THẢO LUẬN TỔ 12: TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI 9 THÁNG ĐẦU NĂM 2022 LÀ MINH CHỨNG RÕ RÀNG VỀ HIỆU QUẢ CỦA CÁC CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH ĐÃ BAN HÀNH

22/10/2022

Sáng 22/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, thảo luận tại tổ 12 về tình hìnhKT-XH và NSNN, phấn khởi trước những kết quả tích cực trong tăng trưởng kinh tế, ổn định xã hội, các đại biểu cho rằng kết quả kết quả đã cho thấy các cơ chế, chính sách nhằm kiểm soát dịch bệnh, phục hồi và phát triển kinh tế đã phát huy hiệu quả, nhất là Nghị quyết 43/2022/QH15.

 

Toàn cảnh phiên thảo luận tại Tổ 12 gồm Đoàn đại biểu Quốc hội Tp.Hải Phòng, An Giang và Bình Dương

Tổ 12 gồm các Đoàn đại biểu Quốc hội Tp.Hải Phòng, An Giang và Bình Dương)

Thảo luận tại họp Tổ, các đại biểu đều nhất trí với báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Các đại biểu bày tỏ phấn khởi trước những kết quả tích cực trong tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô…Sau hai năm chịu tác động nặng nề của đại dịch COVID-19 nhưng với quyết sách đúng đắn kịp thời, quyết tâm của toàn hệ thống chính trị, kinh tế đất nước đã có sự tăng tốc, tăng trưởng đạt cao hơn kì vọng.

Nêu rõ, nếu như ban đầu, dự báo tăng trưởng của năm 2022 sẽ ở mức 6%-6,5% nhưng 9 tháng đầu năm tăng trưởng đã đạt hơn 8%, đại biểu Nguyễn Quang Huân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương cho rằng, kết quả này đã cho thấy Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã phát huy hiệu quả vì mục tiêu kì vọng khi ban hành gói chính sách này là nhằm hỗ trợ tăng trưởng thêm từ 1,5%-2%.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng chỉ rõ còn một số nội dung trong Nghị quyết 43/2022/QH15 chưa được như kì vọng, chậm triển khai như gói hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp. Đại biểu Nguyễn Quang Huân cho biết đây là nội dung được các doanh nghiệp hết sức mong chờ, nếu việc giải ngân hiệu quả thì tăng trưởng có thể đạt cao hơn nữa. Đại biểu đề nghị cần có phân tích rõ nguyên nhân của việc chậm triển khai, triển khai không hiệu quả gói chính sách này.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương

Có cùng quan tâm đến giải pháp hỗ trợ hoạt động của doanh nghiệp, đại biểu Lã Thanh Tân – Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng cho rằng dù kinh tế phát triển tốt nhưng hiện doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều áp lực như về gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu dẫn đến nguyên liệu đầu vào, chi phí sản xuất tăng cao. Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ tạo điều kiện cho việc cơ cấu lại nợ, giãn, hoãn, miễn, giảm thuế, lệ phí, gia hạn thời gian nộp tiền thuê đất để doanh nghiệp có điều kiện dần phục hồi. Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị nghiên cứu chính sách để thúc đẩy, hỗ trợ các địa phương trong vùng hình thành cụm, ngành liên kết chuỗi giá trị công nghiệp.

Đồng thuận rất cao với những báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra, đại biểu Chau Chắc - Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang nêu rõ, trước những khó khăn, tác động của tình hình thế giới, xung đột Nga và Ukraine, dịch bệnh…nhưng với sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý nhà nước, sự đoàn kết, thống nhất của toàn dân, tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2022 đạt kết quả rất tốt. Kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, tốc độ tăng trưởng khá, các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại đạt kết quả tốt…được cử tri và Nhân dân cả nước đánh giá rất cao.

Tuy nhiên đại biểu Chau Chắc cũng đề nghị quan tâm một số vấn đề nổi lên như vấn đề giá cả vật tư nông nghiệp tăng cao, giá nông sản bấp bênh, không đảm bảo khiến đời sống người nông dân gặp rất nhiều khó khăn. Vấn đề ma túy ngày càng trẻ hóa, thậm chí còn “len lỏi” trong học sinh, sinh viên; vấn đề định hướng học nghề gắn với việc làm cho học sinh và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức nhất là cán bộ bán chuyên trách cấp xã rất thấp.

Đại biểu Chau Chắc - Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang

Ngoài ra, thảo luận tại tổ, các đại biểu cũng chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế trong chậm giải phóng mặt bằng ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án đầu tư công; tình trạng thiếu thuốc và trang thiết bị y tế do vướng mắc trong đấu thầu trong lĩnh vực y tế; chậm giải ngân vốn của các Chương trình mục tiêu quốc gia…Lưu ý thách thức của năm 2023 sẽ còn rất lớn, đại biểu đề nghị quan tâm có giải pháp giải quyết đúng và trúng những tồn tại, hạn chế, có giải pháp quyết liệt nhằm thực hiện mục tiêu phát triển của cả nhiệm kỳ; chú trọng thực hiện cơ cấu kinh tế để thực hiện đúng và đạt mục tiêu Nghị quyết đại biểu Đảng lần thứ XIII đề ra.

Liên quan đến ba chương trình mục tiêu quốc gia gồm: giảm nghèo bền vững; xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các đại biểu cũng đề nghị Chính phủ cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn này, nhằm đáp ứng mục tiêu mà Quốc hội đề ra khi ban hành các nghị quyết. Một số ý kiến cho rằng, cần sớm hoàn thành việc ban hành một số văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện một số dự án thành phần thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia thuộc trách nhiệm của các bộ, cơ quan Trung ương; đẩy nhanh tiến độ phân bổ, giao kế hoạch vốn ngân sách Nhà nước còn lại chưa phân bổ của giai đoạn 2021-2025; sớm bố trí vốn cho năm 2023.

Nhiều địa phương phản ánh việc triển khai các chương trình ở những huyện nghèo còn khó khăn do địa hình phức tạp, năng lực thực thi còn hạn chế; nhiều dự án mới nên đòi hỏi thời gian chuẩn bị dài; thời tiết diễn biến phức tạp trong những tháng cuối năm, nên khó có thể hoàn thành việc giải ngân kế hoạch vốn trước 31/12/2022 và kiến nghị kéo dài thời gian giải ngân kế hoạch vốn sang năm 2023.

Một số hình ảnh tại phiên thảo luận tổ:

Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Tp.Hải Phòng Trần Lưu Quang điều hành phiên thảo luận tại Tổ 12

Các đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang

Các đại biểu Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng

Các đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương

Các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận tổ

Bảo Yến - Phạm Thắng

(Cổng TTĐT)