ĐOÀN ĐBQH TỈNH ĐẮK LẮK: CHÍNH SÁCH TÀI KHÓA, TIỀN TỆ CẦN TRIỂN KHAI ĐỒNG BỘ

04/01/2022

Sau khi theo dõi Tờ trình của 3 dự thảo nghị quyết và 1 dự án luật trình tại Kỳ họp bất thường của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk cơ bản thống nhất và đánh giá cao các dự thảo đã kịp thời đưa ra nội dung quan trọng, cấp bách cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó đáng chú ý là dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

 

Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk Lê Thị Thanh Xuân phát biểu thảo luận.

Đại biểu Lê Thị Thanh Xuân, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk thống nhất và đánh giá cao sự cần thiết của Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội mà Chính phủ đã đưa ra ở thời điểm này. Tuy nhiên, Đại biểu Lê Thị Thanh Xuân bày tỏ băn khoăn về các số liệu thống kê đưa ra đã xác thực và phù hợp chưa. Tán thành với  quy mô tổng thể của chính sách tài khoá song đại biểu cũng đề nghị Chính phủ cần bổ sung, tính toán lại các số liệu để làm rõ được tổng quy mô mà các chính sách hỗ trợ, trên cơ sở đó phải có những đánh giá tác động cụ thể, nhiều chiều của chính sách này đối với các đối tượng sẽ thực hiện hỗ trợ. Liên quan đến tăng trưởng kinh tế, cân đối vĩ mô cũng như lạm phát và nợ xấu sẽ bị ảnh hưởng như thế nào bởi chính sách này cũng phải có sự đánh giá sâu sắc nhiều mới có thể đảm bảo tính cân đối của ngành kinh tế trong ngắn hạn và dài hạn.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt phát biểu thảo luận.

Về thời gian thực hiện các chính sách, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk cho rằng, khi đề ra hàng loạt chính sách này mà thời gian thực hiện chỉ trong 2 năm, một khoảng thời gian khá ngắn thì giải pháp thực hiện hiệu quả cần được nêu thật cụ thể. Việc thực hiện chính sách để đảm bảo hiệu quả, đạt được mục tiêu đề ra thì Chính phủ phải có nghiên cứu lộ trình triển khai như thế nào, cần xác định thứ tự ưu tiên để triển khai chính sách. Chính sách và nhóm giải pháp thì rất nhiều, liên quan nhiều lĩnh vực về kinh tế xã hội của đất nước, Chính phủ cần nhìn rõ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện để có giải pháp ứng phó phù hợp. 

Ngoài ra, liên quan đến vấn đề hỗ trợ trực tiếp cho công tác phòng chống dịch từ ngân sách Nhà nước, trong đó có việc đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp hiện đại hóa hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng, trung tâm kiểm soát bệnh tật vùng, bệnh viện cấp Trung ương, các đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk đề nghị Chính phủ cần cần chú trọng đến công tác đào tạo, bồi dưỡng để đủ nguồn lực tại địa phương./.

Djuang Niê - Nguyễn Hiệp