QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ MỘT SỐ NỘI DUNG CÒN Ý KIẾN KHÁC NHAU CỦA DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT TẦN SỐ VÔ TUYẾN ĐIỆN
Toàn cảnh phiên họp tại Tổ 04
Tổ 04 gồm các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu, Hải Dương, Quảng Ngãi, Bạc Liêu.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu đồng quan điểm cho rằng Việt Nam là quốc gia duy nhất ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và là một trong 4 quốc gia trên thế giới được nâng hạng tín nhiệm kể từ đầu năm đến nay. Chúng ta cũng đã đạt được một số chỉ tiêu như: có 14/15 chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội đạt và vượt mục tiêu, tăng trưởng GDP cả năm ước khoảng 8%, vượt mức chỉ tiêu phấn đấu và đạt chỉ tiêu theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội… Có thể nói, đây là những kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang gặp nhiều khó khăn, thách thức lớn hơn so với dự báo.
Tuy nhiên, một số đại biểu cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, chất lượng nền kinh tế còn hạn chế, sự tăng trưởng còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố vốn và lao động, do đó nếu có biến động ở hai yếu tố này thì nền kinh tế sẽ không đảm bảo tính ổn định. Đồng thời, việc hoàn thành chỉ tiêu tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế là thách thức lớn, đồng thời là nhiệm vụ cấp bách cần quan tâm; Giải ngân đầu tư công vẫn là điểm nghẽn chưa được giải quyết hiệu quả, đến hết tháng 9 năm 2022 mới chỉ đạt 46,7%.
Quan tâm đến một số nội dung của nền kinh tế vĩ mô, đại biểu Nguyễn Hữu Toàn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và ngân sách- Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu đánh giá, nền kinh tế nước ta đã vượt qua những khó khăn đạt được những chỉ tiêu đáng biểu dương. Từng bước qua các Quý, sự tăng trưởng kinh tế đạt mức cao hơn dần. Tuy nhiên trong điều kiện hiện nay, thách thức đặt ra tương đối lớn các vấn đề giá cả, lạm phát đang diễn biến phức tạp do đó nền kinh tế nước ta sẽ bị tác động. Vì vậy, vẫn cần tính toán để có giải pháp đảm bảo tính khả thi hơn nữa.
Bày tỏ băn khoăn về vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách nêu rõ, có tới 39 bộ, cơ quan trung ương và 22 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức trung bình, trong đó có 14 bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân dưới 20%. Như vậy là tốc độ giải ngân quá chậm. Qua giám sát có một số địa phương cam kết trong năm tới tốc độ giải ngân cao nhất sẽ đạt khoảng 85%. Từ thực tế này, đề nghị Chính phủ có nhiều giải pháp mạnh mẽ để tháo gỡ điểm nghẽn.
Đối với 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn cho rằng đây là chương trình có đối tượng rộng, đã qua 2 năm triển khai, tuy nhiên đến giờ phút này mới giải ngân được khoảng 2,86%. Như vậy là tốc độ giải ngân rất chậm. Do đó, đặt ra trách nhiệm rất lớn của Chính phủ và các địa phương trong năm 2023 để có sự chuyển biến rõ nét.
Tham gia thảo luận tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn- Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương đánh giá cơ cấu thu ngân sách chưa ổn định, thu từ ba khu vực sản xuất kinh doanh đạt 29,6%, nguồn thu này ảnh hưởng lớn đến các địa phương trong quá trình phát triển kinh tế. Đề nghị Chính phủ đánh giá rõ hơn cơ cấu thu ngân sách; xem xét nghiên cứu tỷ lệ thu từ đất, thuế để đánh giá năng lực của các địa phương.
Đồng thời, theo đại biểu, tiến độ giải ngân chi đầu tư phát triển chậm vẫn là điểm nghẽn chưa được giải quyết. Điểm nghẽn đầu tư công tác động tiêu cực đến việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng kinh tế, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư. Do đó, cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp cụ thể, hiệu quả hơn nữa để nhanh chóng giải quyết tình trạng này, khơi thông nguồn lực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; cần đánh giá rõ nguyên nhân, việc sử dụng chi đầu tư phát triển hạ tầng chưa tốt thì nguyên nhân từ đâu, trách nhiệm thuộc về ai? Bên cạnh đó, việc chi cho các mục tiêu phát triển khoa học công nghệ vẫn còn vướng mắc nhiều, việc sử dụng quỹ khoa học ở doanh nghiệp hay chi khoa học công nghệ ở cấp tỉnh vẫn còn nhiều tồn tại, cần phải đánh giá rõ.
Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp
Cho ý kiến tại phiên họp, Thượng tướng Trần Quang Phương- Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, đối với 3 Chương tình mục tiêu quốc gia, đề nghị Chính phủ tính toán lại cơ chế điều phối, cách kết hợp, lồng ghép linh hoạt để đảm bảo các Chương trình sớm đi vào cuộc sống và có hiệu quả. Việc chậm ban hành các văn bản quy định, hướng dẫn và chậm phân bổ vốn cho các Chương trình khiến cho các địa phương lúng túng, đã tác động đến việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng, giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, ảnh hưởng lớn đến mục tiêu xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ người dân, người nghèo, người yếu thế, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Về vấn đề công chức nghỉ việc/chuyển việc, tổ chức biên chế, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, đây là vấn đề cử tri và dư luận quan tâm. Tới đây trong phiên chất vấn, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội chuẩn bị nhiều câu hỏi sắc sảo để làm rõ một số vấn đề như chính sách thu hút, chế độ, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, nghiên cứu triển khai, thực hiện một số giải pháp.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu
Tham gia thảo luận, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường bày tỏ tán thành cao với báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Thông tin thêm tại phiên họp Tổ, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, Tổng Thư ký Liên Hợp quốc đánh giá cao quá trình phát triển kinh tế- xã hội của Việt Nam, ghi nhận Quốc hội đã có nhiều sáng kiến để đồng hành cùng với Chính phủ, chủ động cùng với Chính phủ triển khai các hoạt động phục hồi và phát triển kinh tế.
Liên quan đến Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Tp.Hồ Chí Minh, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường do yếu tố ảnh hưởng của dịch bệnh, do đó thành phố đề xuất xin kéo dài thời gian thực hiện thí điểm cơ chế này. Tuy nhiên, cần đánh giá rõ những kết quả đạt được và phân tích những tồn tại hạn chế để từ đó rút ra được những bài học kinh nghiệm trong thực tiễn triển khai.
Ngoài ra, tại phiên họp, một số ý kiến đại biểu chỉ ra rằng, qua thực tiễn giám sát ở địa phương và phản ánh của cử tri thì tình trạng thiếu thuốc, thiết bị y tế xảy ra tại bệnh viện công ở nhiều địa phương, ảnh hưởng lớn tới công tác khám bệnh, chữa bệnh; tình trạng công chức trong ngành y tế và giáo dục xin nghỉ việc tương đối nhiều; công tác bảo vệ rừng vẫn còn nhiều hạn chế…Do đó đề nghị Chính phủ và các Bộ, ngành quan tâm và có giải pháp khắc phục tình trạng trên.