Cùng dự có Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND Tp.Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi - Trưởng Đoàn ĐBQH Thành phố Hồ Chí Minh, Tổ trưởng Tổ 2. Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh Văn Thị Bạch Tuyết - Tổ phó Tổ 2 điều hành phiên thảo luận. Tổ 2 gồm các đại biểu thuộc Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh.
Qua thảo luận, các đại biểu đánh giá cao Báo cáo của Chính phủ và cơ bản nhất trí với nhiều nội dung về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; về đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021-2025…
Phát biểu thảo luận tại Tổ 2, đại biểu Nguyễn Minh Đức - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh cho rằng, ngành giáo dục cần chỉ ra căn bệnh trầm kha dạy thêm, học thêm. Nguyên nhân là do chế độ lương cho giáo viên chưa đáp ứng yêu cầu nên cần phải tổ chức dạy thêm, học thêm. Làm thế nào để nâng cao đời sống cho giáo viên thì sẽ giải quyết đc bài toán dạy thêm, học thêm.
Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Minh Đức nhận thấy, do thời gian học các môn chính khóa quá nhiều, hiện học sinh còn thiếu thời gian để học các môn xã hội, các kỹ năng cần thiết trong cuộc sống. Bạo lực học đường, ứng xử lệch chuẩn, mất an toàn vệ sinh thực phẩm trong trường học, lạm thu đầu năm học vẫn diễn ra.
Đại biểu Nguyễn Minh Đức - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh
Liên quan đến vấn đề giáo dục thể chất, đại biểu Nguyễn Minh Đức - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh cho rằng, bữa ăn cho các em học sinh cần được quan tâm hơn nữa, đảm bảo chất dinh dưỡng tối thiểu để đảm bảo phát triển thể chất. Hiện nước ta không có hệ thống giáo dục đào tạo thể chất cụ thể, do đó đề nghị nghiên cứu mô hình các nước, tham khảo kinh nghiệm, lưu ý hơn đến vấn đề này.
Vì vậy, đề nghị Chính phủ cần cần sớm giải quyết bài toán này, đào tạo giáo viên chất lượng cao, hạn chế thấp nhất tình trạng học thêm, dạy thêm, bạo lực học đường, thu quỹ không minh bạch…
Liên quan đến chấn hưng văn hóa, cho rằng vấn đề này sẽ được các ĐBQH bàn luận sôi nổi tại nghị trường, đại biểu Nguyễn Minh Đức nhận thấy, cần giáo dục trẻ em ngay từ ban đầu, mỗi gia đình phải trở thành gia đình văn hóa, bố mẹ phải là tấm gương mẫu mực cho con em để các em được phát triển và trưởng thành trên nền văn hóa tốt. Nếu mỗi công dân có văn hóa tốt thì đất nước sẽ ổn định, phát triển.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh
Đồng quan điểm với đại biểu Nguyễn Minh Đức về vấn đề chấn hưng văn hóa, đại biểu Trương Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh cho rằng, cần tìm đúng nguyên nhân vì sao cái xấu, cái ác đang lan rộng và ngày càng trẻ hóa, nhất là những nơi lẽ ra cái xấu phải cực thấp…, qua đó để hoàn thiện xây dựng pháp luật và đấu tranh chống lại cái xấu. Bạo lực học đường cũng là vấn đề đáng lo ngại, do đó cần tìm nguyên nhân sâu xa, theo đại Trương Trọng Nghĩa cho rằng, nguyên nhân có thể là do kinh tế. “Vì sao GDP trên đầu người tăng ngoạn mục như thế mà tội phạm lại gia tăng nhiều?”, đại biểu băn khoăn.
Việc chấn hưng văn hóa bằng cách tổ chức các đại hội lớn, những băng rôn, khẩu hiệu, các hội diễn văn nghệ… là không đạt hiệu quả. Đại biểu cho rằng, cách làm như vậy sẽ tốn kém và lãng phí, đề nghị cần phân tích sâu về nguyên nhân văn hóa suy đồi, từ đó tìm ra giải pháp để tính toán ngân sách chi vào đâu, tránh lãng phí, tốn kém.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh
Góp ý vào nội dung này, đại biểu Trần Hoàng Ngân - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh nhấn mạnh, 3 trụ cột quan trọng là kinh tế - văn hóa - môi trường. Hội nghị Trung ương 8 của BCH Trung ương Đảng khóa XIII vừa qua và các đại biểu đã đề cập rất nhiều đến lĩnh vực văn hóa, đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị cần sớm thể chế hóa, cụ thể hóa. Phát biểu của Tổng Bí thư tại Hội nghị văn hóa toàn quốc đã khẳng định, “văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất”. Trong Kết luận 76/KL/TW của Bộ Chính trị ngày 4/6/2020 cũng đề cập đến việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước. Do đó, đại biểu Trần Hoàng Ngân kiến nghị, vấn đề văn hóa cần được thảo luận sâu hơn trên nghị trường Quốc hội về lĩnh vực này.
Về y tế, giáo dục, đại biểu đề nghị cần được bàn sâu hơn, kỹ hơn, đề nghị Báo cáo cần tổng hợp sâu hơn, dày dặn hơn để thấy được những tồn tại trong lĩnh vực y tế, giáo dục.
