GÓC NHÌN: LỰA CHỌN NHÂN SỰ CẤP CHIẾN LƯỢC

19/03/2024

Công tác nhân sự của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là nhân sự cấp chiến lược (Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương) luôn được nhân dân quan tâm sâu sắc và đây là điều chính đáng bởi tầm quan trọng của công tác này đến vận mệnh đất nước. Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu bài viết "Lựa chọn nhân sự cấp chiến lược" của TS.Bùi Ngọc Thanh, Đại biểu Quốc hội khóa IX, X, XI – Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội về vấn đề này.

BÀN VỀ NHÂN SỰ SAO CHO ĐÚNG

GÓC NHÌN: NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CÁC ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP CẦN THÊM NHỮNG GIẢI PHÁP ĐỘT PHÁ

“Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIV của Đảng” là tựa đề bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng Tiểu ban Nhân sự của Đại hội tại phiên họp đầu tiên của Tiểu ban ngày 13/3/2024.

Là vấn đề nhân sự, mà lại là nhân sự cấp chiến lược (Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương) nên việc chuẩn bị và lựa chọn càng phải bám sát tiêu chuẩn của Đảng được xác định tại Quy định số 214-QĐ/TW ngày 02/01/2020 về Quy định khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Từ đây, trong bài phát biểu của mình, Tổng Bí thư yêu cầu, phải “Lấy phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, trình độ các mặt, uy tín và hiệu quả công tác làm căn cứ và tiêu chí cơ bản để đánh giá, lựa chọn... Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương khóa XIV phải thật sự là những đồng chí tiêu biểu của Đảng về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và năng lực công tác”. Lựa chọn được những nhân sự như thế sẽ bảo đảm được yêu cầu mà Tổng Bí thư đã xác định, “Ban Chấp hành Trung ương khóa XIV phải là một tập thể thật sự đoàn kết, trong sạch, vững mạnh, thống nhất cao ý chí và hành động, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức trong sáng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; có tầm nhìn chiến lược; có trí tuệ, tư duy đổi mới, sáng tạo; tiêu biểu cho toàn Đảng về tính chiến đấu, tính kỷ luật; gắn bó mật thiết với nhân dân, quy tụ được sự đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng, toàn dân; đủ uy tín, năng lực lãnh đạo đất nước trong giai đoạn phát triển mới”.     

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận phiên họp đầu tiên Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng, ngày 13/3/2024. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN   

Để lựa chọn được những nhân sự cụ thể, Tổng Bí thư đã chỉ rõ: Phải trên cơ sở quy hoạch; giữ vững nguyên tắc, quy chế, quy định, phát huy trách nhiệm, dân chủ, công khai, minh bạch, khách quan trong đánh giá, giới thiệu, lựa chọn nhân sự.

Để việc lựa chọn nhân sự đúng đắn, chính xác cao, phải bám nắm sâu sát 3 nhóm tiêu chuẩn mà Tổng Bí thư chỉ đạo ở phần 3 bài phát biểu (nội dung, phương pháp, cách thức tiến hành). Đó là: phẩm chất chính tri tư tưởng; đạo đức, lối sống; trí tuệ, tư duy chiến lược, trình độ, mức độ tín nhiệm.

Tiêu chuẩn này Quy định 214 đã chỉ rõ, “Tuyệt đối trung thành với lợi ích của Đảng, của quốc gia - dân tộc và nhân dân; kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đường lối đổi mới của Đảng”. Tiêu chuẩn chính trị tư tưởng có nhiều tiêu chí để xem xét đánh giá nhưng nội dung cơ bản là chấp hành nghiêm túc có hiệu quả đường lối, chính sách; lập trường vững vàng, kiên định; đặt lợi ích quốc gia - dân tộc, tập thể lên trên; tích cực nghiên cứu, tham gia đầy đủ sinh hoạt chính trị (học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng).

Trong quá trình xem xét, nếu ai đó có phát ngôn, có bài viết, có thái độ biểu hiện không tin vào chủ nghĩa Mác - Lênin, coi nhẹ tư tưởng Hồ Chí Minh thì ngay tức khắc phải đưa ra ngoài quy hoạch, thậm chí còn bị kỷ luật nặng. Nếu có hành vi thể hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” thì còn phải xem xét có còn đủ tư cách đảng viên nữa không (chưa nói đến tham gia nhân sự cấp nào).

