ĐẦU TƯ NGUỒN LỰC, LÀM RÕ TRỌNG TÂM ĐỂ PHÁT TRIỂN DU LỊCH BỀN VỮNG

08/11/2023

Nội dung phát triển du lịch bền vững đã được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm tại các cuộc thảo luận tại tổ, tại hội trường về tình hình kinh tế xã hội, và tiếp tục trở thành chủ đề nóng tại phiên chất vấn Kỳ họp thứ 6. Trả lời chất vấn về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, cần dành nguồn lực thỏa đáng, làm rõ trọng tâm phát triển để ngành du lịch đạt được thành tựu tương xứng với tiềm năng.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 08/11: BẾ MẠC PHIÊN CHẤT VẤN VÀ TRẢ LỜI CHẤT VẤN KỲ HỌP THỨ 6, QUỐC HỘI KHOÁ XV

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn – Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương 

Tham gia phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn – Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương nêu rõ, du lịch là một trong 3 ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển du lịch bền vững là yếu tố cần thiết mang lại sự thành công cũng như lợi ích trong tương lai. Thời gian vừa qua, ngành du lịch đã đạt được kết quả đáng ghi nhận. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế dẫn đến không khai thác hết tiềm năng, lợi thế sẵn có để phát triển du lịch bền vững, gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, bảo vệ môi trường.

Đại biểu đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho biết định hướng và giải pháp cụ thể trong thời gian tới, nhất là việc đánh giá tổng thể tiềm năng, lợi thế hiện có và các giải pháp đảm bảo nguồn lực về tài nguyên, về vốn, về khoa học công nghệ, về con người và nguồn lực mềm, đặc biệt là hệ thống chính sách pháp luật đồng bộ khả thi.

Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, tài nguyên du lịch của đất nước ta rất phong phú về truyền thống lịch sử, văn hóa, cảnh quan, môi trường, đặc biệt có chiều dài bờ biển trên 3.000 km trải dài từ Bắc đến Nam; người dân Việt Nam thân thiện, mến khách, cần cù, yêu lao động, đấy là những lợi thế của ngành du lịch nước. Chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước cũng đã chú trọng lĩnh vực này, tuy nhiên, thực tế ngành du lịch chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh cũng như mong đợi của đồng bào, cử tri cả nước.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Lý giải nguyên nhân của thực trạng này, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, một trong những nguyên nhân xuất phát từ chính sách, thể chế, từ lãnh đạo, chỉ đạo về nguồn nhân lực, bố trí quy hoạch, phát triển ngành. Thủ tướng nhấn mạnh tuy có nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan, nhưng nguyên nhân chủ quan là chính.

Đề ra giải pháp, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, trước hết, cần triển khai hiệu quả các chủ trương của Đảng về ngành du lịch, là một ngành kinh tế mũi nhọn. Cùng với đó, cần thể chế hóa, cụ thể hóa các chủ trương này bằng pháp luật của Quốc hội, Nghị định của Chính phủ, của các Bộ và các thông tư liên quan.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh, cần lãnh đạo, chỉ đạo tập trung để xác định rõ trọng tâm phát triển; dành nguồn lực thỏa đáng phát triển hạ tầng du lịch, phát triển nguồn nhân lực đào tạo phù hợp, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Ngoài ra, đây là một ngành kinh tế tổng hợp, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, các ngành.

Bàn về vấn đề này, ThS. Bùi Thị Như Hiền, Trường Đại học Thành Đô chỉ ra rằng, phát triển du lịch bền vững là phát triển những hoạt động du lịch với mục tiêu mang lại lợi ích kinh tế, tạo công ăn việc làm cho xã hội và cộng đồng; thỏa mãn các nhu cầu đa dạng của các thành phần tham gia du lịch... trên cơ sở khai thác các nguồn tài nguyên; đồng thời có ý thức đến việc đầu tư tôn tạo, bảo tồn và duy trì tính nguyên vẹn của các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đảm bảo môi trường trong sạch; phải gắn trách nhiệm và quyền lợi của cộng đồng trong việc khai thác sử dụng và bảo vệ tài nguyên, môi trường. Việc phát triển du lịch bền vững là phù hợp với xu thế chung, tất yếu của thế giới, đảm bảo sự phát triển chung, cũng như cho sự phát triển của ngành Du lịch. Các nước đã rất quan tâm, chú trọng đến sự phát triển bền vững của ngành này, nhất là trong bối cảnh sự đóng góp của ngành Du lịch ngày càng lớn

