Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thị Sửu phát biểu tại hội nghị
Phát biểu tại hội nghị, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thị Sửu nhấn mạnh, Dự thảo sửa đổi, bổ sung 8 luật lần này có ý nghĩa hết sức đặc biệt nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách và quy trình, thủ tục để thúc đẩy đầu tư, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý. Cụ thể hóa chủ trương đã được đề ra tại các Văn kiện của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội.
Do đó, tại hội nghị này đề nghị các sở, ngành tập trung cho ý kiến các điều khoản trong dự thảo, những tồn tại, hạn chế hiện nay của tỉnh nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn, thúc đẩy phục hồi kinh tế. Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ xem xét và có ý kiến chính thức tại nghị trường trong kỳ họp bất thường lần thứ nhất của Quốc hội khóa XV.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung góp ý những nội dung còn khó khăn, vướng mắc của các luật. Các đại biểu đề nghị giảm quy trình, thủ tục đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để đảm bảo tiến độ thực hiện giải ngân các chương trình, dự án sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài; sửa đổi quy định để giải quyết được vướng mắc trong bố trí vốn công tác đền bù, giải phóng mặt bằng nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công…
Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thị Sửu cho rằng, dự thảo Luật chỉ sửa đổi, bổ sung những nội dung có tính cấp bách, đang thực sự gây khó khăn, vướng mắc trên thực tế và những nội dung đã rõ, đã được thực tế kiểm nghiệm, đánh giá tác động đầy đủ; không sửa đổi những nội dung chưa được nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng. Những nội dung còn có ý kiến khác nhau, chưa đạt sự đồng thuận cao thì cần tiếp tục rà soát, tổng kết thực tiễn; các quy định có tính chất độc lập tương đối để không dẫn đến phải sửa đổi, bổ sung các nội dung liên quan trong các luật khác; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật...