SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU LUẬT ĐẤU GIÁ TÀI SẢN: ĐỀ NGHỊ PHÂN CHIA GIÁ TRỊ TÀI SẢN ĐỂ QUY ĐỊNH SỐ TIỀN ĐẶT TRƯỚC

03/09/2023

Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 6 (10/2023). Góp ý vào dự thảo luật, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật và hòa giải Phan Văn Lâm - Viện nghiên cứu Pháp luật và Kinh tế Asean kiến nghị, nên phân chia giá trị tài sản để quy định số tiền đặt trước…

SỬA ĐỔI LUẬT ĐẤU GIÁ TÀI SẢN: THÁO GỠ ĐƯỢC NHỮNG BẤT CẬP, VƯỚNG MẮC HIỆN NAY

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 6 (10/2023)

Thực hiện Nghị quyết số 89/2023/QH15 ngày 02/6/2023 của Quốc hội vè Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 805/QĐ-TTg giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy pháp luật.

Dự thảo Luật gồm 3 Điều, trong đó Điều 1 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản (sửa đổi, bổ sung 25 điều, khoản; bổ sung 01 điều mới), bổ sung, thay thế một số cụm từ, bãi bỏ một số điểm, khoản, điều của Luật Đấu giá tài sản; Điều 2 về điều khoản thi hành và Điều 3 về quy định chuyển tiếp.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản giữ nguyên một số quy định đang phát huy hiệu quả trong thực tiễn về đấu giá viên, tổ chức hành nghề đấu giá, trình tự, thủ tục đấu giá tài sản và quản lý nhà nước về hoạt động đấu giá.

Ngoài ra, Luật sửa đổi, bổ sung các quy định: về tiêu chuẩn, điều kiện đấu giá viên, điều kiện hành nghề đấu giá, quyền và nghĩa vụ, đăng ký hoạt động của tổ chức đấu giá tài sản; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động đấu giá để thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động đấu giá theo lộ trình phù hợp; về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản đảm bảo phù hợp với thực tiễn, khả thi, có tính đến một số loại tài sản đấu giá đặc thù, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho tổ chức đấu giá tài sản, người có tài sản, người tham gia đấu giá, đồng thời tăng cường tính chặt chẽ, khách quan, công khai, minh bạch; về trách nhiệm của người có tài sản đấu giá, các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đấu giá tài sản.

Nghiên cứu về dự Luật, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật và hòa giải Phan Văn Lâm - Viện nghiên cứu Pháp luật và Kinh tế Asean cho biết, trải qua 7 năm thực hiện, Luật Đấu giá tài sản đã  đóng góp quan trọng trong việc tạo lập khung pháp lý về trình tự, thủ tục đấu giá chung, khá chặt chẽ trong hoạt động đấu giá; giải quyết tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong hệ thống pháp luật; phân định rõ trách nhiệm của các chủ thể có liên quan tài sản đấu giá trong các giai đoạn đấu giá, nâng cao tính công khai, minh bạch, hiệu quả trong việc xử lý tài sản công. Nhưng bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện Luật đấu giá tài sản đã phát sinh một số vấn đề hạn chế, bất cập, cần sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn như: Pháp luật về đấu giá tài sản còn một số quy định chưa chặt chẽ về trình tự, thủ tục, chưa phù hợp với thực tiễn, vướng mắc trong quá trình tổ chức đấu giá tài sản, người có tài sản đấu giá và các cá nhân, tổ chức có liên quan, bất cập; tình trạng "quân xanh, quân đỏ", "thông giá" chia nhau chênh lệch trong các phiên đấu giá ngày càng có xu hướng gia tăng, phức tạp, nhiều cuộc đấu giá chỉ mang tính hình thức không thu được kết quả kỳ vọng. Nhiều trường hợp xác định giá khởi điểm rất thấp so với giá thị trường để dàn xếp trục lợi, dẫn đến thất thoát tài sản nhà nước…

Đặc biệt lợi dụng sơ hở của các quy định về định giá và xác định giá khởi điểm, nên nhiều tài giá trị  thấp so với giá thị trường, nhiều khu đất vị trí đẹp của Nhà nước rơi vào một số nhóm lợi ích mà thời gian qua nhiều vụ việc đã bị khởi tố  . Tình trạng gây mất an ninh trật tự : khống chế, chia sẻ lợi ích… người tham gia đấu giá) trong các phiên đấu giá. Việc áp dụng hình thức đấu giá trực tuyến còn một số hạn chế, bất cập nên chưa thu hút đông đảo người tham gia đấu giá. Tình trạng cấu kết giữa người có tài sản đấu giá và tổ chức bán đấu giá vẫn xảy ra dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh giữa các tổ chức hành nghề đấu giá.

Vì thế việc sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Đấu giá tài sản nhằm khắc phục hạn chế, bất cập nêu trên, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ để thúc đẩy hoạt động đấu giá theo hướng công khai, minh bạch, chuyên nghiệp hóa, nâng cao hiệu quả, nâng cao giá trị, đảm bảo đúng tiêu chí quản lý nhà nước về đấu giá tài sản là rất cần thiết.

