KHAI MẠC HỘI NGHỊ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI CHUYÊN TRÁCH LẦN THỨ 4: RÀ SOÁT KỸ LƯỠNG, KHÔNG BỎ QUA BẤT CỨ VẤN ĐỀ NÀO, KHÔNG ĐỂ CÓ SƠ HỞ CHO THAM NHỮNG TIÊU CỰC TRONG XÂY DỰNG PHÁP LUẬT
Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách lần thứ 4, nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV
Với số lượng 08 dự án luật, đây là hôi nghị có số lượng các dự án luật được cho ý kiến nhiều nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Đồng thời, đây cũng là những dự án luật rất quan trọng, nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận và đại biểu Quốc hội, có nhiều quy định mới, đối tượng chịu ảnh hưởng rộng, một số nội dung còn có ý kiến khác nhau, …
Trong 2,5 ngày làm việc tích cực, khẩn trương, các vị đại biểu Quốc hội đã tập trung góp ý toàn diện về các vấn đề đang được đặt ra như: Các dự án luật đã quán triệt, thể chế hóa đầy đủ và đúng đắn các chủ trương của Đảng?; đã bám sát các nhóm chính sách lớn, các định hướng, nguyên tắc, yêu cầu khi xây dựng các dự án luật này hay chưa?; cho ý kiến đối với những vấn đề lớn và những vấn đề quan trọng đối với từng dự án luật
Ngoài ra, các vị đại biểu Quốc hội còn cho ý kiến về tính hợp hiến và sự thống nhất đồng bộ của hệ thống pháp luật, nhất là các dự án luật có mối quan hệ chặt chẽ với nhau; cho ý kiến đối với các nội dung còn có ý kiến khác nhau của mỗi dự luật;…
Theo dõi diễn biến của Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách, PGS.TS Doãn Hồng Nhung, Giảng viên Cao cấp – Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, đây là điều kiện rất thuận lợi để đại biểu không những được cung cấp nhiều hơn thông tin về quá trình soạn thảo, chỉnh lý... mà còn đóng góp ý kiến, tham gia trực tiếp vào quá trình tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật.
Từ kết quả của hội nghị cho thấy, đây là Hội nghị có tầm quan trọng và là tiền đề góp phần nâng cao chất lượng công tác lập pháp tại Kỳ họp thứ 6 (10/2023) tới đây. Tiếp nối thành công của 3 hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách trước đó của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, tại Hội nghị lần này đã có nhiều ý kiến tâm huyết, trí tuệ của các vị đại biểu Quốc hội đóng góp sâu sắc vào nội dung các dự luật. Đây là một phần cơ sở quan trọng trong quá trình chỉnh lý, hoàn thiện, nâng cao chất lượng các dự án luật; góp phần để Quốc hội xem xét thông qua với tỷ lệ đồng thuận, thống nhất cao.
Cũng theo PGS. TS Doãn Hồng Nhung, mặc dù cho ý kiến với số lượng lớn các dự án luật (08 dự án luật) nhưng các vị đại biểu Quốc hội đã phát huy tinh thần trách nhiệm, nghiên cứu kỹ lưỡng và cho ý kiến tương đối toàn diện các nội dung trọng tâm của mỗi dự luật.
Đặc biệt quan tâm tới việc cho ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), PGS. TS Doãn Hồng Nhung bày tỏ đồng tình cao với ý kiến của đa số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị trong dự thảo Luật cần tiếp tục thể chế hóa rõ quan điểm của Đảng về hoàn thiện chính sách tài chính về đất đai, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư; có cơ chế điều tiết chênh lệch địa tô hợp lý, hiệu quả;…
PGS.TS Doãn Hồng Nhung, Giảng viên Cao cấp – Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội
Quan tâm tới dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) được thảo luận tại Hội nghị, Luật sư Đặng Thành Chung, Đoàn Luật sư Tp. Hà Nội đặc biệt ấn tượng với những kiến nghị của đại biểu liên quan đến giao dịch bất động sản hình thành trong tương lai.
Theo Luật sư, đây là giao dịch có nhiều đặc thù như: tài sản chưa hình thành, tính pháp lý của dự án phức tạp và không phải người mua nào cũng kiểm tra được thông tin để nhận định đúng. Trong khi đó số tiền họ phải bỏ ra để có thể sở hữu tài sản này là rất lớn, thậm chí vay ngân hàng để nhận về bất động sản “trong tương lai”. Có một thực trạng đáng buồn của phân khúc bất động sản hình thành trong tương lai là rất nhiều trường hợp đã nộp tiền nhưng dự án chậm tiến độ, thậm chí pháp lý của dự án phát sinh nhiều vấn đề, nhiều chủ đầu tư năng lực tài chính yếu kém bỏ không dự án gây lãng phí tài nguyên đất và ảnh hưởng đến quyền lợi của người mua hoặc chuyển nhượng dự án qua nhiều nhà đầu tư khác, người mua không biết bao giờ mới nhận được nhà và liệu nhận nhà có đáp ứng đầy đủ các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật không. Từ đó, người mua có xu hướng e ngại khi mua nhà bằng loại hình này, nhà nước thì khó kiểm soát và chưa có biện pháp xử lý triệt để các vi phạm của chủ đầu tư.
Do đó, luật sư cho rằng việc đặt ra vấn đề cần nghiên cứu bổ sung quy định giới hạn giao dịch về bất động sản hình thành trong tương lai là có cơ sở và cần thiết.
Luật sư Đặng Thành Chung, Đoàn Luật sư Tp. Hà Nội
Tiếp cận thông tin về hội nghị thông qua các phương tiện thông tin đại chúng cử tri Nguyễn Thị Bình, phường Thanh Xuân, Tp. Hà Nội cho rằng, Hội nghị đã thực hiện khối lượng công việc rất đồ sộ khi cho ý kiến vào 08 dự án luật bao gồm: Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Luật Viễn thông (sửa đổi), Luật Căn cước công dân (sửa đổi), Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.
Các đại biểu Quốc hội chuyên trách dành nhiều thời gian cho hoạt động Quốc hội, là những người có uy tín, kinh nghiệm trong công tác xây dựng pháp luật cũng như việc giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Tại Hội nghị Đại biểu chuyên trách, các vị đại biểu đã nêu nhiều ý kiến, phát biểu, rất xác đáng, đóng góp trực tiếp vào các điều/khoản cụ thể của dự án luật với lập luận chặt chẽ, khoa học có tính lý luận và thực tiễn cao.
Cử trì bày tỏ kỳ vọng, sau Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách,cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra sẽ phối hợp chặt chẽ đảm bảo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật trình tại hội nghị có chất lượng cao để tại kỳ họp các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận vào các vấn đề trọng tâm, còn ý kiến khác nhau,…/.