LÀM RÕ NGUYÊN NHÂN CHỦ QUAN CHẬM TIẾN ĐỘ DỰ ÁN SÂN BAY LONG THÀNH

09/11/2023

Sáng 9/11, thảo luận tại hội trường về việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 53/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các đại biểu đề nghị, cần phân tích, làm rõ nguyên nhân chủ quan để không lặp lại việc chậm tiến độ triển khai dự án.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 09/11: THẢO LUẬN Ở HỘI TRƯỜNG VỀ VIỆC ĐIỀU CHỈNH MỘT SỐ NỘI DUNG CỦA NGHỊ QUYẾT 53/2017/QH14 NGÀY 24/11/2017 CỦA QUỐC HỘI

Theo Tờ trình, Chính phủ đề nghị điều chỉnh 2 nội dung của Nghị quyết 53/2017/QH14 về Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng Hàng không quốc tế Long Thành. Cụ thể: (1) Kéo dài thời gian thực hiện Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đến hết năm 2024 thay vì “hoàn thành trước năm 2021” như yêu cầu của Quốc hội tại Nghị quyết 53/2017/QH14. Điều này nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý để hoàn thành các dự án thành phần có cấu phần xây dựng cũng như triển khai giải ngân cho Dự án; (2) Tổng mức đầu tư Dự án kiến nghị điều chỉnh là 19.207,504 tỷ đồng; lũy kế giải ngân đến thời điểm hiện nay là 16.697,132 tỷ đồng. Nhu cầu vốn để tiếp tục thực hiện, hoàn thành Dự án là 2.510,372 tỷ đồng. Do đó, Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép kéo dài thời gian giải ngân số vốn 2.510,372 tỷ đồng đến hết năm 2024.

Toàn cảnh Phiên thảo luận 

Tham gia ý kiến tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga – Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho rằng, về nguyên nhân dẫn đến điều chỉnh thời gian thực hiện dự án, trong tờ trình của Chính phủ có nêu nhiều nguyên nhân dẫn đến việc kéo dài thời gian thực hiện dự án. Tuy nhiên, đây hầu như đều là những nguyên nhân khách quan, không có nguyên nhân chủ quan, thậm chí có nguyên nhân còn chưa mang tính thuyết phục cao như: do dịch bệnh COVID diễn biến phức tạp trong 2 năm 2020-2021, trong khi dự án được triển khai từ năm 2017. Công tác đo đạc, kiểm đếm lên phương án bồi thường là những công việc phải được triển khai đầu tiên. 

Cũng theo đại biểu, “dự án có quy mô lớn, tính phức tạp đòi hỏi sự cẩn trọng, tỉ mỉ và sự phối hợp của nhiều ban, ngành liên quan”, không phải là nguyên nhân dẫn đến chậm trễ. Bởi vì, khi xây dựng dự án thì quy mô, khối lượng công việc là nội dung đã phải rà soát rất kỹ để xây dựng phương án cụ thể.

Vì vậy, đại biểu tỉnh Hải Dương đề nghị cần có những đánh giá sát thực hơn nguyên nhân dẫn đến việc triển khai dự án bị chậm nhiều so với tiến độ, đặc biệt là những nguyên nhân chủ quan để từ đó có biện pháp khắc phục hiệu quả, tránh việc đã gia hạn nhưng vẫn tiếp tục chậm trễ trong thời gian tới.

Ngoài ra, đại biểu cũng nêu rõ, đối với dự án thành phần 2 có 11 công trình tiểu dự án là các trường học, chợ và trung tâm văn hóa, trụ sở Ủy ban nhân dân xã. Nhưng đến nay mới có 3 trong số 11 công trình đã hoàn thành. Như vậy, cuộc sống của người dân tại khu tái định cư vẫn còn thiếu các tiện ích công cộng, đặc biệt là trường học và chợ. Điều này ảnh hưởng không tốt đến cuộc sống của người dân. Vì vậy, đại biểu đề nghị cần khẩn trương hoàn thiện tất cả những công trình thuộc dự án thành phần 2 để cuộc sống của người dân thực sự đi vào ổn định.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương

Cùng mối quan tâm, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp chia sẻ khó khăn trong việc triển khai dự án với Chính phủ cũng như tỉnh Đồng Nai vì dự án Sân bay Long Thành là một công trình trọng điểm quốc gia có vai trò vô cùng quan trọng, kết nối các tỉnh, thành vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung, Đồng Nai nói riêng với các trung tâm kinh tế quan trọng của cả nước, đồng thời kết nối với quốc tế.

Đại biểu nhấn mạnh, trong thời gian triển khai thực hiện dự án, tỉnh Đồng Nai cũng đã chủ động đưa ra nhiều giải pháp, trong đó có cả việc tạm ứng ngân sách địa phương để tiếp tục chi trả kinh phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư để hoàn thành công tác thu hồi đất cho dự án và bàn giao toàn bộ mặt bằng giai đoạn 1. Điều này cho thấy quyết tâm chính trị rất lớn và là giải pháp rất hợp lý của tỉnh Đồng Nai.

Tuy nhiên, mặc dù được Quốc hội ủng hộ nhưng trên thực tế, tiến độ của dự án Sân bay Long Thành rất chậm và gặp nhiều khó khăn. Lý do được đưa ra là khi triển khai dự án rơi vào thời thời điểm xảy ra dịch COVID-19 là không thuyết phục.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp

Bày tỏ đồng tình với quan điểm của đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, đại biểu tỉnh Đồng Tháp cho rằng, cần phải tìm ra lý do chính. Bởi lẽ quyết tâm của Chính phủ và tỉnh Đồng Nai khi trình Quốc hội khóa XIV là sẽ bàn giao mặt bằng vào năm 2020. Như vậy, đây là thời điểm trước năm 2021 mà dịch COVID-19 diễn ra ở Đồng Nai là giữa 2021, do đó đây không phải lý do chính.

Bên cạnh đó, đại biểu đặt vấn đề, "Việc điều chỉnh tiến độ dự án thành phần như vậy đã và sẽ ảnh hưởng thế nào đến việc đưa dự án vào khai thác giai đoạn 1?. Điều này cần có sự cam kết và làm rõ từ phía Chính phủ..."

 Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng 

Giải trình làm rõ ý kiến của đại biểu Quốc hội về nguyên nhân dự án chậm tiến độ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, trong báo cáo của Chính phủ cũng đã nêu tương đối đầy đủ nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan. Trong đó, đối với nguyên nhân chủ quan, có nguyên nhân là nhân sự chủ chốt của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai trong thời gian thực hiện dự án có nhiều thay đổi. Ngoài ra, thủ tục lập quy hoạch tái định cư, thiết kế, đấu thầu kéo dài và lực lượng lao động khan hiếm sau giãn cách, ảnh hưởng đến tiến độ thi công các gói thầu xây dựng.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cũng cho biết, qua nghiên cứu báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai, có thể thấy rằng trong quá trình triển khai thực hiện, kể từ khi Quốc hội có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án thì các bước phê duyệt, quá trình triển khai cũng có rất nhiều những vướng mắc liên quan đến những vấn đề thể chế, như trong Báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai cũng đã nêu. Tuy nhiên, qua ý kiến phát biểu của các đại biểu Quốc hội, về phía Chính phủ sẽ tiếp tục đánh giá, xác định các nguyên nhân chủ quan, từ đó rút kinh nghiệm và có các giải pháp phù hợp khắc phục triệt để trong thời gian tới./.

Lê Anh

Các bài viết khác