LỰA CHỌN NHÀ ĐẦU TƯ THAM GIA VÀO XỬ LÝ CHẤT THẢI RẮN SINH HOẠT TRÊN NĂNG LỰC QUẢN TRỊ, CÔNG NGHỆ VÀ GIÁ XỬ LÝ RÁC

23/12/2022

Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, việc lựa chọn nhà đầu tư tham gia vào xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên khía cạnh lựa chọn năng lực quản trị, công nghệ, giá xử lý rác. Các nhà đầu tư khi vào thực hiện không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, bảo đảm môi trường an toàn thì nhà đầu tư mới sẽ vào…

PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN ĐỨC HẢI: CẦN CÓ THÊM BÁO CÁO VỀ Ý KIẾN CỦA CỬ TRI, DƯ LUẬN XÃ HỘI TRONG VIỆC XỬ LÝ CHẤT THẢI RẮN SINH HOẠT

LÀM RÕ TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN TRONG THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ QUẢN LÝ CHẤT THẢI RẮN SINH HOẠT

BỘ TRƯỞNG BỘ TN&MT TRẦN HỒNG HÀ: ĐƯA RA SỚM CHÍNH SÁCH ĐỂ KHUYẾN KHÍCH DOANH NGHIỆP ĐẦU TƯ XỬ LÝ CHẤT THẢI RẮN SINH HOẠT

Trong thời gian qua, công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt mặc dù đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và từng bước đã có sự chuyển biến, đạt được những kết quả nhất định.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy tại Phiên giải trình việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt diễn ra mới đây, thực tế công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt còn tồn tại nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc, bất cập cần được tập trung xem xét, giải quyết. Hiện nay, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh ngày càng lớn; tỷ lệ rác thải được chôn lấp trực tiếp còn cao; việc đầu tư xây dựng các trạm trung chuyển, khu xử lý rác thải tập trung theo quy hoạch tiến độ triển khai còn chậm hoặc không triển khai được.


Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy phát biểu tại Phiên giải trình.

Đa số các điểm tập kết, trạm trung chuyển và phương tiện vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt tại các địa phương không bảo đảm yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường theo quy định pháp luật. Vấn đề lựa chọn công nghệ xử lý; việc xử lý các bãi rác tạm; khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng quy định pháp luật đặt hàng, đấu thầu cung cấp dịch vụ công trong lĩnh vực vệ sinh môi trường là những nội dung cần được nhìn nhận một cách khách quan, được nhiều đại biểu Quốc hội, chuyên gia chất vấn, đặt câu hỏi tại Phiên giải trình.

Theo đó, các đại biểu cũng chỉ ra nhiều vấn đề khó khăn trong thực hiện quy trình, thủ tục xin cấp phép đầu tư nhà máy xử lý rác thải; chưa áp dụng đồng bộ chính sách thu hút đầu tư, xã hội hóa xử lý rác thải ở các địa phương; tỷ lệ rác thải được xử lý bằng chôn lấp trực tiếp còn cao (70%), tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến chất lượng sinh hoạt người dân…

Một số đại biểu lưu ý, chính sách về giá đối với thu gom chất thải rắn sinh hoạt trên thực tế còn bất cập, mức thu hiện nay chưa đáp ứng được chi phí cho thu gom, vận chuyển, ngân sách nhà nước phải bù đắp chi phí thu gom, vận chuyển. Việc đầu tư các cơ sở xử lý rác thải phân tán, quy mô nhỏ tại một số địa phương, khu vực nông thôn hiệu quả thấp, khó kiểm soát việc bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về môi trường. Việc rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách hỗ trợ và khuyến khích các nhà đầu tư thực hiện dự án xử lý rác thải chưa kịp thời.


Ủy viên Thường trực Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội đề cập về việc xử lý rác thải trên sông Tô Lịch, ùn ứ rác thải tại Tp.Hà Nội.

