CÁC QUY ĐỊNH SỬA ĐỔI, BỔ SUNG CỦA LUẬT HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI VÀ HĐND KHẮC PHỤC TỒN TẠI, HẠN CHẾ TRONG THỰC TIỄN HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CỦA CƠ QUAN DÂN CỬ

01/04/2024

Góp ý vào dự thảo Tờ trình đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, TS.Nguyễn Mai Thuyên, Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, Tờ trình đã thể hiện được khá đầy đủ và mang tính thuyết phục về cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn. Các quy định sửa đổi, bổ sung không chỉ khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thực tiễn hoạt động giám sát của cơ quan dân cử mà còn bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật.

THỂ CHẾ HÓA QUAN ĐIỂM CỦA ĐẢNG, CHÍNH SÁCH CỦA NHÀ NƯỚC VỀ ĐỔI MỚI, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI VÀ HĐND

CẦN HOÀN THIỆN CÁC QUY ĐỊNH VỀ BẢO ĐẢM NGUỒN LỰC THỰC HIỆN HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

MỤC ĐÍCH CAO NHẤT CỦA HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT LÀ KIỂM SOÁT CHẶT CHẼ QUYỀN LỰC NHÀ NƯỚC, BẢO ĐẢM THƯỢNG TÔN HIẾN PHÁP VÀ PHÁP LUẬT

Tờ trình đề nghị xây dựng Luật thể hiện khá đầy đủ, mang tính thuyết phục

Góp ý vào dự thảo Tờ trình đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, TS. Nguyễn Mai Thuyên, Khoa Pháp luật hành chính Nhà nước, Trường Đại học Luật Hà Nội nhận thấy, về tính cấp thiết của việc sửa Luật, Tờ trình đã thể hiện được khá đầy đủ và mang tính thuyết phục về cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn. Những thông tin được lựa chọn đưa vào Tờ trình là điển hình, mang tính cập nhật. Cụ thể:

Về cơ sở chính trị, dự thảo Tờ trình đã phân tích từ chủ trương, chính sách của BCH Trung ương Đảng trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, cập nhật Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu BCH Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, cho đến các văn bản của Đảng đoàn Quốc hội như Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Kết luận số 843-KL/ĐĐQH15 ngày 03/8/2022 của Đảng đoàn Quốc hội về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội.

TS. Nguyễn Mai Thuyên, Khoa Pháp luật hành chính Nhà nước, Trường Đại học Luật Hà Nội

Về cơ sở pháp lý, dự thảo Tờ trình đã lý giải lý do từ quy định pháp luật cần sửa đổi, bổ sung Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND bao gồm quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2020; Nghị quyết số 161/2021/QH14 ngày 08/4/2021 của Quốc hội về công tác nhiệm kỳ 2016 - 2021 của Quốc hội, Chủ tịch nước, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Kiểm toán nhà nước; Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Hội nghị triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024; Nghị quyết số 334/2017/UBTVQH14 ngày 11/01/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Quy chế tổ chức thực hiện một số hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội; Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 ngày 12/9/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân.

Về cơ sở thực tiễn, dự thảo Tờ trình đã phân tích được những thành tựu trong tổ chức thực hiện Luật, nhất là đã chỉ ra được những hạn chế, bất cập trong hoạt động giám sát tập trung vào kết quả giám sát chưa gắn kết với công tác khác; Số lượng, quy mô, phạm vi một số cuộc giám sát còn chưa đạt yêu cầu; đối tượng giám sát chưa toàn diện; nội dung giám sát còn dàn trải, phương thức giám sát chậm đổi mới.

Các quy định sửa đổi, bổ sung bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật

TS. Nguyễn Mai Thuyên cho biết, dự thảo Luật đã sửa đổi 70 điều, khoản của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015. Các quy định sửa đổi, bổ sung không chỉ khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thực tiễn hoạt động giám sát của cơ quan dân cử mà còn bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, đặc biệt là Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Các quy định trong dự thảo Luật đã tương đối bám sát Tờ trình về mục tiêu, chính sách, giải pháp thực hiện chính sách. Theo đó, các điều khoản được sửa đổi, bổ sung trong dự thảo thuộc các nhóm sau:

- Các quy định để thực hiện đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Cụ thể là sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật để thực hiện sự gắn kết giữa hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân với hoạt động lập hiến, lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương và bám sát, hỗ trợ, tạo điều kiện để thực hiện nhiệm vụ trọng tâm đã được đề ra, giải quyết những vấn đề thực tế của đất nước, của địa phương.

- Các quy định để hoàn thiện quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của Quốc hội, cơ quan của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong hoạt động giám sát.

- Các quy định để hoàn thiện các quy định bảo đảm thực hiện nghị quyết, kết luận, yêu cầu, kiến nghị giám sát. Trong đó, trọng tâm là các quy định liên quan đến việc bảo đảm chất lượng, tính cụ thể, rõ ràng, khả thi của kết luận, kiến nghị; phương thức, cách thức, hoạt động và các biện pháp chế tài bảo đảm thực hiện nghị quyết, kết luận, yêu cầu, kiến nghị giám sát.

- Các quy định để hoàn thiện các quy định về phương thức, trình tự, thủ tục, thời gian, thời hạn hoạt động giám sát.

