TỔ 1 ĐOÀN ĐBQH TP.HÀ NỘI: CHÍNH PHỦ ĐIỀU HÀNH LINH HOẠT, KHOA HỌC, ĐẠT ĐƯỢC KẾT QUẢ TOÀN DIỆN

22/10/2022

Sáng ngày 22/10, tiếp tục Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ. Thảo luận tại Tổ 1 (Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội), nhiều ý kiến thống nhất cao các báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế xã hội, dự toán thu chi ngân sách nhà nước; đồng thời phân tích những vướng mắc, tồn tại và gợi mở một số giải pháp cần tập trung triển khai trong thời gian tới.

 

Chính phủ điều hành linh hoạt, khoa học, đạt được kết quả toàn diện.

3 nội dung thảo luận tại tổ, gồm: Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; Tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023 (trong đó có Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm 2023-2025, tình hình thực hiện kế hoạch tài chính năm 2022, dự kiến kế hoạch tài chính năm 2023 của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do trung ương quản lý); Việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.

Thống nhất cao với báo cáo do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình bày tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 4, đa số đại biểu thuộc Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội cho rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đồng hành của Quốc hội, sự điều hành linh hoạt, chủ động của Chính phủ, kinh tế xã hội của đất nước từ đầu năm đến nay đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đó là thành công về chống dịch, thành công về phục hồi kinh tế - xã hội, thành công trong việc đảm bảo ổn định kinh tế đất nước.

Toàn cảnh phiên thảo luận tổ 1, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội.

Chính phủ đã tập trung chỉ đạo triển khai các giải pháp trọng tâm, trọng điểm, đạt được kết quả khá toàn diện thể hiện 8 nhóm kết quả quan trọng, trong đó có công tác phòng chống dịch, thực hiện ba đột phá chiến lược, xác lập trạng thái binh thường mới, đảm bảo phát triển lâu dài và ổn định xã hội.

Đại biểu đánh giá cao cùng với việc tập trung các giải pháp ngắn hạn, trung hạn, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã triển khai các giải pháp dài hạn, đảm bảo phát triển bền vững. Điển hình như các cam kết tại Hội nghị COP26, thành lập ban chỉ đạo quốc gia, hoàn thiện thể chế ứng phó với biến đổi khí hậu,..

Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí, có được thành công này do Chính phủ đã điều hành linh hoạt, khoa học, nhất là công tác chống dịch, kết quả này đã được thế giới công nhận, Nhân dân ghi nhận và đánh giá cao. Thành công này cũng nhờ Chính phủ đã nắm được thời cơ trong bối cảnh thế giới đầy biến động; đồng thời kiên định khôn khéo, mềm dẻo trong chính sách đổi ngoại, kiên định độc lập dân tộc, giữ gìn chủ quyền đất nước.

Tiếp tục tháo gỡ các “nút thắt” của nền kinh tế.

Các ý kiến tại Đoàn Đại biểu Quốc hội cũng nêu một số tồn tại, vướng mắc của nền kinh tế cần được tiếp tục nghiên cứu để đề ra nhiệm vụ, giải pháp mang tính đột phá trong thời gian tới.

Đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội đánh giá cao Chính phủ đã có nhiều giải pháp hữu hiệu ổn định  kinh tế vĩ mô, tuy nhiên đại biểu lo ngại tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, giải ngân gói hỗ trợ phục hồi kinh tế, giải ngân vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm. Đây là những "nút thắt" của nền kinh tế cần sớm được tháo gỡ. Đại biểu Hoàng Văn Cường phân tích, bên cạnh nguyên nhân "truyền thống” là tiến độ giải phóng mặt bằng chậm, phải kể đến nguyên nhân chủ quan là thể chế, pháp luật vẫn chưa được tháo gỡ. Đại biểu kiến nghị thay đổi cơ chế, phương thức đầu tư công bằng cách đặt hàng thay vì thực hiện như cách thức đã triển khai trong thời gian qua sẽ tạo bước đột phá trong giải ngân vốn đầu tư công.

Đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội đề nghị tháo gỡ các "nút thắt" của nền kinh tế.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội đánh giá cao kết quả kinh tế - xã hội của đất nước từ đầu năm đến nay, tuy nhiên đại biểu băn khoăn về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công - căn bệnh trầm kha đang là một trong những rào cản làm chậm quá trình phát triển của đất nước (tính đến thời điểm này, mới giải ngân 46,7% kế hoạch đầu tư công, giải ngân vốn đầu tư nước ngoài chỉ đạt 19%).