Bày tỏ quan tâm đến lĩnh vực y tế, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, 6 tháng qua, vấn đê cung ứng thuốc, trang thiết bị y tế, vắc-xin mở rộng, y tế dự phòng còn nhiều lo ngại. Báo cáo tóm tắt của Chính phủ mới chỉ đề cập một câu: “Chất lượng khám chữa bệnh được cải thiện”. Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan đề nghị cần phân tích sâu thêm trong Báo cáo. Nguồn cơn của vấn đề này là do không kiểm soát được tốt vấn đề xã hội hóa y tế. Đại biểu cho rằng, hiện chưa có tổng kết chính thức cấp quốc gia về xã hội hóa y tế. Các thay đổi hiện nay không dựa trên nghiên cứu sâu về mặt cơ chế, do đó dễ xảy ra tình trạng “có tiền mới có thể chữa bệnh”. Vì vậy, đề nghị Báo cáo cần đánh giá 6 tháng qua đã giải quyết các vấn đề thuốc, vật tư y tế, vắn-xin như thế nào… Đồng thời phải đánh giá xã hội hóa như thế nào cho phù hợp, mục tiêu là tăng cường tính tự chủ, gốc rễ là an sinh xã hội, chăm lo sức khỏe cho người dân.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan
Nêu dẫn chứng về Cuba dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn dành 50% ngân sách cho y tế và giáo dục, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan băn khoăn Việt Nam dành bao nhiêu ngân sách cho vấn đề này. Do đó, cần thể hiện trong báo cáo hàng năm là mỗi năm làm được những gì, cần đề cập cụ thể trong Báo cáo.
Cho rằng Báo cáo kinh tế - xã hội của Chính phủ đề cập về lĩnh vực y tế còn sơ sài, đại biểu Nguyễn Tri Thức - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh đề nghị cần bổ sung thêm vào báo cáo, cho phép các bệnh viện công thực hiện xã hội hóa, liên danh, liên kết. Theo đại biểu, do trước đây vấn đề liên danh, liên kết xảy ra nhiều tình trạng tiêu cực, từ những vụ việc đó, chúng ta sẽ rút ra nhiều kinh nghiệm, đề nghị Chính phủ cần quy định chặt chẽ việc thực hiện liên danh, liên kết để đảm bảo phát triển các dịch vụ y tế. Sau đại dịch Covid-19, đại biểu Nguyễn Tri Thức đề nghị cần phát triển y tế chuyên sâu và xây dựng TPHCM trở thành trung tâm du lịch y tế. Để phát triển y tế chuyên sâu, phát triển nguồn nhân lực y tế lâu dài thì trang thiết bị y tế không thể thiếu.
Đại biểu Nguyễn Tri Thức - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh
Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khoán, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã giải quyết kịp thời khó khăn sau dịch, tuy nhiên lĩnh vực y tế hiện nay chưa giải ngân được, đại biểu Nguyễn Tri Thức đề nghị cần cơ chế riêng, nguồn lực riêng để giải quyết vấn đề này. Đại biểu Nguyễn Tri Thức lo ngại dịp Tết nguyên đán sắp tới có thể tiếp tục rơi vào tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế.
Một số hình ảnh tại Phiên họp Tổ 2:
Toàn cảnh phiên thảo luận tại Tổ 2
Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh - Văn Thị Bạch Tuyết - Tổ phó Tổ 2 điều hành phiên thảo luận.
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND Tp.Hồ Chí Minh - Phan Văn Mãi - Trưởng Đoàn ĐBQH Thành phố Hồ Chí Minh, Tổ trưởng Tổ 2 góp ý liên quan đến lĩnh vực văn hóa, kiến nghị cần có Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân kiến nghị, vấn đề văn hóa cần được thảo luận sâu hơn trên nghị trường Quốc hội về lĩnh vực này.
Đại biểu Nguyễn Tri Thức - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh đề nghị cần bổ sung thêm vào báo cáo, cho phép các bệnh viện công thực hiện xã hội hóa, liên danh, liên kết.
Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh đề nghị cần đánh giá sâu để đo chỉ số năng suất lao động, rà soát tình hình tăng năng suất lao động của các địa phương trong 3 năm qua.
Đại biểu Phan Thị Thanh Phương góp ý về tín dụng cho sinh viên, cần có lãi suất ưu đãi phù hợp, chính sách cụ thể để hỗ trợ cho lực lượng lớn, nguồn nhân lực cho tương lai.
Đại biểu Trần Kim Yến - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh góp ý tại phiên thảo luận.
Đại biểu Nguyễn Minh Hoàng - Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh đề nghị Chính phủ và các bộ ngành chỉ đạo, phải có kế hoạch giải quyết căn cơ vấn đề thiếu giáo viên.
Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy - Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh đồng tình với ý kiến của các đại biểu phát biểu trước và cho rằng, các giải pháp của Chính phủ nêu ra chưa rõ, nhất là trách nhiệm của Chính phủ và các bộ ngành.
Các đại biểu tại phiên thảo luận Tổ 2
Đại biểu Trần Anh Tuấn đánh giá cao những kết quả tích cực về kinh tế - xã hội đạt được trong 9 tháng năm 2023 trong bối cảnh chung nền kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, đồng thời khẳng định đây là nỗ lực rất lớn của Chính phủ và các bộ ngành./.