Nhớ lại thời gian trước, sau khi Liên xô, các nước XHCN Đông Âu sụp đổ (1991), Đảng ta đã đấu tranh quyết liệt, không khoan nhượng đối với những ai phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin. Khi đó một số người đã nói và viết bằng những lời lẽ hàm hồ: Khoa học đã có bước tiến dài, do đó không có lý do gì để tin vào các học thuyết đã ra đời từ lâu, đã lùi vào dĩ vãng (ám chỉ học thuyết của Mác ra đời giữa thế kỷ XIX và học thuyết của Lênin phát triển học thuyết Mác đầu thế kỷ XX). Rồi họ lại “khuyên “, chúng ta phải suy nghĩ bằng chính cái đầu của mình, cái đầu của dân tộc mình, thời đại mình đang sống, chứ không phải suy nghĩ bằng cái đầu của người đã chết cách đây năm, sáu chục năm (ám chỉ Lênin), thậm chí những cái đầu đã chết hàng trăm năm (ám chỉ Mác, Ănghen)... Các nhà lý luận của Đảng ta đã trả lời rất đanh thép rằng: Tất cả các kiến thức đúng đắn của nhân loại, dù chúng được sáng tạo từ thời kỳ nào, thì loài người vẫn đang sử dụng cùng với những hiểu biết mới nhất của ngày hôm nay. Hình học Ơ clit có từ trước công nguyên mà nay vẫn được sử dụng cùng với các hình học phi Ơ clit khác. Không ai lại nói là phải vứt bỏ định luật Acsimet, định luật Niutơn chỉ vì các ông ấy khám phá ra nó đã quá lâu rồi. Lịch sử phát triển của tư duy, trí tuệ của loài người đã cho chúng ta thấy, có những cái đầu vĩ đại, cách xa chúng ta cả nghìn năm, mà tư tưởng của họ vẫn mãi mãi cổ vũ cho sự suy nghĩ của các thế hệ tiếp sau. Đồng thời lại cũng có những cái đầu đang sống nhưng tầm thường, sai lạc, không đóng góp được gì cho sự tiến bộ của xã hội. Tuyệt nhiên không có cái đầu nào đoạn tuyệt với quá khứ, với lịch sử phát triển của trí tuệ và bắt đầu từ số không (0) mà lại trở thành vĩ đại được cả...

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham dự phiên họp đầu tiên Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng, ngày 13/3/2024. 

Đảng ta đã rất nghiêm khắc, ngay từ Hội nghị Trung ương 8, khóa VI (tháng 3/1990), Hội nghị đã quyết nghị đưa ra khỏi Ban Chấp hành Trung ương, đưa ra khỏi Ban Bí thư, đưa ra khỏi Bộ Chính trị một lãnh đạo cấp cao vì đã kêu gọi đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, đi ngược lại chủ nghĩa Mác - Lênin. Nhắc lại vài sự kiện trên để thấy rằng, Chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng vô cùng quan trọng, là thước đo trình độ, tư duy chính trị của mỗi đảng viên, nếu vi phạm là lạc lối. Bởi vậy đối với cán bộ cấp chiến lược càng không thể chấp nhận được. Cũng vì thế, ngay từ năm 1925 khi viết phần đầu tác phẩm “Đường cách mệnh”, Bác đã khẳng định, phải  “Giữ chủ nghĩa cho vững”.

Tiêu chuẩn này tại điểm 1.2 mục I của Quy định 214 xác định, “Không tham nhũng, lãng phí, cơ hội, vụ lợi,...cửa quyền, trục lợi...”. Tiêu chuẩn này cũng có nhiều tiêu chí để đánh giá cán bộ, đảng viên mà nội dung cốt lõi là: Có lối sống trung thực, chân thành, trong sáng; đoàn kết, xây dựng, gương mẫu; không trục lợi, cũng không để người thân, người quen lợi dụng mình để trục lợi...