Phó giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật và hòa giải Phan Văn Lâm - Viện nghiên cứu Pháp luật và Kinh tế Asean

Góp ý nhằm hoàn thiện dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật và hòa giải Phan Văn Lâm - Viện nghiên cứu Pháp luật và Kinh tế Asean kiến nghị một số nội dung cụ thể như sau:

Thứ nhất, sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 9 như sau:

a) Bổ sung điểm đ1 vào sau điểm đ khoản 1 như sau:

“đ1) Để lộ thông tin về người đăng ký tham gia đấu giá nhằm mục đích trục lợi;”.

b) Bổ sung điểm d1 vào sau điểm d khoản 5 như sau:

“d1) Nhận ủy quyền tham gia cuộc đấu giá để trả giá cho người tham gia đấu giá khác đối với cùng một tài sản mà mình cũng là người tham gia đấu giá tài sản đó; nhận ủy quyền tham gia cuộc đấu giá để trả giá cho từ hai người tham gia đấu giá trở lên đối với cùng một tài sản mà những người này là người tham gia đấu giá tài sản đó;”.

Cụ thể là: Khi lựa chọn hình thức đấu giá trực tuyến để đấu giá tất cả các loại tài sản (gồm tài sản công, tài sản thi hành án, tài sản giao dịch bảo đảm và tài sản thuộc sở hữu của cá nhân, tổ chức) thì tổ chức đấu giá tài sản có thể lựa chọn sử dụng Trang Thông tin đấu giá trực tuyến quốc gia hoặc Trang Thông tin đấu giá trực tuyến của các tổ chức đấu giá tài sản để thực hiện việc đấu giá.

 Kiến nghị: Khoản đ1 bỏ cụm từ “mục đích trục lợi” để lộ thông tin người tham gia đấu giá, Vì việc chứng minh trục lợi hay không trên thực tế là rất khó, mặt khác cá nhân người để lộ thông tin không trục lợi nhưng người nhận được thông tin có thể có hưởng lợi hoặc lộ thông tin cá nhân người tham gia đấu giá trái quy định pháp luật

Thứ hai, bổ sung điểm đ1 vào sau điểm đ khoản 2 Điều 19 như sau:

“đ1) Tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ hành nghề đấu giá tài sản hằng năm;”.

Kiến nghị: Điểm đ1 này nên bỏ vì không cần thiết vì việc bồi dưỡng nghiệp vụ này là tự nguyện không nên bắt buộc, vì đã có chứng chỉ hành nghề bắt buộc theo quy định. Việc thêm điểm này vào chỉ làm cho dư luận nghĩ rằng có lợi ích nhóm trong hệ thống đà tạo được lồng ghép vào trong luật.

Thứ ba, sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản của Điều 39 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 như sau:

“1. Người tham gia đấu giá phải nộp tiền đặt trước. Tiền đặt trước do tổ chức đấu giá tài sản và người có tài sản đấu giá thỏa thuận, nhưng tối thiểu là năm phần trăm và tối đa là hai mươi phần trăm giá khởi điểm của tài sản đấu giá, trừ trường hợp quy định tại khoản 1a Điều này.

Tiền đặt trước được gửi vào một tài khoản thanh toán riêng của tổ chức đấu giá tài sản mở tại ngân hàng thương mại hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam. Người tham gia đấu giá và tổ chức đấu giá tài sản có thể thỏa thuận thay thế tiền đặt trước bằng bảo lãnh ngân hàng.

Trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư hoặc quyền sử dụng tần số vô tuyến điện thì người có tài sản đấu giá và tổ chức đấu giá tài sản có thể thỏa thuận việc nộp tiền đặt trước vào tài khoản thanh toán riêng của tổ chức đấu giá tài sản mở tại ngân hàng thương mại hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam và được phong tỏa theo quy định của pháp luật về ngân hàng.”.

b) Bổ sung khoản 1a vào sau khoản 1 như sau:

“1a. Trường hợp đấu giá quyền khai thác khoáng sản mà giá khởi điểm chưa xác định được bằng tiền thì tiền đặt trước được xác định theo quy định của pháp luật về khoáng sản.

Trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư thì tiền đặt trước tối thiểu là mười phần trăm và tối đa là hai mươi phần trăm giá khởi điểm.

Trường hợp đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện thì tiền đặt trước được tính căn cứ vào số lượng, khối băng tần đăng ký mua và giá khởi điểm cao nhất của khối băng tần trong tổng số khối băng tần đưa ra đấu giá theo tỷ lệ quy định khoản 1 Điều này.”.

Kiến nghị: Nên phân chia giá trị tài sản để quy định số tiền đặt trước vì có những tài sản trị giá hàng ngàn tỷ đồng thì tỷ lệ đặt trước 20% là quá cao, số tiền hàng trăm tỷ đồng dùng để đặt trước này doanh nghiệp có thể tạo ra lợi nhuận lớn rất nhiều so với tiền gửi ngân hàng, mặt khác trong một thời gian ngắn người mua rất khó đáp ứng được lượng tiền như vậy. Nên phân ra 5-10-15-20% số tiền đặt trước tùy theo giá trị tài sản, theo nguyên tắc giá trị tài sản càng lớn thì số %  đặt cọc càng nhỏ. Ngoài ra có thể bổ sung chế tài nếu trúng đấu giá không mua tài sản có thể bị phạt 20% giá trị tài sản trúng đấu giá để đảm báo giá tài sản không bị thổi phồng nhằm mục đích xấu./.

Lê Anh

Các bài viết khác