THẢO LUẬN TẠI TỔ 1: KÉO DÀI ĐỘ TUỔI NGHỈ HƯU TRONG LỰC LƯỢNG CAND PHẢI THỐNG NHẤT, ĐỒNG BỘ VỚI CÁC LUẬT, QUY ĐỊNH LIÊN QUAN
THẢO LUẬN TẠI TỔ 1: ƯU TIÊN GIẢM THUẾ, LÃI SUẤT CHO VAY ĐỂ HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP PHỤC HỒI SẢN XUẤT KINH DOANH
Thực hiện chương trình Kỳ họp thứ 5, chiều 30/5, Quốc hội thảo luận ở Tổ đối với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Tp.Hồ Chí Minh.
Toàn cảnh phiên thảo luận.
Tại Phiên họp ở Tổ 1, đa số các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Tp.Hà Nội thống nhất với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Tp.Hồ Chí Minh. Bởi thành phố là trung tâm kinh tế, thương mại, tài chính lớn nhất cả nước, có vai trò quan trọng trong điều tiết về ngân sách trung ương, hiện đang đóng góp khoảng 27%. Việc có chính sách vượt trội là cần thiết không chỉ đối với thành phố mà cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả đất nước.
Đại biểu Bùi Hoài Sơn nêu quan điểm: Việc ban hành Nghị quyết mới về Tp.HCM là rất cần thiết để thành phố phát triển hơn nữa. Tuy nhiên, qua khảo sát, về lĩnh vực giáo dục và đào tạo, Tp.Hồ Chí Minh chưa có quy hoạch về trường liên cấp. Nhiều trường học không được nâng tầng nên hạn chế về lớp học. Do đó, để tháo gỡ khó khăn cho thành phố, trong dự thảo Nghị quyết cần có sự chú trọng hơn đến việc dành quỹ đất để xây dựng trường THCS, THPT.
Đối với lĩnh vực văn hóa, đại biểu Bùi Hoài Sơn cho rằng, hiện nay, nhiều nơi còn khó khăn khi thu hút các đoàn làm phim nước ngoài đầu tư để thực hiện các dự án phim vì thủ tục kéo dài, liên quan đến nhiều loại giấy tờ nên nhiều khi phim đã phát sóng nhưng các nhà đầu tư làm phim nước ngoài không thể thu được kinh phí. Mặt khác, hoạt động bảo tồn, sử dụng di tích, bảo tàng còn chưa hiệu quả.
Đại biểu Bùi Hoài Sơn tham gia ý kiến tại phiên họp.
Với những bất cập trên, đại biểu Bùi Hoài Sơn đề nghị trong dự thảo Nghị quyết cần được bổ sung ngành Công nghiệp văn hóa sáng tạo với những quy định khuyến khích cho hoạt động văn hóa phát triển. Bên cạnh đó là cần quan tâm hơn đến việc tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư vào phát triển các dự án phim...
Đóng góp ý kiến vào dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Tp.Hồ Chí Minh, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, trong dự thảo Nghị quyết cần có thêm cơ chế để Chính phủ đặt hàng đầu tư các dự án để Tp.Hồ Chí Minh phát triển bứt phá theo hình thức đầu tư công. Mặt khác, cần phát triển các dự án phat triển giao thông gắn với phát triển đô thị và nên để các nhà đầu tư thiết kế theo phương thức xây dựng đô thị hiện đại.
Ngoài ra, dự thảo Nghị quyết giao Thành phố quyết định linh hoạt trong việc quy hoạch bố trí nhà ở xã hội phù hợp thực tiễn, theo đó UBND Thành phố không nhất thiết phải dành 20% tổng diện tích đất đầu tư xây dựng nhà ở thương mại dành để xây dựng nhà ở xã hội. Pháp luật quy định dự án xây dựng nhà ở thương mại phải dành 20% tổng diện tích đất để xây dựng nhà ở xã hội.
Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, trong một số trường hợp, quy định này chưa phù hợp thực tiễn, nhất là những dự án có quy mô nhỏ hoặc nằm trong khu đất có giá trị thương mại lớn; gây khó khăn cho người thuộc đối tượng ở nhà ở xã hội khi phải trả phí dịch vụ cao cấp. Để tạo chủ động, tán thành thí điểm giao Thành phố linh hoạt trong bố trí nhà ở xã hội, song cần quy định rõ nghĩa vụ của các chủ đầu tư trong xây dựng nhà ở xã hội, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Ngoài ra, việc xây dựng nhà ở xã hội phải đảm bảo các điều kiện khác để người dân thuận tiện trong sinh hoạt, làm việc, học tập...
Đại biểu Hoàng Văn Cường
Nên bổ sung phát triển lĩnh vực khoa học công nghệ vào trong dự thảo Nghị quyết
Đóng góp ý kiến vào việc phát triển Tp.Hồ Chí Minh, đại biểu Tạ Đình Thi cho biết, năm 2022, Bộ Chính trị đã ban hành 2 Nghị quyết, trong đó có Nghị quyết 24 và Nghị quyết 31 về phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cho Tp.Hồ Chí Minh. Đến nay, Quốc hội nhanh chóng lấy ý kiến các ĐBQH để có thể ban hành dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Tp.Hồ Chí Minh là một quyết định rất quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng hơn nữa cho thành phố.
Theo đại biểu Tạ Đình Thi, bên cạnh việc đầu tư cho lĩnh vực văn hóa, thể thao, trong dự thảo Nghị quyết cần được bổ sung về phát triển lĩnh vực khoa học công nghệ. Bởi đây là lĩnh vực cũng sẽ mang lại sự tăng trưởng kinh tế nhanh cho Tp.Hồ Chí Minh.
Đồng thuận với quan điểm trên, đại biểu Lê Quân nhấn mạnh, trong dự thảo Nghị quyết nên chú trọng đầu tư cho phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Theo đó, có thể tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư chiến lược, doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh ngiệp vừa và nhỏ, các trường đại học hoạt động thông qua hình thức miễn giảm thuế...
Các Đại biểu Quốc hội Tp.Hà Nội tại phiên họp.
Trong khuôn khổ phiên thảo luận ở Tổ, các đại biểu còn cho ý kiến đối với Dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi). Theo đó, đa số ĐBQH tán thành sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 85/2014/QH13 và cho rằng, việc ban hành Nghị quyết nhằm kịp thời thể chế hóa Quy định số 96-QĐ/TW ngày 02/02/2023 của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị và Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật trong bối cảnh các năm gần đây Quốc hội đã sửa đổi, bổ sung một số luật có nội dung liên quan đến lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, Hội đồng nhân dân.
Các ĐBQH lưu ý cần bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, yêu cầu của Quy định số 96-QĐ/TW, bảo đảm sự đồng bộ giữa quy định của Nghị quyết của Quốc hội với quy định của Đảng. Đồng thời, bảo đảm việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, Hội đồng nhân dân được thực hiện nghiêm túc, khách quan, minh bạch, đúng pháp luật; tăng cường hiệu lực, hiệu quả giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn./.
Một số hình ảnh tại phiên họp:
Quang cảnh phiên họp.
Phó trưởng Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai điều hành nội dung phiên họp.
Các đại biểu Quốc hội Tp. Hà Nội tại phiên họp.
Đại biểu Tạ Đình Thi cho ý kiến tại phiên họp.
Trong khuôn khổ phiên thảo luận ở Tổ, các đại biểu còn cho ý kiến đối với Dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi).
Phó trưởng Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai kết luận nội dung phiên họp.