Chỉ vướng vào một tội là tham nhũng cũng đủ điều kiện để không đưa người đó vào diện quy hoạch, hoặc phế truất người đã được quy hoạch, người đang nắm giữ một chức vụ trong bộ máy công quyền, lại càng không thể cơ cấu vào Trung ương con người đó. Bởi vì, từ Đại hội giữa nhiệm kỳ khóa VII (tháng1-1994), Đảng ta đã chỉ rõ 4 nguy cơ, trong đó có nguy cơ tham nhũng, quan liêu, 12 năm sau (năm 2006), khi tổng kết 20 năm công cuộc đổi mới, Đảng ta đã nhận định, “Nguy cơ tham nhũng, quan liêu đã nổi lên như một mối đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ”. Đến Hội nghị Trung ương 4 khóa XII (tháng 10-2016), Đảng ta lại nhấn mạnh, “Tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào một số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước... làm giảm sút vai trò lãnh đạo của Đảng; làm tổn thương tình cảm và suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, là một nguy cơ trực tiếp đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ”. Và lần này Tổng Bí thư tiếp tục chỉ rõ, “bốn nguy cơ (tụt hậu xa hơn về kinh tế; chệch hướng xã hội chủ nghĩa; nạn tham nhũng và tệ quan liêu; “diễn biến hòa bình”) mà Đảng ta đã chỉ ra vẫn còn hiện hữu, có mặt gay gắt hơn”. Mắc vào tham nhũng - loại trọng tội thì cơ cấu vào cấp ủy sao được, càng không thể cơ cấu vào cấp chiến lược. Bởi vậy, cách xử lý của Đảng và Nhà nước ta như hiện nay là đúng đắn, nghiêm minh. Đó là, hễ phạm tội tham nhũng là phải xử lý, nếu nghiêm trọng là phải khởi tố, đưa ngay ra khỏi bộ máy quản lý, lãnh đạo, bất cứ người đó giữ chức vụ nào, cao đến đâu. Lúc này phải chú ý, cảnh giác do sự “khôn khéo” tài ngụy trang, khéo che giấu khuyết điểm của một số người nên người làm công tác nhân sự - “công tác con người” phải có “con mắt tinh đời”, “nhất cử, nhất động” là có thể hiểu được việc gì sẽ xẩy ra. Mặt khác, đang có hiện tượng “chống lưng”, “sân trước”, “sân sau”, “cánh hẩu”, “lợi ích nhóm”, vì vậy không chỉ ở cấp chiến lược, mà ngay ở cấp cơ sở, dù là tham nhũng “vặt” cũng không cơ cấu, lựa chọn nhân sự đó vào cấp ủy, vào bộ máy lãnh đạo, quản lý. Nếu tham nhũng lớn ở các bộ, ngành, tỉnh, thành làm cho nhà “giột từ nóc giột xuống” thì tham nhũng “vặt” ở doanh nghiệp, xã, phường làm cho nhà “bị ngập lụt, sụt lún từ nền móng trở lên” lại càng vô cùng nguy hiểm cho ngôi nhà... Nghĩa là, ở bất kỳ cấp nào, cứ vướng vào tham nhũng là phải gác lại, xử lý đã.

Công tác nhân sự của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là nhân sự cấp chiến lược (Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương) luôn được nhân dân quan tâm sâu sắc. 

Tiêu chuẩn này, Quy định 214-QĐ/TW nói rất gọn nhưng yêu cầu rất cao: Tốt nghiệp đại học trở lên; lý luận chính trị cử nhân hoặc cao cấp... Nhưng phải có tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược, phương pháp làm việc khoa học; nhạy bén chính trị; có năng lực cụ thể hóa và lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; có năng lực tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, phân tích và dự báo tốt... Đó chính là lăng kính phản ánh tư duy, tầm nhìn và trí tuệ.

Trong quy hoach, một “vị trí” thường được “chấm” 2 đến 3 “ứng viên” và được theo dõi hoạt động thực tiễn trong một thời gian nhất định để lựa chọn. Mỗi nhân sự được quy hoạch đều có dự kiến nắm giữ một chức danh nhất định. Một trong những đặc điểm của tất cả các chức danh là, ngoài tiêu chuẩn chung hầu như chức danh nào cũng có những tiêu chuẩn riêng. Ví dụ nhóm chức danh 2.15- Chức danh khối cơ quan Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước (trong Quy định 214), lấy chức danh Bộ trưởng và tương đương làm ví dụ. Ngoài các tiêu chuẩn chung, Bộ trưởng và tương đương còn có 7 tiêu chuẩn cụ thể sau: 1- Có trình độ cao và am hiểu sâu sắc về quản lý nhà nước. 2- nắm chắc pháp luật Việt Nam, pháp luật và thông lệ quốc tế. 3- Có năng lực cụ thể hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước để hoạch định phương hướng, chính sách phát triển ngành, lĩnh vực được phân công và chỉ đạo thực hiện có hiệu quả. 4- Có năng lực phối hợp giữa các bộ, ban, ngành và giữa Trung ương với địa phương, tạo sự đồng bộ trong thực hiện chính sách chung của Đảng, Nhà nước. 5- Có kinh nghiệm lãnh đạo, điều hành và quyết đoán, quyết liệt, kịp thời quyết định những vấn đề khó, phức tạp thuộc ngành, lĩnh vực phụ trách. 6- Không bị chi phối bởi lợi ích nhóm. 7- Đã kinh qua và thực hiện tốt nhiệm vụ ở chức vụ lãnh đạo, quản lý cấp thứ trưởng hoặc Phó Trưởng ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương hoặc lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh.

