TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 23/10: KHAI MẠC KỲ HỌP THỨ 6, QUỐC HỘI KHOÁ XV
Tổ 14 gồm các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn ĐBQH các tỉnh Đồng Tháp, Hải Dương, Khánh Hòa
Phát biểu tại phiên họp, đa số ý kiến các đại biểu đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành địa phương trong điều hành nền kinh tế, qua đó, tình hình kinh tế xã hội đã có nhiều dấu hiệu phục hồi, năm sau khả quan hơn năm trước, quý sau tích cực hơn quý trước.
Tham gia thảo luận, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương bày tỏ quan tâm tới vấn đề an ninh dinh dưỡng. Việc nắm rõ nội hàm và chú trọng thỏa đáng cho vấn đề này sẽ giúp cho quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp được thực hiện hiệu quả. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 841 về lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam đến năm 2030, tuy nhiên chưa thể hiện cụ thể nội dung này. Đại biểu cho biết, hiện nay, vấn đề sức đề kháng, chế độ dinh dưỡng của nhân dân còn chưa đạt yêu cầu, mất cân bằng, ở một số nơi tỷ lệ béo phì lớn, trong khi ở vùng sâu vùng xa, tỷ lệ suy dinh dưỡng rất cao.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương tham gia thảo luận
Theo đại biểu, tuy đã có Chiến lược phát triển quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021 – 2030 tầm nhìn 2050 với 5 mục tiêu, 20 chỉ tiêu, nhưng trong đánh giá kinh tế xã hội hàng năm vẫn không àm rõ, nổi bật nội dung này. Đại biểu nhấn mạnh, cần chú trọng an ninh dinh dưỡng như đối với an ninh lương thực, để an ninh dinh dưỡng, an ninh lương thức gắn bó hữu cơ, tạo điều kiện nâng cao thể trạng con người, đồng thời cũng là định hướng cho tái cơ cấu nền nông nghiệp. Đại biểu đề nghị Báo cáo của Chính phủ cần làm rõ hơn nữa vấn đề này, để dần tháo gỡ những khó khăn, trong thực tiễn để thực hiện tốt các chiến lược, kế hoạch đã đề ra.
Bàn về vấn đề tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng, hiện nay tiếp cận tín dụng khó khăn, tăng trưởng tín dụng thấp, nợ xấu có xu hướng tăng, vấn đề này sẽ tiếp tục còn khó khăn hơn vì hiện nay các nguồn vốn cho vay bất động sản đã đến kỳ trả nợ nhưng các giao dịch bất động sản gần như đóng băng. Do đó, đại biểu đề nghị, Ngân hàng Nhà nước phải có giải pháp cụ thể xử lý nợ xấu để bảo đảm tăng trưởng vĩ mô, báo cáo của Chính phủ cần làm rõ hơn giải pháp cho tình trạng này.
Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Hà Quốc Trị, Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được đã nêu trong báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, cần phân tích sâu hơn và làm rõ những điểm hạn chế, nhất là vấn đề tỷ lệ đầu tư tư nhân sụt giảm, chỉ bằng 1/6 so với giai đoạn trước đại dịch. Đồng tình đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, đại biểu Hà Quốc Trị cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do tín dụng tăng trưởng thấp, dù trung ương đã đề ra những chính sách rất thông thoáng về tài chính, tiền tệ để thúc đẩy đầu tư, nhưng các cấp địa phương thì thực hiện một cách quá chặt chẽ. Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn, đảm bảo các điều kiện đi kèm.
Toàn cảnh phiên họp
Cùng với đó, tình trạng này cũng xuất phát từ nguyên nhân chủ quan: các quy hoạch quốc gia, quy hoạch tỉnh còn chậm trong lập, phê duyệt, triển khai, gây tắc nghẽn trong vấn đề liên quan đến đất đai, làm ảnh hướng đến việc đầu tư tư nhân.
Về lĩnh vực du lịch, đại biểu phản ánh, tuy chủ trương từ trung ương rất thông thoáng, nhưng thực tế tại địa phương, ở một số cửa khẩu, thủ tục nhập cảnh còn rất khó khăn, rườm rà, chậm chạp, gây khó khăn cho việc thu hút khách du lịch. Nếu không có các cải cách mạnh mẽ và triệt để trong tiết giảm thủ tục hành chính thì sẽ còn nhiều khó khăn trong việc phục hồi, phát triển du lịch.
Từ các thực trạng trên, đại biểu Hà Quốc Trị kiến nghị, ở lĩnh vực tài chính cũng như trong lĩnh vực quản lý du lịch, Chính phủ, các cơ quan chức năng cần quán triệt đường lối, chủ trương từ trung ương để kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn một cách cụ thể, tường minh, chi tiết để chủ trương đó được thực hiện hiệu quả trên thực tiễn.
Đối với việc triển khai các quy hoạch, đại biểu đề nghị các cơ quan chức năng khẩn trương, nỗ lực, trách nhiệm và sâu sát trong công tác này, để đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, sớm tạo được điều kiện thuận lợi để mời gọi các nhà đầu tư tham gia mở rộng kinh doanh, sản xuất, góp phần phục hồi và phát triển nhanh chóng nền kinh tế.
Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho biết, nhu cầu thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư cho giáo dục và đào tạo ở nước ta là rất lớn, nhằm mở rộng, bổ sung các cơ sở giáo dục có chuẩn chất lượng quốc tế của người Việt Nam và người nước ngoài tại Việt Nam, nhất là ở những đô thị lớn. Tuy nhiên, kết quả thực hiện chuyên đề giám sát về giáo dục phổ thông đã chỉ ra sự thiếu hụt rất lớn cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy, học và nguồn kinh phí để có thể đáp ứng được yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện về giáo dục. Do đó, đòi hỏi cấp thiết nhà nước phải tiếp tục hoàn thiện chính sách khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo ở tất cả các cấp học, trình độ đào tạo.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương phát biểu
Để tiếp tục thúc đẩy việc triển khai hiệu quả chủ trương đẩy mạnh xã hội hoá trong lĩnh vực giáo dục, đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa cho rằng, cần thống nhất nhận thức về tầm quan trọng, ý nghĩa của chính sách xã hội hóa giáo dục trong các cấp quản lý từ trung ương đến địa phương và các tầng lớp nhân dân, nhận thức đúng đắn, đầy đủ và thực hiện có hiệu quả chủ trương huy động các nguồn lực của xã hội cho giáo dục. Cần sớm tổng kết thực tiễn thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật về xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; rà soát đề kịp thời phát hiện những quy định còn chồng chéo, mâu thuẫn và còn thiếu, đề xuất hướng chỉnh sửa, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ cho phù hợp.
Ngoài ra, đại biểu nhấn mạnh, cần thực hiện các hình thức khen thưởng, tôn vinh những tấm gương điển hình đóng góp cho sự nghiệp giáo dục; đồng thời, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức các cơ quan quản lý và cơ sở giáo dục trong việc thực hiện các thủ tục thu hút và quản lý các nguồn lực huy động để phát triển giáo dục. Mở rộng thực hiện các dự án hợp tác công - tư, các chương trình liên kết trong giáo dục, đào tạo. tiếp tục khẳng định và nâng cao vai trò chủ đạo của nhà nước trong việc phát triển giáo dục và điều hướng phát triển xã hội hoá giáo dục, quản lý chặt chẽ về chất lượng giáo dục và giá cả dịch vụ giáo dục được xã hội hoá.