Thảo luận Tổ 10 (gồm các đoàn ĐBQH: Đồng Tháp, Hà Giang, Thái Bình) về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, đa số ý kiến đồng tình với sự cần thiết ban hành Nghị quyết nhằm tạo sự đột phá, gỡ vướng về thể chế đang cản trở thành phố phát triển. Hơn nữa, chính sách vượt trội này không chỉ cần thiết đối với Thành phố, mà cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả đất nước.
Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 54/2017/QH14 thí điểm cơ chế chính sách đặc thù đối với TP. HCM đã có chuyển biến tích cực trên tất cả các lĩnh vực, nhưng thực tế chỉ triển khai được trong 3 năm (2 năm dồn sức chống dịch COVID-19), hơn nữa các cơ chế đặc thù chưa có điểm khác biệt so với cơ chế đặc thù của một số địa phương đã được Quốc hội cho phép nên vẫn còn bị ràng buộc với các quy định của luật hiện hành.
Theo đại biểu Phan Đức Hiếu – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình, việc ban hành Nghị quyết cũng nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị khẳng định rõ: “Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo ban hành Nghị quyết của Quốc hội (thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14) để cho phép thí điểm cơ chế, chính sách vượt trội phát triển Thành phố Hồ Chí Minh” và Nghị quyết số 76/2022/QH15 của Quốc hội quy định: “Giao Chính phủ nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 trong thời gian sớm nhất”. Bên cạnh căn cứ chính trị, cơ sở pháp lý, căn cứ thực tiễn, đại biểu cho rằng việc ban hành nghị quyết còn là mong đợi của cử tri và Nhân dân cả nước, không riêng gì chính quyền và Nhân dân TP.Hồ Chí Minh.
Góp ý về các nội dung cụ thể của dự thảo Nghị quyết, điều được đại biểu Phan Đức Hiếu quan tâm nhất không phải là nội dung của nghị quyết, mà đề nghị Chính phủ tập trung nhiều công sức hơn nữa cho việc triển khai thực hiện nghị quyết. Bởi nếu nghị quyết được ban hành, các quy định càng chi tiết, cụ thể, thì khâu tổ chức triển khai thực hiện sẽ được rút ngắn. Cùng quan điểm về vấn đề này, đại biểu Phạm Thúy Chinh – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang cũng lo ngại, nếu nghị quyết không đủ rõ sẽ rất lâu nữa các quy định mới đi vào thực tiễn.
Đại biểu Phạm Thúy Chinh – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang.
Đa số ý kiến bày tỏ đồng tình với việc thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD) quy định tại khoản 2 Điều 4, đây là mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng, đặc biệt phù hợp với những thành phố lớn. Với mô hình này sẽ lấy định hướng phát triển hệ thống giao thông công cộng làm cơ sở quy hoạch phát triển đô thị, lấy đầu mối giao thông làm điểm tập trung dân cư để từ đó hình thành tiếp hệ thống giao thông phân tán. Ưu điểm phát triển đường sắt đô thị theo mô hình TOD là tối đa hóa giá trị tăng thêm từ đất nhằm bù đắp vốn đầu tư cho xây dựng hạ tầng giao thông; tối đa hóa lưu lượng hành khách sử dụng đường sắt đô thị, giải quyết ùn tắc giao thông. TOD còn làm gia tăng giá trị đất đai, không gian đô thị. Đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị khi triển khai cần bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân trong bồi thường.
Về vấn đề này, đại biểu Phan Đức Hiếu đề nghị làm rõ việc thu phí của người dân như thế nào, nếu quy định như dự thảo nghị quyết thì việc thu phí để huy động nguồn lực, chứ không phải là thu phí có mục tiêu nhằm thay đổi hành vi của người dân và doanh nghiệp tốt hơn.
Về đề nghị cho phép áp dụng PPP trong lĩnh vực thể thao, công nghiệp văn hóa, bảo tàng, di tích và di sản văn hóa, các ý kiến thảo luận tại Tổ 10 đồng tình với đề xuất này, mặc dù theo quy định tại Điều 4 Luật PPP, các dự án đầu tư trong lĩnh vực thể thao, văn hóa không thuộc phạm vi của Luật; có ý kiến đề nghị mở rộng áp dụng PPP không chỉ trong lĩnh vực thể thao, văn hóa mà có thể mở rộng sang lĩnh vực giáo dục, y tế nếu thấy cần thiết. Đại biểu Hà Thị Nga – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp kỳ vọng, việc áp dụng sẽ đáp ứng yêu cầu so với xu thế hiện nay cần có mô hình hoạt động chuyên nghiệp và hiệu quả, nhưng cần quan tâm đến các di tích có yếu tố tâm linh, phải lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp Nhân dân, các tôn giáo, nhà nghiên cứu chuyên ngành.