Chức danh Bộ trưởng và tương đương có nhiều tiêu chuẩn cụ thể như vậy, nên người làm công tác nhân sự cần theo dõi thật sát sao “thầm lặng” (có thể cho điểm hoặc xếp loại a, b, c... cho mỗi tiêu chuẩn để so sánh), và thật sự công tâm trong đánh giá là có thể biết được ai nổi trội hơn ai, và ai đúng với chuyên môn đã được đào tạo (tương tự như chấm điểm thi đua). Đương nhiên, đây cũng không phải là phương pháp đơn giản, một chiều. Do chúng ta áp dụng mô hình tổ chức bộ đa ngành nên số ngành, lĩnh vực của mỗi bộ nhiều, ít có khác nhau (có bộ chỉ 3 hoặc 4 lĩnh vực, có bộ có đến cả chục lĩnh vực). Do vậy khối lượng công việc của mỗi bộ cũng rất khác nhau. Mặt khác, độ khó, độ phức tạp của mỗi ngành, mỗi lĩnh vực cũng khá chênh lệch nhau. Từ đó để bảo đảm sự công bằng, trong đánh giá phải tính đến các hệ số, ít nhất là 2 loại hệ số, đó là hệ số khối lượng công việc và hệ số về độ khó, độ phức tạp của công việc. Trên cơ sở theo dõi thường xuyên, sát sao, cho điểm, hoặc xếp loại, người làm công tác nhân sự sẽ có được bản tổng hợp để so sánh, phục vụ cho việc lựa chọn và còn có thể phục vụ cho việc sắp xếp, bố trí sau này. Chính vì lẽ này, Tổng Bí thư đã lưu ý, “trong quá trình lựa chọn, bố trí, sắp xếp nhân sự cụ thể, cần thống nhất quan điểm là không quá cầu toàn, không quá tuyệt đối hóa”.

Tiếp theo là đánh giá mức độ tín nhiệm (uy tín): Một trong những đặc điểm của việc lựa chọn nhân sự ở cấp chiến lược là, các nhân sự đã nắm giữ những chức vụ nhất định, nhưng họ không cùng một tổ chức, một đơn vị, một địa phương, mà họ ở các cơ quan trung ương, các bộ, ban, ngành, các đơn vị lực lượng vũ trang và ở 63 tỉnh, thành trong cả nước. Tìm cho được những con người thực sự tiêu biểu nhất trong không gian rộng lớn như vậy không phải dễ dàng. Do đó song song với các phương pháp loại trừ theo tiêu chuẩn, phương pháp so sánh tìm người nổi trội hơn và để cho trọn vẹn thì phải tiến hành cả phương pháp xem xét mức độ tín nhiệm (uy tín) của nhân sự ở cơ quan, đơn vị, địa phương nữa.

