hoạt động doanh nghiệp. Trong một số trường hợp, các văn bản luật khi được ban hành quá mơ hồ, thiếu hướng dẫn cụ thể, hoặc có quá nhiều văn bản hướng dẫn chồng chéo, các văn bản luật chưa được cập nhật thường xuyên theo thực tế phát triển kinh tế, xã hội.

Bàn về vấn đề này, nhiều đại biểu Quốc hội, nhà quản lý, nhà nghiên cứu cho rằng cần lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp về tính khả thi, dễ tiếp cận của chính sách, kể cả khi chính sách đã ban hành vẫn nên tiếp thu và có những sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn; Tăng cường thông tin, truyền thông đưa các giải pháp đến gần hơn các đối tượng cần được hỗ trợ; Cần xác định đúng, chính xác các đối tượng cần hỗ trợ, tìm ra các đối tượng có khả năng dẫn dắt ngành, lĩnh vực để tập trung hỗ trợ.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng, cần rà soát các tiêu chí liên quan tới điều kiện đánh giá các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19, chỉnh sửa các tiêu chí sao cho phù hợp với thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp, tránh tối đa hiện tượng các doanh nghiệp cần vốn, nhà nước có vốn hỗ trợ nhưng lại không thể giải ngân. Đề xuất phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính hỗ trợ doanh nghiệp, bao gồm cả thủ tục tư vấn, thành lập doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa và trong một số lĩnh vực quan trọng như nông nghiệp, nông thôn, dịch vụ vận tải, logistics.

Toàn cảnh Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV

Nhiều ý kiến cho rằng, cần tạm dừng thanh kiểm tra để doanh nghiệp, đặc biệt là thanh kiểm tra thủ tục hành chính, kiểm tra thuế đối với doanh nghiệp đã được lên kế hoạch từ đầu năm (trừ trường hợp có dấu hiệu xâm phạm lợi ích nhà nước và vi phạm hình sự), để doanh nghiệp tập trung nguồn lực vào hồi phục các hoạt động sản xuất kinh doanh. Tăng cường hậu kiểm và giảm tiền kiểm nhằm đảm bảo doanh nghiệp tập trung nguồn lực tối đa để vượt qua giai đoạn then chốt này và phục hồi.

Nhiều đại biểu Quốc hội, chuyên gia cũng cho rằng, cần tăng tốc số hóa, xây dựng hệ thống dữ liệu lớn trong quản lý hành chính, tích hợp các loại giấy tờ lên cùng một hệ thống để giúp các cơ quan hành chính thuận tiện hơn trong việc quản lý doanh nghiệp và công dân, từ đó hỗ trợ được doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh của mình; bổ sung các giải pháp phi tài chính: Cải cách thể chế, đơn giản thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, …

Quan tâm đến vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Trúc Lê, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng cần tiếp tục duy trì các chính sách hỗ trợ nhưng phải đảm bảo có hướng đích và có mục tiêu. Để đảm bảo tính bền vững cho cân bằng tài chính của quốc gia, các chính sách cần được đánh giá và xác định chiến lược dài hạn hơn. Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp gia hạn thuế chứ không miễn giảm thuế nhất là với thuế tín dụng doanh nghiệp. Không lựa chọn giảm thuế theo tiêu chí quy mô doanh thu như năm 2020 và 2021 vì có thể tạo ra bất bình đẳng khi hỗ trợ cho cả những doanh nghiệp đang được hưởng lợi từ dịch bệnh. Giảm thuế, giảm tiền thuê đất sẽ làm tăng gánh nặng ngân sách.

PGS.TS Nguyễn Trúc Lê cũng nhấn mạnh, cần rà soát cụ thể lại các chính sách quan trọng ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động của doanh nghiệp, tháo bỏ các giấy phép con không phù hợp và cập nhật các chính sách cũ, không còn phù hợp với thực tiễn hiện nay; Chi tiết, cụ thể hơn các chính sách bằng các thông tư, hướng dẫn, văn bản cụ thể giúp các đối tượng thực thi được thuận tiện trong quá trình thực hiện.

Thêm vào đó, nhiều chuyên gia kiến nghị các hỗ trợ trực tiếp cần được chuyển dần sang hỗ trợ gián tiếp, hỗ trợ về tài chính chuyển sang hỗ trợ về cơ chế, hỗ trợ dàn trải sang hỗ trợ số ít các đối tượng còn chịu ảnh hưởng lâu dài của đại dịch, thúc đẩy phát biển bền vững. Nêu cao trách nhiệm người đứng đầu các đơn vị nếu việc triển khai các chính sách do yếu tố chủ quan, e ngại trách nhiệm, chậm trễ trong quá trình thực thi chính sách. Các bộ ngành, địa phương nhanh chóng hoàn thành phương án đầu tư, các thủ tục theo quy định của Luật đầu tư công đối danh mục dự án được UBTVQH thông qua để nhanh chóng triển khai cấu phần Cấu phần đầu tư cơ sở hạ tầng…v.v.

Các đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà nghiên cứu nhất trí rằng, các chính sách của Việt Nam trong thời gian tới cần đảm bảo tính hợp lý, cân đối đa chiều giữa kinh tế, xã hội và môi trường, giữa ngắn hạn và dài hạn. Cần có những điều chỉnh cả trong ngắn hạn và dài hạn theo hướng: Các chính sách phải xây dựng trên nguyên tắc can thiệp có mục tiêu; Không thực hiện các chính sách hỗ trợ hay can thiệp đại trà, Các chính sách cần xác định rõ thời kỳ áp dụng để đảm bảo tính linh hoạt (nghĩa là có lộ trình khi nào áp dụng, kết thúc khi nào và kế tiếp chính sách nào), Ưu tiên hỗ trợ các nhóm ngành trong các lĩnh vực tạo bệ đỡ kinh tế, có ảnh hưởng lớn đến các ngành khác (logistic, ngành nguyên liệu…).

Minh Hùng