CẦN CÓ KHUNG PHÁP LÝ CỤ THỂ QUY ĐỊNH VIỆC ĐIỀU TRỊ SUY DINH DƯỠNG CẤP TÍNH NẶNG

30/10/2022

Thảo luận về Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 4, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý quy định việc điều trị suy dinh dưỡng cấp tính nặng.

QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ LUẬT KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH (SỬA ĐỔI)

Quốc hội thảo luận về Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)

Báo cáo giải trình tiếp thu Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 4, Ủy ban Xã hội cho biết, trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Cơ quan chủ trì thẩm tra và Cơ quan chủ trì soạn thảo đã phối hợp chặt chẽ, bám sát các quan điểm xây dựng luật, thể chế hóa kịp thời chủ trương, chính sách của Đảng về khám bệnh, chữa bệnh. Dự thảo Luật sau khi chỉnh lý có 12 Chương và 121 Điều, nhiều hơn 15 điều so với dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3.

Theo đó, Luật này quy định về quyền và nghĩa vụ của người bệnh, người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh; khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền; khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo, không vì mục đích lợi nhuận; áp dụng kỹ thuật, phương pháp mới và thử nghiệm lâm sàng trong khám bệnh, chữa bệnh; sai sót chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh; điều kiện bảo đảm công tác khám bệnh, chữa bệnh và huy động, điều động nguồn lực phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp xảy ra thiên tai, thảm họa, dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A.

Quy định cụ thể việc điều trị suy dinh dưỡng cấp tính nặng đối với trẻ em

Tham gia thảo luận tại Hội trường, đại biểu Nàng Xô Vi – Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum đánh giá, Ban soạn thảo đã tiếp thu rất nghiêm túc và đầy đủ các ý kiến tham gia của đại biểu Quốc hội trong các lần thảo luận trước để xây dựng, hoàn chỉnh dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh trình ra Kỳ họp lần này.

Quan tâm tới vấn đề suy dinh dưỡng cấp tính nặng ở trẻ em, đại biểu nêu rõ, suy dinh dưỡng cấp tính nặng là một bệnh được liệt kê trong danh mục phân loại bệnh tật quốc tế của Tổ chức Y tế thế giới. Trẻ bị suy dinh dưỡng nặng cấp tính có nguy cơ tử vong cao gấp 20 lần so với trẻ bình thường đủ dinh dưỡng. Đây là nguyên nhân tử vong chính ở trẻ em dưới 5 tuổi một cách trực tiếp hoặc gián tiếp ở những trẻ bị mắc các bệnh phổ biến như: Tiêu chảy hoặc viêm phổi. Trẻ bị suy dinh dưỡng cấp tính nặng ngoài nguy cơ tử vong còn bị ảnh hưởng đến phát triển não bộ và khả năng học tập sau này. Suy dinh dưỡng cấp tính nặng chỉ có thể được điều trị hiệu quả bằng cách sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng chuyên biệt được kê theo hướng dẫn của y tế. Suy dinh dưỡng nặng cấp tính có tỷ lệ cao ở các địa bàn miền núi, vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đa số trẻ em bị suy dinh dưỡng cấp tính nặng là con của các hộ gia đình nghèo, cận nghèo, sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, không có khả năng chi trả cho việc điều trị.

Đại biểu Nàng Xô Vi – Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum phát biểu ý kiến

Đại biểu cho biết, theo thông tin từ Bộ Y tế thì mỗi năm có khoảng 23.000 trẻ em Việt Nam bị suy dinh dưỡng cấp tính nặng dưới 6 tuổi, trong đó có khoảng 50.000 ca là người dân tộc thiểu số. Riêng địa bàn tỉnh Kon Tum với khoảng 580.000 người, có khoảng 1.800 trẻ em bị suy dinh dưỡng nặng cấp tính cần được điều trị. Trong giai đoạn 2010-2020 tỉnh Kon Tum được hỗ trợ của tổ chức UNICEF đã triển khai hiệu quả mô hình quản lý và điều trị suy dinh dưỡng cấp tính nặng dựa vào cộng đồng. Tuy nhiên, hiện nay nguồn hỗ trợ từ các dự án này đã kết thúc nên việc điều trị cho trẻ em suy dinh dưỡng ở tỉnh Kon Tum nói riêng và những trẻ em suy dinh dưỡng trong cả nước nói chung còn gặp nhiều khó khăn. Từ thực trạng trên, đại biểu nhận thấy cần có một khung pháp lý cụ thể quy định việc điều trị suy dinh dưỡng cấp tính nặng. Do vậy, đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét có quy định cụ thể trong văn bản luật về việc điều trị suy dinh dưỡng cấp tính nặng đối với trẻ em.