Nói đến con người ở cấp chiến lược không thể không đặt yêu cầu, họ phải là người có uy tín cao, vì họ sẽ trở thành người lãnh đạo cấp chiến lược. Uy tín, đó là sự tín nhiệm, sự kính trọng của tập thể anh chị em trong cơ quan, trong đơn vị và sự tin tưởng của nhân dân nơi gia đình nhân sự đó sinh sống. Từ sự kính trọng, mến mộ mà cán bộ dưới quyền tuân thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thủ trưởng, rồi làm việc với tinh thần trách nhiệm hơn, có hiệu quả rõ rệt; còn nhân dân sở tại thì hưởng ứng, ngưỡng mộ, ủng hộ. Bởi vậy, khoa học quản lý đã chỉ ra rằng, kết quả công việc của một nhà lãnh đạo, quản lý không hoàn toàn phụ thuộc vào quyền lực mà còn phụ thuộc với mức độ cao vào uy tín của người lãnh đạo, quản lý. Tuy nhiên, uy tín nói ở đây phải là uy tín thật sự chứ không phải uy tín giả tạo. Xem xét người có uy tín thực sự với người có uy tín giả tạo lại cũng không phải chuyện đơn giản. Hai thứ uy tín có bản chất hoàn toàn khác nhau. Người lãnh đạo có uy tín thật sự thì hành vi của họ luôn luôn lan tỏa, có tác động tốt đến cán bộ dưới quyền; lời nói của họ có tính thuyết phục cao, đôi khi có thể thay thế cho cả một cuộc họp... Người sử dụng uy tín giả tạo rất say mê quyền hành làm cho một số cán bộ dưới quyền nem nép sợ hãi dẫu biết rằng mình không có tội lỗi gì...Nếu không tĩnh táo, không có “con mắt tinh đời” thì dễ bị mắc “quả lừa” mà Tổng Bí thư đã nói “nhìn gà hóa cuốc”. Vấn đề là phải nhận biết uy tín giả tạo và loại ra cho được nhân sự đã tạo ra uy tín giả tạo. Có thể để ý đến mấy tình huống sau: Lâu nay chưa bao giờ thấy Thủ trưởng “bén mảng” đến một đơn vị nào, nay bổng thấy hầu như tất các ban, phòng, cục, vụ, viện... Thủ trưởng đều lần lượt đến thăm, hỏi han từng người (nhưng hầu hết không nhớ tên ai) năm câu, ba điều rất “xởi lởi” theo một “công thức” sức khỏe, gia đình, con cái và bố mẹ... Rồi sắp đến ngày lễ, xin tặng đơn vị chút quà nhỏ trong phong bao này... Cán bộ trong cơ quan được dịp bàn luận, đàm tiếu, dạo này Sếp vui vẻ, hào phóng thế! Nhưng rồi cũng có người nhớ ra, mấy hôm nữa lấy phiếu tín nhiệm mà. Tương tự như thế, lâu nay Thủ trưởng không sinh hoạt “hai chiều”, nay bổng dưng đến tổ dân phố tặng tổ chút kinh phí giảm nghèo bền vững và có quà cho các cháu học sinh giỏi! Lại có Sếp tập trung tất cả lãnh đạo các cấp trong cơ quan, đơn vị lại, thông báo rằng, mỗi người tự đánh giá và đánh giá lẫn nhau để phục vụ cho việc sắp xếp lại các vị trí trong bộ máy cơ quan, lần này có cả cất nhắc, đề bạt và có cả thuyên chuyển... Lãnh đạo các đơn vị được một phen suy ngẫm mông lung. Có người sợ Sếp một phép, nhưng cũng có người có hy vọng tràn trề. Đương nhiên là đã xuất hiện suy nghĩ phải làm sao cho Sếp vừa lòng... Lại có Sếp ở địa phương tạo ra và tổ chức các sự kiện; mời đài, báo dự, đưa tin rầm rộ, diễn văn của Sếp rất kêu, túi “tài liệu” rất nặng và có giá trị...

Xin thưa, đó là những động tác giả “không hơn, không kém” của những kẻ cơ hội, say mê quyền hành; thường ngày ít rèn luyện đạo đức, phẩm chất; kém phấn đấu trong thực thi nhiệm vụ chính trị. Chỉ đến khi “cạnh tranh” vào vị trí lãnh đạo cao hơn mới giở thủ đoạn “cà xổi” hòng che mắt thiên hạ, làm hoa mắt “nhà chức trách”. Đúng như Bác kính yêu đã dạy, “Phải sáng suốt, mới khỏi bị bọn vu vơ bao vây, mà cách xa cán bộ tốt”.

 Lựa chọn người vào cấp chiến lược là phải đào thải cho được những kẻ tạo ra uy tín giả tạo. Nếu bỏ lọt, họ lại tiếp tục tạo ra uy tín giả tạo với cấp độ cao hơn. Bởi vì, có được uy tín giả tạo bao giờ cũng dễ dàng hơn là có uy tín thật sự, vì ít phải phấn đấu nghiêm khắc với bản thân, mà có được “chút vốn quyền lực” thì say mê và lợi dụng mãi. Lãnh đạo cấp cao mà sử dụng uy tín giả tạo thi đất nước, nhân dân chẳng được chút lợi ích gì, mà còn làm cho bộ máy nhà nước trục trặc, cũ rệu, hỏng hóc và đổ vỡ.

Lựa chọn nhân sự cấp chiến lược theo đúng Quy định 214-QĐ/TW và sự chỉ đạo cụ thể của Bộ Chính trị, đứng đầu là Tổng Bí thư thì chắc chắn sẽ có được một Ban Chấp hành, một cấp ủy khóa mới như yêu cầu đã đặt ra của Tiểu ban nhân sự Đại hội XIV tại phiên họp thứ nhất.

       

TS.Bùi Ngọc Thanh

Đại biểu Quốc hội khóa IX, X, XI

Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội