ĐOÀN ĐBQH TỈNH HÀ GIANG GIÁM SÁT UBND TỈNH VỀ VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ BẢO ĐẢM TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG

06/04/2024

Chiều 05/4, Đoàn ĐBQH khóa XV tỉnh Hà Giang giám sát UBND tỉnh về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông từ năm 2009 đến năm 2023 trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Lý Thị Lan, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH khóa XV tỉnh Hà Giang chủ trì buổi giám sát.

ĐOÀN ĐBQH TỈNH HÀ GIANG GIÁM SÁT TẠI HUYỆN BẮC QUANG

Toàn cảnh buổi làm việc.

Tham gia Đoàn giám sát có các đồng chí Hoàng Ngọc Định, Chỉ huy Trưởng Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh; Nguyễn Thị Thanh Thủy, Ủy viên Thường trực, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh; Vương Thị Hương, Phó phòng Dân tộc huyện Xín Mần, đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh; lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh, cùng 1 số thành viên khác. Về phía UBND tỉnh có đồng chí Hà Thị Minh Hạnh, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Tại buổi làm việc, sau khi nghe lãnh đạo Sở Giao thông - Vận tải, Công an tỉnh báo cáo kết quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh từ năm 2009 đến hết năm 2023, cho thấy: Mạng lưới giao thông đường bộ trên địa bàn toàn tỉnh Hà Giang có hơn 8000km, gồm: 529,5km đường quốc lộ (QL.2, QL.4, QL.4C, QL.34, QL.279, QL.280); 341km đường tỉnh (ĐT.176, ĐT.176B, ĐT.177, ĐT.178, ĐT.183, ĐT.182B); 180,4km đường đô thị, 1.850,5km đường huyện; 5.196,6km đường xã. Ngoài ra trên địa bàn tỉnh còn có đường tuần tra biên giới, đường ra các cột mốc biên giới, đường lên các trạm kiểm soát đồn biên phòng. Toàn tỉnh hiện có 09 bến đò ngang sông mang tính chất tự phát, phục vụ nhu cầu đi lại, sản xuất kinh doanh nông nghiệp, đánh bắt thủy hải sản quy mô nhỏ. Có 467.787 phương tiện giao thông cơ giới đường bộ hiện đang được các cơ quan chuyên môn quản lý; 84 phương tiện thủy nội địa hoạt động…

UBND tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo các ngành chuyên môn bám sát các chỉ thị, nghị quyết, chương trình, kế hoạch của cấp trên, xác định rõ vai trò, trách nhiệm được giao, chỉ đạo, đôn đốc các phòng, ban, đơn vị trực thuộc thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ về công tác bảo đảm TTATGT trong các năm; kịp thời đề xuất, tham mưu cho UBND tỉnh các giải pháp phù hợp trong công tác quy hoạch phát triển giao thông vận tải trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra, rà soát, xử lý các vị trí điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông; điểm ùn tắc giao thông đường bộ để kiến nghị các cơ quan chức năng có biện pháp khắc phục; bên cạnh đó tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về vận tải hành khách, vận tải hàng hoá đối với các đơn vị KDVT trên địa bàn tỉnh.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Ngọc Định phát biểu tại buổi giảm sát.

Hệ thống các đường quốc lộ, tỉnh lộ, đường huyện được tiến hành quy hoạch, xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, được cải tạo, đầu tư, nâng cấp, và mở rộng mạng lưới giao thông; cắm bổ xung biển báo, trồng hộ lan, tôn lượn sóng, sơn gờ giảm tốc tại nhiều đoạn đường đèo quanh co có tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn, góp phần kiềm chế TNGT và giảm thiệt hại về người và tài sản do TNGT gây ra. Tạo điều kiện cho người dân tham gia giao thông được thuận lợi, thông suốt bảo đảm TTATGT. Ban hành, tham mưu văn bản liên quan đến việc thực hiện bảo đảm TTATGT đường bộ. 

Nghiêm túc tổ chức quán triệt thực hiện Nghị quyết số 88/2011/NQ-CP của Chính Phủ về tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm đảm bảo TTATGT; Kế hoạch số 146/KH-UBND, ngày 20/8/2013; Chương trình số 74-TCTr/TU ngày 20/6/2013 của Ban thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo TTATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông; Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 23/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn tai nạn giao thông nghiêm trọng trong hoạt động vận tải; Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 25/11/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông; Kết luận số 45- KL/TW ngày 01/02/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 19/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm TTATGT trong tình hình mới; Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo TTATGT trong tình hình mới…

Trong quá trình triển khai thực hiện các ngành chuyên môn cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, bất cập và đề xuất, kiến nghị với Chính phủ sớm ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương thực hiện khảo sát, báo cáo để quy hoạch, xây dựng, quản lý kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa được kịp thời. 

Đại biểu Vương Thị Hương phát biểu tại buổi giám sát.

Tại buổi làm việc, Đoàn giám sát đề nghị UBND tỉnh, các sở, ngành báo cáo làm rõ thêm một số nội dung liên quan đến việc tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ; tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bảo đảm TTATGT đường bộ; công tác phối hợp kiểm tra, xử lý vi phạm về tải trọng xe trên đường bộ; công tác lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ; cấp, thu hồi giấy chứng nhận chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện giao thông đường bộ; quy định cụ thể điều kiện, phạm vi hoạt động của xe thô sơ tại địa phương; công tác kiểm định phương tiện cơ giới đường bộ; công tác quản lý đào tạo, sát hạch lái xe; cấp, đổi, thu hồi giấy phép xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ, đường thuỷ nội địa; xử lý vi phạm pháp luật về TTATGT đường bộ; xử lý điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông đường bộ; kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ…

Kết luận buổi giám sát, đồng chí Lý Thị Lan, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó trưởng Đoàn chuyên trách ĐBQH khóa XV tỉnh Hà Giang, Trưởng Đoàn giám sát ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được của UBND tỉnh, các cơ quan chuyên môn trong việc triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông từ năm 2009 đến năm 2023 trên địa bàn tỉnh. Đồng thời cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế và đề nghị UBND tỉnh làm tốt công tác chỉ đạo quyết liệt tổng thể đối với công tác quy hoạch bến bãi, điểm dừng đỗ đón trả khách; chỉ đạo các ngành chuyên môn sớm có hướng dẫn, chỉ đạo các huyện có biện pháp xử lý các điểm đen giao thông; có quy chế quản lý bến thủy nội địa. Sở Giao thông vận tải tăng cường hơn nữa công tác thông tin, đối ngoại của ngành đối với các bộ, ngành Trung ương để sớm hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh; làm tốt công tác quản lý hoạt động bến bãi trên địa bàn tỉnh nhất là địa bàn thành phố; tăng cường các giải pháp quản lý hành lang giao thông đường bộ.

Đối với Công an tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATG; công tác kiểm định phương tiện xe cơ giới; việc đào tạo, sát hạch lái xe, cấp, đổi, thu hồi giấy phép lái xe; tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về TTATGT đường bộ; điều tra giải quyết TNGT, khảo sát và kiến nghị xử lý “điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông” đường bộ, khắc phục ùn tắc giao thông đường bộ; công tác tổ chức cứu nạn, cứu hộ giao thông đường bộ.

Lan Phương