Đại biểu khẳng định, việc giải ngân vốn đầu tư công trong đó có vốn vay nước ngoài liên quan trực tiếp đến an sinh xã hội, cơ sở hạ tầng, thu nhập của người lao động, vì vậy cần có nhiều giải pháp hữu hiệu hơn nữa, trong đó chú ý đến năng lực, trách nhiệm của cán bộ thực hiện và đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tạo nguồn đất sạch sớm triển khai dự án.

Đánh giá về dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, nhiều đại biểu cũng khẳng định, không nên quá lạc quan, bởi nền kinh tế đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức và có nhiều nguy cơ đang hiện hữu và trở nên ngày càng rõ ràng. Đó là rủi ro về thị trường chứng khoán, bất động sản, tỷ lệ nợ xấu gia tăng, kim ngạch xuất nhập khẩu chưa bền vững, hàm lượng chất xám trong xuất khẩu chưa đạt được kỳ vọng, kim ngạch xuất khẩu ngành nông nghiệp cao nhưng đời sống, thu nhập của người nông dân chưa được nâng lên rõ nét, năng suất lao động thấp, cơ cấu chuyển dịch lao động chậm… Đây là những vấn đề Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu, đề ra các giải pháp hiệu quả hơn.

Đại biểu Bùi Hoài Sơn, Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội phát biểu tại phiên thảo luận.

Đối với các vấn đề y tế, giáo dục, đào tạo, an sinh xã hội cũng được đại biểu góp ý sôi nổi tại phiên thảo luận tổ. Đại biểu Nguyễn Anh Trí chia sẻ với những khó khăn khiến ngành y tế đang “chao đảo”, "nghiêng ngửa" bởi tình trạng cán bộ y tế bỏ nghề, tình trạng thiếu thuốc men, sinh phẩm, máy móc thiết bị y tế bị đắp chiếu đang diễn ra ở nhiều cơ sở y tế. Bên cạnh đó là những vướng mắc về thanh toán bảo hiểm y tế, tự chủ tài chính, đấu thầu mua sắm, cấp chứng chỉ hành nghề… rất cần sự tập trung cao độ của Chính phủ giải quyết vấn đề này, nhất là trong giai đoạn trình Quốc hội sửa đổi nhiều văn bản luật liên quan đến y tế, bởi y tế là một trong những trụ cột của an sinh xã hội.

Một số đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục dành sự quan tâm nhiều hơn nữa đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Trong đó, hỗ trợ thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, giải quyết tình trạng thiếu lao động trong ngành nông nghiệp. Bởi hiện tại các khu vực nông thông, lao động chủ yếu là người già, người quá tuổi lao động, thanh niên không mấy mặn mà tham gia vào khu vực này.

Đối với lĩnh vực giáo dục, đào tạo, đại biểu Nguyễn Thị Lan đánh giá cao tại buổi làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thủ tướng Chính phủ đã truyền tải thông điệp quan trọng “học thật, thi thật, nhân tài thật”. Đại biểu đề nghị Chính phủ dành nguồn lực thích đáng hơn nữa, đặc biệt đối với giáo dục đại học, bởi giáo dục đại học là cái nôi cho sự đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp mạnh mẽ. Đại biểu nêu thực tế thời gian qua đầu tư cho giáo dục mới chỉ tập trung vào khối phổ thông, trong khi đầu tư cho giáo dục đại học chỉ đạt 0,33% GDP, thấp hơn rất nhiều so với bình quân của khu vực và trên thế giới.

Quan tâm đến lĩnh vực văn hóa, đại biểu Bùi Hoài Sơn, Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội đánh giá cao Chính phủ thời gian qua đã quan tâm nhiều hơn đến lĩnh vực văn hóa và dành nội dung thích hợp trong báo cáo trình tại Kỳ họp. Đại biểu nhấn mạnh, bên cạnh đầu tư đổi mới trong lĩnh vực kinh tế cũng cần đầu tư cho lĩnh vực văn hóa để biến văn hóa thành sức mạnh nội sinh của dân tộc. Đại biểu bày tỏ lo lắng về nhiều vấn đề nhức nhối trong lĩnh vực này cần sự chung tay của các cấp, các ngành, địa phương, không riêng của ngành Văn hóa. Bên cạnh đó, đại biểu nêu thực tế ngôn ngữ Tiếng Việt đang trải qua giai đoạn biến đổi ở mức nguy hiểm, có tình trạng lai căng, lệch chuẩn, sính ngoại, đây là biểu hiện, là nguyên nhân của sự xuống cấp văn hóa, đạo đức xã hội, vì vậy cần có giải pháp quyết liệt hơn nữa giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt./.

Lan Hương - Phạm Thắng

(Cổng TTĐT)