CẦN QUAN TÂM KHOANH NỢ, GIÃN NỢ CHO CÁC DN, HTX, HỘ KINH DOANH BỊ ẢNH HƯỞNG BỞI ĐẠI DỊCH COVID-19

04/01/2022

Đây là ý kiến của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định Lê Kim Toàn khi tham gia thảo luận ở tổ về Dự thảo Nghị quyết chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH, trong khuôn khổ chương trình kỳ họp bất thường lần thứ nhất Quốc hội khóa XV, diễn ra vào chiều 4.1.


Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định Lê Kim Toàn (người đứng) phát biểu thảo luận tổ. Ảnh: N. HÂN

Tham gia thảo luận tại tổ, các ĐBQH thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định đều cho rằng, 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện trong năm 2022 - 2023 mà Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ đề ra (mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh; bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm; hỗ trợ phục hồi DN, HTX, hộ kinh doanh; phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển; cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh) là rất phù hợp.

Các giải pháp, chính sách triển khai sẽ đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn trung và dài hạn; bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, người lao động; không để lỡ nhịp với đà phục hồi kinh tế của khu vực và thế giới.

Tham gia phát biểu thảo luận tại tổ, đại biểu Lê Kim Toàn đề xuất, kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cần có cơ chế phân loại, giảm trừ thuế, phí cho các DN, HTX, hộ kinh doanh phù hợp với mức độ ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. “Cần phân ra 2 nhóm đối tượng để hỗ trợ gồm các DN, HTX, hộ sản xuất, kinh doanh vay vốn trước năm 2020 thì thực hiện giãn nợ; các DN vay vốn năm 2021 thì khoanh nợ, không tính lãi phát sinh và không phạt tiền trả chậm. Vì thực chất, một bộ phận các DN, HTX, hộ kinh doanh vay vốn nhưng không tạo ra lợi nhuận, giờ thêm lãi suất vay nữa thì rất khó khăn”, đại biểu Lê Kim Toàn nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, các ĐBQH thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần tính đến khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, tránh lạm phát tăng cao; nghiên cứu mở rộng việc áp dụng các chính sách đặc thù cho các dự án trọng điểm mang tính kết nối liên vùng, mang tính địa phương nhưng tạo được cú hích trong phát triển KT-XH; quan tâm đầu tư hơn đối với hệ thống y tế tuyến cơ sở, cả về cơ sở vật chất và nhân lực để đảm bảo đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân, nhất là trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 đang còn diễn biến phức tạp.

(Theo Báo điện tử Bình Định)