ThS. Bùi Thị Như Hiền cũng đưa ra các giải pháp phát triển bền vững du lịch Việt Nam. Cụ thể:

Một là, đảm bảo sự cân bằng trong phát triển du lịch với bảo vệ môi trường và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thông. Thiết lập các nguyên tắc đảm bảo cân bằng phù hợp giữa các khía cạnh môi trường, kinh tế và văn hóa xã hội. Theo đó: Giảm thiểu mức sử dụng những nguồn tài nguyên quý hiếm và không thể tái tạo được trong việc phát triển và triển khai các cơ sở, phương tiện và dịch vụ du lịch; đồng thời chú trọng đến một môi trường trong lành. Đẩy mạnh bảo vệ môi trường, giảm thiểu ô nhiễm không khí, nước, đất và rác thải từ du khách và các hãng du lịch. Hỗ trợ bảo tồn khu vực tự nhiên, môi trường sống, sinh vật hoang dã và giảm thiểu thiệt hại đối với các yếu tố này.

Hai là, tăng cường các hoạt động truyền thông, quảng bá xúc tiến du lịch, ứng dụng công nghệ thông tin trong du lịch. Triển khai chiến dịch truyền thông tái khởi động du lịch nội địa "Du lịch an toàn, hấp dẫn": chuẩn bị tổ chức các sự kiện phát động, kích cầu thị trường, hội chợ du lịch, hội thảo giới thiệu điểm đến, kết nôi doanh nghiệp kết hợp linh hoạt giữa hình thức trực tiếp và trực tuyến, các chương trình khảo sát điểm đến, sản phẩm; Triển khai truyền thông hướng đến khách quốc tế với chiến dịch xúc tiến, quảng bá trên các kênh truyền thông trực tuyến của Tổng cục Du lịch. Du lịch Việt Nam cần tăng cường việc xây dựng hình ảnh du lịch đến với bạn bè quốc tê bằng cách tăng cường thực hiện nếp sống văn minh, tổ chức thông tin hướng dẫn, hỗ trợ du khách tại các điểm du lịch, đặc biệt là xây dựng phong trào ứng xử văn minh, có thái độ cởi mở, chân thành, nhiệt tình đối với du khách.

Ba là, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, tăng cường đầu tư hạ tầng du lịch nhằm phát huy hết tiềm năng sẵn có. Các doanh nghiệp Việt Nam cần chú trọng việc tạo ra các sản phẩm đặc trưng, nổi bật của từng vùng miền để tạo nên nét độc đáo tại mỗi điểm du lịch, đồng thời quảng bá được hình ảnh Việt Nam đến với du khách. Chú trọng đầu tư đồng bộ khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên sẵn có, tạo nên những sản phẩm du lịch độc đáo gắn với bảo vệ môi trường và thay đổi cách làm du lịch chỉ dựa vào điều kiện sấn có. Thực tế cho thây, khi ngành Du lịch mở cửa, mời gọi các nhà đầu tư tư nhân lớn... đầu tư vào hạ tầng cơ sở du lịch đã tạo ra các bước đột phá, các điểm nhấn đáng chú ý cho du lịch tại các địa phương. Do đó, Nhà nước cần có cơ chế khuyến khích về thuế, tín dụng, thời gian cho thuê đất, giảm thiểu thủ tục hành chính... để các tập đoàn tư nhân có thêm điều kiện đầu tư vào du lịch, tạo sự phát triển bền vững cho ngành Du lịch.

Bốn là, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực theo cơ cấu hợp lý, đáp ứng yêu cầu phục hồi du lịch, cơ cấu lại nguồn lực phát triển du lịch. Ngành Du lịch cần sớm hoàn thiện hệ thông chính sách và các cơ chế quản lý về phát triển nhân lực, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy công tác phát triển nguồn nhân lực du lịch, bảo đảm thông nhất, chât lượng, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập. Các trường học và doanh nghiệp cần trang bị cho nhân lực du lịch những kiến thức về hội nhập, giỏi về ngoại ngữ, tin học, nghiệp vụ du lịch, am hiểu thị trường, luật pháp quốc tế...

Năm là, bảo vệ môi trường, an toàn tại địa điểm du lịch. Tăng cường công tác quản lý môi trường du lịch, bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách, chú trọng vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm; tạo dựng môi trường du lịch văn hóa, văn minh, thân thiện, mến khách. Để Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn chúng ta cần chú trọng an toàn cho các du khách bằng việc có biện pháp giải quyết triệt để các tệ nạn xã hội.

Minh Hùng