THẢO LUẬN TẠI TỔ 1: GIẢI QUYẾT DỨT ĐIỂM, KHÔNG ĐỂ CÁC DỰ ÁN BẤT ĐỘNG SẢN, XÂY DỰNG CHẬM TRIỂN KHAI KÉO DÀI
Thực hiện chương trình kỳ họp thứ 6, chiều 02/11, Quốc hội thảo luận ở Tổ về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Thảo luận tại Tổ 1 gồm Đoàn Đại biểu Quốc hội Tp.Hà Nội. Đa số các đại biểu thống nhất với các điều khoản, điểm mới của dự án Luật; đồng thời tập trung trao đổi về các nội dung còn gây tranh luận như việc rút bảo hiểm xã hội (BHXH) 1 lần, mức xử phạt đối với đơn vị sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng BHXH bắt buộc…
Toàn cảnh Phiên thảo luận tại Tổ 1.
Góp ý về đối tượng tham gia BHXH bắt buộc và bảo hiểm tự nguyện, đại biểu Trần Thị Nhị Hà - Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội kiến nghị đưa toàn bộ nhóm đối tượng là chủ hộ kinh doanh bao gồm cả phải đăng ký kinh doanh và không đăng ký kinh doanh vào nội dung quy định tại Điều 3.
Tuy nhiên, cần đánh giá quy định về mức đóng BHXH bắt buộc của chủ hộ kinh doanh. Theo quy định về mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, đối với các đối tượng lao động thông thường, người lao động đóng 8%, người sử dụng lao động đóng 17%, tổng là 25%.
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 39, đối tượng chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh thuộc diện phải đăng ký kinh doanh phải đóng toàn bộ 25%. Theo đó, cần đánh giá tác động xã hội của quy định này vì đối tượng tác động lớn, nhiều đối tượng thuộc nhóm yếu thế trong xã hội, trong khi, đây hoàn toàn có thể là đối tượng khuyến khích tham gia bảo hiểm tự nguyện, cần nghiên cứu mức đóng cho phù hợp.
Đại biểu Quốc hội Trần Thị Nhị Hà.
Ngoài ra, đại biểu Trần Thị Nhị Hà bày tỏ ủng hộ đề xuất giảm lợi ích từ việc rút bảo hiểm xã hội 1 lần theo phương án 2 của điểm đ tại Điều 77. Tuy nhiên, đại biểu Trần Thị Nhị Hà kiến nghị mức rút bảo hiểm xã hội không phải là 50%, mà tương ứng với mức đóng bảo hiểm của người lao động, để người lao động chỉ có thể rút khoản tiền họ đóng vào quỹ, còn khoản tiền mà người sử dụng lao động đóng sẽ được giữ lại để chi trả một phần lương hưu sau này.
Liên quan đến nội dung trên, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, chúng ta không khuyến khích việc rút bảo hiểm 1 lần. Tất nhiên, người ta đóng vào thì người ta có có quyền được rút ra, nhưng là hưởng phần 8% đã đóng và phải trừ đi chi phí quản lý. Phần còn lại do doanh nghiệp đóng, người sử dụng lao động đóng thì sẽ đưa vào để trở thành Quỹ trợ cấp hưu trí.
Về mức đóng BHXH, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, quy định hiện nay về mức đóng của người lao động là 8%, người sử dụng lao động 14%, tổng cộng là 22% tiền lương không phải là con số nhỏ, đặc biệt đối với doanh nghiệp. Do đó, cần nghiên cứu lại tỷ lệ đóng góp này theo hướng tỷ lệ đóng góp có thể giảm xuống để đối tượng tham gia bảo hiểm phủ rộng hơn.
Các đại biểu Quốc hội Tp.Hà Nội tham dự Phiên thảo luận tại Tổ 1.
Đóng góp ý kiến vào dự án Luật, đại biểu Lê Nhật Thành cho rằng, tại điểm B, khoản 2, Điều 5 quy định về các chế độ BHXH, đề nghị bổ sung "chế độ thất nghiệp theo quy định của Luật Việc làm". Vì theo điểm 1, mục III, Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 về cải cách chính sách bảo hiểm, thì: "Bảo hiểm xã hội bắt buộc (với các chế độ hưu trí, tử tuất, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, ốm đau, thai sản, thất nghiệp) dựa trên đóng góp của người lao động và người sử dụng lao động...".
Điều 12 về trách nhiệm của người sử dụng lao động, đại biểu Lê Nhật Thành đề nghị bổ sung một khoản tại điều này, vì hiện nay chưa có chế tài đối với đơn vị sử dụng lao động trong việc thu hồi số tiền hưởng BHXH không đúng quy định của người lao động, cụ thể như sau: "7. Phối hợp với cơ quan BHXH thực hiện thu hồi số tiền hưởng BHXH không đúng quy định của người lao động nộp về quỹ BHXH".
Đại biểu Quốc hội Lê Nhật Thành.
Về xử lý vi phạm về chậm đóng, trốn đóng BHXH bắt buộc (Điều 37), tại khoản 2, đại biểu Lê Nhật Thành đề nghị quy định theo hướng cơ quan có thẩm quyền quyết định ngừng sử dụng hoá đơn đối với người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng BHXH bắt buộc thời gian từ 6 tháng lên 12 tháng trở lên vì khi ngừng sử dụng hoá đơn sẽ ảnh hưởng rất lớn đối với doanh nghiệp trong tình hình kinh tế khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp tới việc làm của người lao động.
Trong khuôn khổ Phiên họp Tổ, các đại biểu thuộc Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội còn đóng góp ý kiến vào việc đảm bảo BHXH cho người cao tuổi, người có hoàn cảnh khó khăn, người mang thai hộ…
Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai – Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội phát biểu kết luận tại Phiên thảo luận.
Phát biểu kết luận Phiên thảo luận Tổ, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai – Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội đánh giá cao và ghi nhận những ý kiến tâm huyết của các ĐBQH đối với dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Những ý kiến, đề xuất của các ĐBQH sẽ được Tổ Thư ký nghiên cứu, tổng hợp đầy đủ trong quá trình hoàn thiện dự án Luật để trình Quốc hội xem xét, thảo luận ở hội trường dự kiến vào ngày 23/11 tới.
Một số hình ảnh tại Phiên thảo luận của Tổ 1:
Toàn cảnh Phiên thảo luận tại Tổ 1.
Các đại biểu Quốc hội Tp.Hà Nội tham dự Phiên thảo luận tại Tổ 1.
Đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ đóng góp ý kiến về đảm bảo BHXH đối với người cao tuổi.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí nêu quan điểm về mức trợ cấp BHXH đối với người mang thai hộ.
Đại biểu Quốc hội Phạm Đức Ấn đề cập về hình thức dừng hóa đơn đối với hành vi chậm đóng BHXH của các đơn vị, doanh nghiệp.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tuấn Thịnh góp ý về bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội.
Những ý kiến, đề xuất của các ĐBQH sẽ được Tổ Thư ký nghiên cứu, tổng hợp đầy đủ trong quá trình hoàn thiện dự án Luật để trình Quốc hội xem xét, thảo luận ở hội trường dự kiến vào ngày 23/11 tới./.