Nhiều ý kiến tại Tổ 10 cũng đồng thuận với đề xuất tăng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP không lớn hơn 70% tổng mức đầu tư dự án. Đại biểu cho rằng, khác với nhiều địa phương khác, trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều trường hợp chi phí giải phóng mặt bằng chiếm tỷ trọng trên 50% tổng mức đầu tư và phương án tài chính sơ bộ của dự án PPP không đảm bảo khả năng hoàn vốn. Do vậy, việc thí điểm như đề xuất sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn cho Thành phố.
Về quản lý đô thị và tài nguyên môi trường (Điều 6), theo quy định của pháp luật hiện hành về dự án xây dựng nhà ở thương mại phải dành 20% tổng diện tích đất để xây dựng nhà ở xã hội. Đại biểu cũng thống nhất giao Thành phố quyết định linh hoạt trong việc quy hoạch bố trí nhà ở xã hội phù hợp thực tiễn, theo đó UBND Thành phố không nhất thiết phải dành 20% tổng diện tích đất đầu tư xây dựng nhà ở thương mại dành để xây dựng nhà ở xã hội.
Đại biểu Lê Xuân Thân – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình.
Đại biểu Lê Xuân Thân – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình nêu quan điểm, đối với các dự án cao cấp, ở khu vực có vị trí đắc địa việc quy định cứng dành 20% cho nhà ở xã hội là không phù hợp. Đại biểu đề xuất nên quy ra thành tiền để đầu tư ở các khu vực phù hợp, như nơi có nhiều khu công nghiệp, nơi có nhiều người có thu nhập trung thấp và thu nhập trung bình cư trú.
Về cơ chế kiểm soát giao thông, chủ trương nêu trong dự thảo nhằm chuyển đổi giao thông xanh rất tốt nhưng có ý kiến này tỏ quan ngại về lộ trình thực hiện quá ngắn, nếu áp dụng xử phạt bằng biện pháp hành chính để hạn chế phương tiện cơ giới là không thực tế, trong khi ở nhiều quốc gia trên thế giới lộ trình này cần thực hiện trong nhiều năm. Cho ý kiến về việc sử dụng mái nhà các trụ sở là tài sản công để đặt hệ thống điện mặt trời tại khoản 11 Điều 5, đại biểu lưu ý cần đảm bảo an toàn cho người lao động làm việc tại các khu nhà này.
Ngoài ra, đối với quy định tại Điều 6 của dự thảo nghị quyết về ngành nghề thu hút nhà đầu tư chiến lược vào TP.Hồ Chí Minh, có ý kiến đề nghị không nên quy định các điều kiện quá cứng nhắc, dẫn tới loại bỏ hoặc trở thành rào cản cho các nhà đầu tư trong nước có cơ hội đầu tư vào thành phố.
Đối với công tác cán bộ, đại biểu đề nghị cân nhắc với nội dung của tờ trình của Chính phủ trong đó giao Hội đồng nhân dân TP. Hồ Chí Minh quyết định số lượng cán bộ, công chức, người lao động và người hoạt động không chuyên trách, đại biểu đề xuất quy định khung tối đa để tránh tình trạng tùy tiện khi áp dụng trong thực tế.
Một số hình ảnh tại Tổ 10:
Toàn cảnh phiên thảo luận Tổ 10.
Các đại biểu nghiên cứu tài liệu.
Đại biểu Phan Đức Hiếu – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cho rằng, việc ban hành nghị quyết còn là mong đợi của cử tri và Nhân dân cả nước, không riêng gì chính quyền và Nhân dân TP.Hồ Chí Minh.
Đại biểu Hà Thị Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp.
Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp đồng tình với việc thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông.
Đại biểu Nguyễn Hải Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp phát biểu.
Đại biểu Vương Thị Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang góp ý tại thảo luận Tổ 10