PHIÊN HỌP CHUYÊN ĐỀ PHÁP LUẬT: HOÀN THIỆN HỆ THỐNG PHÁP LUẬT VỀ PHÒNG KHÔNG NHÂN DÂN

01/04/2024

Chiều 01/4, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình phiên họp chuyên đề pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Phòng không nhân dân. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp.

ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN VỀ LUẬT PHÒNG KHÔNG NHÂN DÂN

Toàn cảnh phiên họp

Hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng không nhân dân

Trình bày Tờ trình về dự án Luật Phòng không nhân dân, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam Nguyễn Tân Cương cho biết, những năm qua Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân trong tình hình mới. Phòng không nhân dân (PKND) là một bộ phận của nền quốc phòng toàn dân và chiến tranh nhân dân, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chỉ đạo, quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, từ trung ương đến địa phương. Thế trận PKND là một bộ phận cấu thành, không tách rời trong khu vực phòng thủ.

Hoạt động tác chiến PKND là nét đặc sắc của nghệ thuật quân sự Việt Nam đã được vận dụng hiệu quả trong chiến tranh giải phóng đất nước của dân tộc ta; ngày nay, các phương án tác chiến mới trong chiến tranh hiện đại, tiến công đường không và phòng chống tiến công đường không trở thành yêu cầu hết sức quan trọng, quyết định đến thành bại trong cục diện chiến trường. Từ đó đặt ra yêu cầu tiếp tục xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh toàn diện, phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước để chủ động phòng ngừa, xử lý có hiệu quả các tình huống về quốc phòng, an ninh trên không.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam Nguyễn Tân Cương

Việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng, huy động, tổ chức hoạt động PKND sẽ phần nào làm hạn chế quyền con người, quyền công dân, theo quy định của Hiến pháp phải được quy định trong văn bản luật.

Theo Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Luật Quốc phòng và các văn bản pháp luật có liên quan đến nhiệm vụ PKND, quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ mới quy định khung, mang tính nguyên tắc nên đặt ra yêu cầu đòi hỏi phải tạo lập khung pháp lý đầy đủ, toàn diện cho hoạt động PKND để đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Công tác quản lý, bảo vệ vùng trời ở độ cao dưới 5000 mét đang được nhiều quốc gia trên thế giới hết sức coi trọng, nhất là trong giai đoạn hiện nay với sự xuất hiện của tàu bay không người lái đang được các nước nghiên cứu, chế tạo, khai thác, sử dụng cho mục đích quân sự như một lực lượng tác chiến mới mang lại hiệu quả chiến đấu cao; ở trong nước, tình trạng vi phạm pháp luật của các tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ diễn ra ngày càng gia tăng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa đến quốc phòng, an ninh và an toàn, an ninh hàng không.

Từ những lý do nêu trên, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho rằng, việc xây dựng, ban hành Luật PKND là rất cần thiết, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về quân sự, quốc phòng, có ý nghĩa thiết thực bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, dự án luật được xây dựng nhằm tạo khung pháp lý chung cho việc xây dựng, huy động, tổ chức hoạt động PKND; quản lý các hoạt động liên quan đến tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ và bảo đảm an toàn phòng không, nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về PKND. Xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh toàn diện, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội để phát triển kinh tế đất nước, kiên quyết, kiên trì bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Bảo đảm quốc phòng, an ninh gắn với phát triển kinh tế - xã hội

Thẩm tra dự án luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, Thường trực UBQPAN nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật PKND với những căn cứ đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ và thấy rằng: Việc ban hành Luật PKND là nhằm thể chế hóa đường lối chủ trương của Đảng về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; thể chế hóa quy định của Hiến pháp liên quan đến việc hạn chế quyền con người, quyền công dân và Luật Quốc phòng năm 2018 về phòng thủ quân khu, khu vực phòng thủ; khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn thi hành pháp luật về PKND, quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ, đảm bảo thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, phù hợp với thực tiễn và đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc Việt Nam.

Về hồ sơ dự án Luật, Thường trực UBQPAN cho rằng, hồ sơ dự án Luật được chuẩn bị cơ bản đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; đủ điều kiện báo cáo UBTVQH và trình Quốc hội cho ý kiến. Để có thêm cơ sở nghiên cứu, xem xét các quy định tại dự thảo Luật, Thường trực UBQPAN đề nghị Ban soạn thảo bổ sung nội dung báo cáo tổng kết việc thi hành pháp luật về PKND và quản lý tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ, làm rõ hơn những vướng mắc, bất cập về pháp lý, thực tiễn của việc quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới 

Thường trực UBQPAN cũng đề nghị rà soát, hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật PKND; nghiên cứu cụ thể hóa tối đa tại dự thảo Luật những nội dung đã rõ, đã được kiểm nghiệm và thực hiện ổn định, hiệu quả trên thực tế, phù hợp với nguyên tắc quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Nghiên cứu, bổ sung nội dung kinh nghiệm quốc tế về quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ trong phát triển kinh tế - xã hội kết hợp với bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Về bố cục của dự thảo Luật, Thường trực UBQPAN cho biết, bố cục của dự thảo Luật có 08 chương và 55 điều cơ bản là hợp lý, logic. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định về bảo đảm quốc phòng, an ninh gắn với phát triển kinh tế - xã hội trong quản lý phương tiện bay không người lái; bổ sung quy định về phối hợp, hiệp đồng, tổ chức đánh địch đổ bộ, tập kích đường không và quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ của lực lượng phòng không quốc gia, phòng không lục quân, PKND và các lực lượng khác.

Về tên gọi, phạm vi điều chỉnh dự thảo Luật, Thường trực UBQPAN cơ bản nhất trí với tên gọi, phạm vi điều chỉnh của Luật như đề nghị của Chính phủ. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, tên Luật chưa rõ vai trò của nhân dân trong PKND; nội dung “quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ” không thuộc nội hàm khái niệm “Phòng không nhân dân”, nên đề nghị nghiên cứu, chỉnh lý tên Luật cho phù hợp.

Đối với sự phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng; tính hợp Hiến, tính thống nhất với hệ thống pháp luật; tính tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên; tính khả thi của dự thảo Luật, Thường trực UBQPAN cho rằng, dự thảo Luật đã bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là các Nghị quyết về chiến lược bảo vệ Tổ quốc, xây dựng lực lượng vũ trang trong tình hình mới; cơ bản phù hợp với quy định của Hiến pháp, trong đó có quy định về nghĩa vụ của công dân tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân (Điều 45 – Hiến pháp năm 2013), bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.

Có ý kiến cho rằng, dự thảo Luật có nhiều quy định liên quan đến các Luật hiện hành, vì vậy đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát về nội dung, nhất là quy định về xử lý tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ; thể chế, hoàn thiện đầy đủ các quy định liên quan đến PKND, đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật và tính khả thi.

Minh Hùng - Phạm Thắng