THẢO LUẬN TẠI TỔ 1: TIẾP TỤC CÁC GIẢI PHÁP HỮU HIỆU THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN KINH TẾ-XÃ HỘI, KIỀM CHẾ LẠM PHÁT

24/10/2023

Đóng góp vào đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, các đại biểu thuộc Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội cho rằng, Chính phủ cần tiếp thục đưa ra các giải pháp hữu hiệu hơn nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, kiềm chế lạm phát.

ĐOÀN ĐBQH TP.HÀ NỘI LẤY Ý KIẾN GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)

ĐOÀN ĐBQH TP. HÀ NỘI GIÁM SÁT CHUYÊN ĐỀ VỀ ĐỔI MỚI CHƯƠNG TRÌNH, SÁCH GIÁO KHOA TẠI UBND THÀNH PHỐ

Sáng 24/10, Quốc hội thảo luận ở Tổ với phần đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và các vấn đề liên quan.

Thảo luận tại Tổ 1 gồm Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Tp.Hà Nội, đa số các đại biểu váo Báo cáo của Chính phủ và cơ quan thẩm tra về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

Toàn cảnh Phiên thảo luận tại Tổ 1 sáng 24/10.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì nền kinh tế-xã hội vẫn còn bộc lộ những hạn chế cần có giải pháp hữu hiệu để khắc phục. Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí – Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế chưa được khắc phục triệt để. Hơn 2 năm qua, ngành Y tế tập trung sửa đổi, bổ sung nhiều luật, nghị định, thông tư để tháo gỡ. Thế nhưng, tình trạng này vẫn đang diễn ra nên đề nghị Quốc hội sớm có cuộc giám sát sau khi sửa đổi luật, nghị quyết, thông tư. Ngoài ra, nhằm đảm bảo kịp thời cung ứng thuốc, trang thiết bị y tế để khám, chữa bệnh cho người dân, đại biểu Nguyễn Anh Trí cũng đề nghị Chính phủ có giải pháp hiệu quả, kịp thời.

Vấn đề thứ hai nhận được sự quan tâm của đại biểu Nguyễn Anh Trí là có những băn khoăn của về việc cải cách sách giáo khoa chưa đạt được yêu cầu. Do vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét lại những băn khoăn đó có đúng không và đưa ra cách tháo gỡ như thế nào. Đối với việc phát triển kinh tế, đại biểu Nguyễn Anh Trí cũng đề xuất đẩy mạnh đầu tư cho phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an sinh cho những vùng miền khó khăn.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí.

Nhận định về tình hình kinh tế-xã hội, đại biểu Hoàng Văn Cường khẳng định, kinh tế-xã hội năm 2023 là năm rất khó khăn không chỉ riêng đối với Việt Nam mà cả ở trên thế giới. Tuy nhiên, so với bối cảnh kinh tế thế giới thì Việt Nam vẫn có những kết quả đáng ghi nhận. Trong khi lạm phát thế giới còn cao thì lạm phát của Việt Nam vẫn được kiềm chế trong giới hạn cho phép. Kết quả về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chỉ khoảng 5% so với mục tiêu 6,5% nhưng so với nhiều nước trên thế giới và khu vực thì Việt Nam vẫn là nước có tốc độ tăng trưởng.

Sau đại dịch Covid-19, trong khi trên thế giới đang diễn ra làn sóng về nợ, nhiều tập đoàn phá sản, nhiều quốc gia nợ công cao thì nợ công của Việt Nam vẫn được kiểm soát, tình trạng nợ của doanh nghiệp đã được khắc phục. Việc rút trái phiếu doanh nghiệp cũng không quá ồ ạt.

Tuy nhiên, trong năm 2023, tình trạng đình trệ, chậm tăng trưởng trong khu vực kinh tế, doanh nghiệp vẫn là vấn đề cần được xem xét. Nguồn vốn, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp gần như bị bão hòa. Nếu không có giải pháp kịp thời thì có thể nền kinh tế của nước ta vấn sẽ phát triển trì trệ vì Việt Nam đang chủ yếu phụ thuộc vào tốc độ phát triển của nền kinh tế thế giới.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường.

