ĐOÀN ĐBQH TỈNH QUẢNG NINH TÍCH CỰC, CHỦ ĐỘNG THAM GIA ĐÓNG GÓP NHIỀU Ý KIẾN TRÊN DIỄN ĐÀN QUỐC HỘI
Theo báo cáo của TP Hạ Long, thực hiện Nghị quyết số 43 của Quốc hội, Nghị quyết số 11 ngày 30/1/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các chỉ đạo của tỉnh Quảng Ninh, TP Hạ Long đã cụ thể hoá các nhiệm vụ và giao trách nhiệm triển khai thực hiện đến từng đơn vị, phường, xã. Trong 2 năm 2022 - 2023, việc tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 43 đã có tác động tích cực, góp phần tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phục hồi kinh tế, đóng góp quan trọng trong việc hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của địa phương. Năm 2022, giá trị sản xuất của các ngành kinh tế tăng 15,7%; năm 2023 tăng 15,6%. Các chính sách miễn, giảm thuế được thành phố chỉ đạo các ngành liên quan và các xã, phường tuyên truyền đến cộng đồng người nộp thuế bằng nhiều hình thức phù hợp. Thành phố đã quan tâm bố trí nguồn vốn đáp ứng nhu cầu của người dân về vốn vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; vốn vay nhà ở xã hội... Đến ngày 31/12/2023, dư nợ cho vay đạt 104,316 tỷ đồng, trong đó chương trình giải quyết việc làm đạt 57 tỷ đồng, chương trình nhà ở xã hội đạt gần 45 tỷ đồng...
Quang cảnh buổi làm việc.
Thực hiện Nghị quyết số 43 của Quốc hội, Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức 16 cuộc tập huấn, phổ biến đến doanh nghiệp có lồng ghép nội dung thực hiện chính sách miễn, giảm thuế. Kim ngạch của các mặt hàng được giảm thuế đạt 512,03 triệu USD (chiếm 3,13% tổng kim ngạch), số tiền thuế được giảm năm 2022 là 241,58 tỷ đồng (chiếm 1,4% tổng thu NSNN); số thuế được giảm trong năm 2023 khoảng 122 tỷ đồng.
Đối với Cục Thuế tỉnh Quảng Ninh, đơn vị đã tập trung tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện miễn giảm thuế. Tổng số tiền thuế, phí, lệ phí được giảm 2.328 tỷ đồng, được gia hạn thời hạn nộp thuế trên 1.000 tỷ đồng. Riêng đối với thuế GTGT giảm 659 tỷ đồng, thuế BVMT đối với xăng dầu giảm 996 tỷ đồng.
Tại cuộc họp, thành viên Đoàn giám sát yêu cầu các đơn vị làm rõ hơn một số nội dung liên quan đến hỗ trợ cho các doanh nghiệp dịch vụ, du lịch; thống nhất thời điểm báo cáo, chính sách lao động việc làm, hỗ trợ lãi suất, các văn bản có liên quan đến danh mục hàng hoá XNK; đánh giá cụ thể hơn việc giảm 2% thuế suất GTGT...
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh mục tiêu của cuộc giám sát và đánh giá cao việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của các đơn vị. Từ đó, có tác động tích cực đến tình hình sản xuất kinh doanh trên địa bàn. Đồng chí đề nghị các đơn vị đánh giá sâu hơn, toàn diện hơn kết quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo; rà soát, đánh giá lại các nhóm chính sách để bổ sung kết quả; các chính sách đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; chính sách về lao động, việc làm cần có sự đánh giá bổ sung đảm bảo tính hiệu quả.
Liên quan đến việc cơ cấu lại các khoản trả nợ của các doanh nghiệp ảnh hưởng bởi Covid-19 cần có đánh giá về thời hạn; bổ sung kết quả về cải cách thủ tục hành chính. Đồng chí đề nghị các đơn vị tiếp thu ý kiến tham gia, chỉnh sửa lại báo cáo theo đề nghị của Đoàn giám sát và gửi lại đoàn chậm nhất vào ngày 8/1/2024.