Làm rõ khái niệm sản phẩm dinh dưỡng là thuốc hay thực phẩm chức năng

Cũng quan tâm về vấn đề dinh dưỡng trong điều trị, đại biểu Trần Khánh Thu – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình đề nghị bổ sung thêm điểm b khoản 2 như sau: Khám sàng lọc, đánh giá tình trạng dinh dưỡng, phân loại mức độ suy dinh dưỡng, tư vấn, chỉ định chế độ dinh dưỡng, điều trị phù hợp với bệnh lý, tình trạng dinh dưỡng, tiêu hóa và hấp thu, theo dõi tình trạng dinh dưỡng của người bệnh nội trú trong quá trình điều trị.

Đại biểu Trần Khánh Thu – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình tham gia thảo luận

Theo đại biểu phân tích, một quy trình khám, chữa bệnh lâm sàng đầy đủ là khám, sàng lọc, đánh giá, chẩn đoán, chỉ định điều trị, can thiệp điều trị, theo dõi, tiên lượng. Một người bệnh đến khám, chữa bệnh cần được thực hiện đầy đủ các bước này. Hơn nữa, có những trường hợp người bệnh như những bệnh nhân nằm ở ICU, bệnh nhân đa chấn thương hay trường hợp bệnh nhân COVID-19 nặng trong thời gian vừa qua không thể tự ăn uống được, không thể chỉ định việc thực hiện tư vấn dinh dưỡng, vì bệnh nhân đang hôn mê hay thở máy không thể nghe tư vấn được mà cần phải có chỉ định chế độ dinh dưỡng điều trị, như nuôi dưỡng ống thông hay nuôi dưỡng qua tiêm, truyền tĩnh mạch. Điều này cũng phù hợp với quy định tại Điều 60 của dự thảo Luật là người hành nghề được giao nhiệm vụ khám bệnh, chẩn đoán bệnh, chỉ định phương pháp điều trị.

Tham gia ý kiến về nội dung này, đại biểu Trần Thị Thanh Hương – Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang chỉ rõ, Điều 65 của dự thảo Luật quy định dinh dưỡng tiết chế trong điều trị nguồn dinh dưỡng lâm sàng và việc sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng trong điều trị. Đại biểu cơ bản nhất trí về tầm quan trọng và tính nhân văn của nội dung này trong công tác điều trị bệnh và nâng cao sức khỏe nhân dân. Hiện tại Việt Nam không có sản phẩm dinh dưỡng để điều trị bệnh suy dinh dưỡng, nhưng việc điều trị suy dinh dưỡng vẫn được thực hiện thông qua việc bổ sung các khoáng chất, vi chất, vitamin mà người bệnh bị thiếu hụt và được Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán theo quy định.

Đại biểu Trần Thị Thanh Hương – Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang 

Tuy nhiên, về nội dung này trong dự thảo Luật hiện vẫn chưa được thể hiện rõ ràng, đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ khái niệm sản phẩm dinh dưỡng là thuốc hay thực phẩm chức năng để có cơ chế quản lý nhà nước và quy định chuyên môn trong sử dụng đối với loại sản phẩm này cho phù hợp. Đề nghị bổ sung khái niệm "sản phẩm dinh dưỡng" trong giải thích từ ngữ, đồng thời bổ sung quy định về danh mục, cơ chế cung cấp, quản lý và sử dụng sản phẩm dinh dưỡng trong điều trị.

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị cần giao cho Chính phủ quy định chi tiết, giải thích cụ thể một số nội dung hoạt động dinh dưỡng lâm sàng chỉ áp dụng đối với mô hình tổ chức bệnh viện, bệnh xá mà không áp dụng đối với các mô hình khác. Cần đánh giá tác động một cách kỹ lưỡng, lấy ý kiến các bên có liên quan để tạo sự thống nhất cao về tính phù hợp của việc quy định sản phẩm này trong dự thảo Luật và đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống các quy định pháp luật về y tế. Có thể nói, việc sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng trong điều trị là vấn đề mới, đề nghị được quy định rõ ràng và nếu chưa có căn cứ vững chắc thì không quy định tại dự thảo Luật.

Hồ Hương