- Các quy định để tạo cơ sở pháp lý, hoàn thiện các quy định về cung cấp, chia sẻ, trao đổi, xử lý, sử dụng, quản lý, bảo quản, xử lý thông tin từ các tài liệu, dữ liệu, hoạt động giám sát có liên quan và các hoạt động khác; bổ sung quy định về ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa trong hoạt động giám sát.

Cùng với đó, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung quy định khoản 9 Điều 2 về nội hàm khái niệm “giám sát văn bản quy phạm pháp luật”.

Đáng chú ý, đã bổ sung Nguyên tắc hoạt động giám sát: “Gắn với công tác lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, địa phương; bám sát nhiệm vụ trọng tâm đã được đề ra, tình hình thực tế của đất nước, địa phương.” Đồng thời bổ sung thẩm quyền giám sát của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội.

Cần bổ sung thông tin để tăng tính thuyết phục

Tuy nhiên, bên cạnh nhưng ưu điểm nêu trên, góp ý về nội dung của dự thảo Tờ trình đề nghị xây dựng Luật, TS. Nguyễn Mai Thuyên cho rằng, cơ sở pháp lý cần bổ sung thông tin về những nội dung chưa hoàn thiện của pháp luật hiện hành có liên quan đến hoạt động giám sát cũng như hạn chế của chính Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân để tăng tính thuyết phục, mà không chỉ liệt kê quy định pháp lý là cơ sở ban hành hoặc đảm bảo tính thống nhất của Luật này.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương dự và phát biểu chỉ đạo Phiên họp thứ ba Ban Chỉ đạo lập đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân

Cơ sở thực tiễn cần viết đảm bảo tính thống nhất và viết chi tiết hơn với những nội dung được dự kiến sửa đổi, bổ sung (tại mục III của Tờ trình), ví dụ trong điểm b mục III Phạm vi điều chỉnh của Luật có khẳng định: “b) Sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân để hoàn thiện quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của Quốc hội, cơ quan của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong hoạt động giám sát” nhưng trong phần cơ sở thực tiễn không chỉ ra hạn chế này.

Ngoài ra, một số hạn chế được chỉ rõ trong phần cơ sở thực tiễn nhưng phạm vi sửa đổi chưa đề cập đến, hoặc không đưa vào phạm vi sửa cũng cần có sự khẳng định trong Tờ trình (ví dụ nội dung giám sát chưa được đề cập cần sửa trong mục III, tiểu mục 1).

Rà soát các quy định còn trùng lặp, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật

Góp ý về nội dung của Dự thảo Luật, TS. Nguyễn Mai Thuyên đề nghị rà soát, chỉnh sửa lỗi chính tả, thể thức văn bản, trùng lặp từ… trong dự thảo Luật.

Đối với khoản 1 Điều 1 dự thảo (bổ sung khoản 9 Điều 2), TS. Nguyễn Mai Thuyên cho rằng, giám sát văn bản quy phạm pháp luật không nên dừng lại ở việc đánh giá “việc ban hành” văn bản đó mà còn cân nhắc tới tính hợp lý, hợp pháp của văn bản sau khi đã được tổ chức thi hành. Thực tế là các yếu tố về tính kịp thời, đầy đủ, hợp hiến, hợp pháp, thống nhất đã được đánh giá ngay từ giai đoạn xây dựng dự thảo. Nếu quy định như dự thảo sẽ dẫn tới trùng lặp về công việc. Do đó, cần nhận thức rằng đặc trưng của việc giám sát văn bản quy phạm pháp luật là việc văn bản bị giám sát đã được triển khai và có thực tiễn để làm căn cứ soi chiếu.

Đối với khoản 7 Điều 1 dự thảo (sửa đổi, bổ sung khoản 1, khoản 2 Điều 13), TS. Nguyễn Mai Thuyên cho rằng, việc quy định cụ thể Báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội cần có những nội dung cơ bản: Tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành, tình hình bảo đảm các điều kiện thi hành, tình hình tuân thủ các quy định là không cần thiết. Nguyên nhân là do Quốc hội xét nhiều loại báo cáo công tác khác nhau (Báo cáo của Chính phủ về kinh tế - xã hội; Báo cáo của Chính phủ về thực hiện ngân sách nhà nước, quyết toán ngân sách nhà nước; Báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; Báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng; Báo cáo của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí…). Do đó, dự thảo Luật chỉ quy định cụ thể yêu cầu đối với Báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội là không tương xứng với các loại báo cáo khác mà Quốc hội thực hiện giám sát.

Đối với khoản 9 Điều 1 dự thảo (sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 4, Điều 15), TS. Nguyễn Mai Thuyên nhận thấy, việc trao cho Tổng thư ký Quốc hội trách nhiệm theo dõi, đôn đốc việc trả lời chất vấn bằng văn bản của người bị chất vấn; tổng hợp kiến nghị của đại biểu Quốc hội khi không đồng ý với nội dung trả lời của người bị chất vấn, báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tạo ra một khối lượng công việc lớn cho cá nhân Tổng thư ký Quốc hội, đồng thời không phù hợp với vị trí, vai trò, chức năng của Tổng Thư ký Quốc hội. Do đó, đề nghị cần giao nhiệm vụ này cho các Ủy ban chuyên trách từng lĩnh vực cụ thể.

Đối với Điều 2 của dự thảo Luật, đề nghị thực hiện theo phương án 1 để tránh sự trùng lặp trong quy định của Luật Hoạt động giám sát và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật./.

Bích Ngọc