Dự báo 2024 sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn, nền kinh tế thế giới chưa có sự phục hồi rõ. Những yếu tố tác động từ bên ngoài sẽ tác động đến kinh tế Việt Nam. Để tháo gỡ những khó khăn và thúc đẩy phát triển kinh tế, đại biểu Hoàng Văn Cường đồng thuận với các giải pháp của Chính phủ đã đề ra; đồng thời cần thực hiện linh hoạt các giải pháp tài khóa, thực hiện ngay giảm thuế VAT 2% bằng việc Quốc hội ban hành một nghị quyết ngay từ kỳ họp thứ 6 này. Ngoài ra, cần thực hiện giảm thuế, giảm tiền thuê đất; kịp thời có chính sách tài khóa đối với tiền tệ, điều hành ngân hàng, hỗ trợ lãi suất, tiếp cận vốn của doanh nghiệp sẽ cao hơn.

Đối với chính sách tài chính, tài khóa, ngân sách, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, cần tiếp tục giữ được ngân sách một cách ổn định. Ngoài ra, đầu tư công cần phải đến lúc thay đổi và cần chính sách mới như đặt hàng cho các tập đoàn kinh tế lớn để đẩy nhanh tốc độ như chính sách đặt hàng công nghiệp đường sắt.

Đóng góp vào các nội dung kinh tế-xã hội, đại biểu Đinh Tiến Dũng – Trưởng Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội cho rằng, Chính phủ cần có giải pháp hữu hiệu hơn để ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Thông qua thay đổi về thể chế, doanh nghiệp có thể thể tiếp cận với nguồn vốn vay một cách thuận lợi hơn nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc.

Đại biểu Đinh Tiến Dũng – Trưởng Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội.

Ngoài ra, bày tỏ sự lo lắng về nhiều dự án đầu tư bất động sản, công trình xây dựng còn đang dở dang là sự lãng phí lớn, đại biểu Đinh Tiến Dũng đề nghị Quốc hội cần có sự đạo bằng việc ra nghị quyết hay có chủ trương giải quyết kịp thời.

Trong khuôn khổ phiên thảo luận, các ĐBQH còn cho ý kiến vào việc thực hiện đề tài khoa học, ngân sách dành cho đề tài khoa học công nghệ trọng điểm; vấn đề tự chủ ở các trường đại học; ô nhiễm môi trường tại các lưu vực sông; cải cách chính sách tiền lương; nhà ở cho người thu nhập thấp...

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu kết luận tại Phiên thảo luận.

Phát biểu kết luận Phiên thảo luận, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cảm ơn sự đóng góp của các ĐBQH đối với phần đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và những lĩnh vực liên quan. Đây là những ý kiến đóng góp thiết thực, quý báu để Ban soạn thảo tổng hợp báo cáo kỹ lưỡng trước khi trình Quốc hội tại phiên họp toàn thể tại Hội trường.

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cũng đề nghị các ĐBQH tiếp tục nghiên cứu, làm rõ hơn những nội dung đóng góp và các đề xuất để chuẩn bị cho phiên họp tại Hội trường lần tới một cách thuyết phục hơn.

Một số hình ảnh tại phiên thảo luận tại Tổ 1:

Các trưởng, phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội Tp.Hà Nội.

Các đại biểu Quốc hội Tp.Hà Nội tham gia phiên thảo luận tại Tổ 1.

Đại biểu Lê Quân đóng góp về vấn đề tự chủ đại học và ngân sách dành cho đề tài khoa học công nghệ trọng điểm.

Đại biểu Quốc hội Tạ Đình Thi đề cập về 5 chỉ tiêu ước tính không đạt như đề ra; tình trạng ô nhiễm môi trường lưu vực sông cần sự quyết tâm cao của Chính phủ, các địa phương.

Đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn đề cập về những vấn đề trong lĩnh vực văn hóa.

Đại biểu Phạm Đức Ấn nêu quan điểm về xây dựng nhà ở cho người dân có thu nhập thấp.

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu kết luận tại Phiên thảo luận; đồng thời đề nghị các ĐBQH tiếp tục nghiên cứu, làm rõ hơn những nội dung đóng góp và các đề xuất để chuẩn bị cho phiên họp tại Hội trường lần tới một cách thuyết phục hơn./.

Bích Lan - Trọng Quỳnh

Các bài viết khác