Một số ý kiến lưu ý, trong bối cảnh kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh ngày càng lớn, công tác quản lý về chất thải rắn sinh hoạt còn không ít khó khăn, thách thức, nguy cơ “khủng hoảng rác” vẫn tiềm ẩn ở nhiều địa phương. Nếu không tập trung công tác lãnh đạo, chỉ đạo vấn đề quản lý hiệu quả, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng đời sống sinh hoạt của Nhân dân, thậm chí dẫn đến các nguy cơ về an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Giải trình về các nội dung trên, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, hiện nay, Đề án “Tăng cường năng lực quản lý chất thải rắn sinh hoạt” đã được Bộ chủ quản, các Bộ ngành phối hợp xây dựng, hoàn thành các thủ tục trình Chính phủ, dự kiến trong tháng 12 này sẽ được ban hành để triển khai thực hiện, bảo đảm chuẩn bị về tài chính, năng lực quản trị, mô hình, công nghệ, tổ chức quản lý chất thải rắn sinh hoạt để thực hiện trên cả nước vào năm 2025 như quy định của Luật Bảo vệ môi trường.


 Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định, hoạt động xử lý chất thải rắn sinh hoạt được khuyến khích thực hiện, quy định tại Luật Bảo vệ môi trường hiện hành, thậm chí ấn định từ Luật năm 2005. Hiện nay, việc xử lý rác được cộng đồng doanh nghiệp quan tâm, thực tế cũng cho thấy hoạt động đầu tư này mang lại lợi nhuận cho họ. Do vậy, không có việc buộc doanh nghiệp phải đấu thầu sử dụng đất, đấu giá giá điện, đòi hỏi các địa phương phải quy hoạch, có quỹ đất dành cho xây dựng nhà máy xử lý rác. Việc lựa chọn nhà đầu tư trên khía cạnh lựa chọn năng lực quản trị, công nghệ, giá xử lý rác. Các nhà đầu tư khi vào thực hiện không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, bảo đảm môi trường an toàn thì nhà đầu tư mới sẽ vào.

Đề cập về giá thu dịch vụ xử lý rác, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, hiện giá thu dịch vụ xử lý rác chỉ đáp ứng 1/10 chi phí xử lý, trong khi để đạt các yêu cầu bảo vệ môi trường thì phải đầu tư công nghệ có chi phí lớn, khiến địa phương hiện khá lúng túng. Bộ trưởng Trần Hồng Hà cam kết, năm 2023 sẽ ban hành hướng dẫn cụ thể việc thực hiện Luật Bảo vệ môi trường; tiếp tục ban hành danh mục tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về rác thải, khí thải…; triển khai hướng dẫn mô hình thu gom, phân loại, đưa các loại chất thải rắn đi tái chế… Hiện nay, có chính sách quan trọng là mở rộng trách nhiệm của doanh nghiệp đã được Luật quy định, có nguồn tài chính thu từ doanh nghiệp. Do đó, Bộ đang lựa chọn một số địa phương để hướng dẫn, giám sát kỹ thuật cho địa phương tiến hành quản lý công tác này.


Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc.

Giải trình thêm về vấn đề trên, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc thừa nhận, hiện nay địa phương có nhiều cách hiểu khác nhau, đúng như đại diện doanh nghiệp phản ánh, có nơi yêu cầu đấu giá quyền sử dụng đất, hay như với dự án nhà máy xử lý rác thải phát điện cũng xem xét lựa chọn trên tiêu chuẩn giá điện. Ở đây cần đi đúng bản chất của hoạt động xử lý rác thải thì phải căn cứ vào tiêu chuẩn, quy chuẩn về công nghệ, tài chính, không coi giá điện là tiêu chuẩn cốt lõi, chỉ nên coi là yếu tố gia tăng của dự án.

Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các Bộ ngành liên quan ban hành tiêu chuẩn, định mức. Tại Nghị định 30/CP giao Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện dự án đầu tư theo hình thức hợp tác công tư. Bộ Kế hoạch và Đầu tư trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình sẽ phối hợp tham gia thực hiện các nhiệm vụ được giao./.

Bích Lan - Phạm Thắng