HÀ GIANG: VIỆC THÀNH LẬP, TỔ CHỨC LẠI ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP BẢO ĐẢM THEO QUY ĐỊNH VÀ PHÙ HỢP VỚI THỰC TIỄN ĐỊA PHƯƠNG

12/04/2024

Kết quả giám sát cho thấy, việc thành lập, tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã bảm đảo theo quy định và phù hợp với thực tiễn địa phương. Theo đó, tỉnh đã chỉ đạo rà soát, sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn đầu mối bên trong các tổ chức gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, viên chức; xác định vị trí việc làm một cách khoa học, sát thực tế...

GÓC NHÌN: MỘT SỐ NHẬN ĐỊNH, ĐÁNH GIÁ VỀ VIỆC TRIỂN KHAI GIÁM SÁT NGHỊ QUYẾT SỐ 43/2022/QH15 NGÀY 11/01/2022 CỦA QUỐC HỘI

HÀ GIANG: 06 GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM NHẰM TIẾP TỤC TRIỂN KHAI HIỆU QUẢ NHỮNG MỤC TIÊU MÀ CÁC NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI VÀ CHÍNH PHỦ ĐỀ RA

Thực hiện kế hoạch số: 623/KH-ĐGS ngày 21/9/2023 của Đoàn giám sát Uỷ ban Thường vụ Quốc hội “Kế hoạch chi tiết giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 - 2023”; Quyết định số: 55/QĐ-ĐĐBQH, ngày 25/12/2023 của Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Hà Giang về thành lập Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 - 2023”, Đoàn giám sát đã ban hành Kế hoạch và tiến hành triển khai giám sát trực tiếp đối với 5 đơn vị; giám sát qua báo cáo đối với Uỷ ban nhân dân (UBND) tỉnh; UBND các huyện, thành phố và các Sở, ngành.

Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang giám sát về thực hiện chính sách pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 – 2023 tại Sở Nội vụ và Sở Tài chính.

Sau quá trình giám sát, đề cập về kết quả chung về sắp xếp, tổ chức lại các ĐVSNCL, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang Lý Thị Lan cho biết, trên cơ sở kế hoạch của Tỉnh ủy và UBND tỉnh, các cơ quan, đơn vị đã tập trung rà soát, xây dựng Đề án sắp xếp, tổ chức lại các ĐVSNCL cũng như sắp xếp cơ cấu tổ chức bên trong của các đơn vị, nhằm đổi mới, sắp xếp và quản lý tổ chức bộ máy, số lượng người làm việc; kết hợp hài hòa giữa kế thừa, ổn định với đổi mới, phát triển; gắn đổi mới tổ chức bộ máy với đổi mới phương thức lãnh đạo, tinh giản biên chế và cải cách chế độ tiền lương, nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức; nâng cao chất lượng dịch vụ sự nghiệp công.

Đến thời điểm ngày 31/12/2023, tổng số ĐVSNCL trên địa bàn tỉnh là 794 đơn vị (trong đó có 14 đơn vị sự nghiệp khối Đảng, Đoàn thể), giảm 103 đơn vị so với năm 2015, đạt 11,48%. (103 đơn vị này đều là thực hiện sáp nhập).

Sau sắp xếp về cơ bản chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị đã rõ ràng hơn, chủ động trong triển khai, đánh giá nhiệm vụ

Kết quả sắp xếp, tổ chức lại các ĐVSNCL trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo: Đối với giáo dục phổ thông, sáp nhập giảm 39 tổ chức; rà soát, thành lập 08 Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở và Trung học phổ thông trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo (trên cơ sở nâng cấp Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở).

Đối với giáo dục nghề nghiệp, ngày 10/02/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quyết định số 456/QĐ-BGDĐT về việc thành lập Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Hà Giang (Trên cơ sở trường Cao đẳng Sư phạm Hà Giang). Sáp nhập Trường Trung cấp Kinh tế kỹ thuật vào Trường Cao đẳng Nghề thành trường Cao đẳng Kỹ thuật và Công nghệ tỉnh; sáp nhập trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục hướng nghiệp, trung tâm dạy nghề thành một cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn cấp huyện; sáp nhập Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện vào Trường Trung cấp nghề Dân tộc nội trú Bắc Quang trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

Đối với lĩnh vực y tế: Hiện nay, UBND tỉnh Hà Giang đang chỉ đạo Sở Y tế tham mưu trình hồ sơ giải thể Trường Trung cấp Y tế. Sáp nhập 05 đơn vị trực thuộc Sở Y tế thành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh trực thuộc Sở Y tế; Sáp nhập 11 Trung tâm dân số - Kế hoạch hóa gia đình và Trung tâm Y tế tuyến huyện, thành phố trực thuộc Sở Y tế tỉnh Hà Giang; giải thể 02 Trạm y tế xã và 01 Phòng khám đa khoa khu vực; tổ chức lại 02 Phòng khám đa khoa khu vực và 01 Trạm Y tế xã; chuyển 12/18 phòng khám đa khoa khu vực trực thuộc Bệnh viện về Trung tâm Y tế tuyến huyện. Theo kế hoạch giai đoạn 2024-2025 sẽ tiếp tục chuyển 06/18 phòng khám đa khoa khu vực còn lại trực thuộc Bệnh viện về thuộc Trung tâm Y tế tuyến huyện.

Về lĩnh vực khoa học và công nghệ: Hiện nay, tỉnh Hà Giang đang chỉ đạo các ngành chức năng rà soát, nghiên cứu tổ chức lại Trung tâm Thông tin và Chuyển giao công nghệ mới trực thuộc Sở Khoa học và Công nghệ theo hướng sáp nhập với đơn vị tương đồng về chức năng, nhiệm vụ hoặc giải thể nếu hoạt động không hiệu quả.

Về Lĩnh vực văn hóa, thể dục, thể thao, du lịch: Tỉnh Hà Giang đã có văn bản kèm theo hồ sơ, gửi xin ý kiến đối với Hồ sơ thành lập Ban Quản lý công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn tỉnh Hà Giang từ trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sang trực thuộc UBND tỉnh để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Tổ chức lại 06 đơn vị thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo hướng sắp xếp lại đầu tổ chức bên trong các đơn vị.

Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang Lý Thị Lan.

Về lĩnh vực thông tin và truyền thông: Sáp nhập Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Đài Phát thanh - Truyền hình các huyện, thành phố thành Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Du lịch.

Về lĩnh vực bảo trợ xã hội: Sáp nhập Trung tâm Công tác xã hội trẻ em vào Trung tâm Bảo trợ xã hội thành Trung tâm Công tác xã hội tỉnh trực thuộc Sở Lao động Thương binh và Xã hội.

Về lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn: Đã thực hiện Đề án thí điểm chuyển giao nguyên trạng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Bắc Quang thuộc Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trạm Chăn nuôi và Thú y Bắc Quang thuộc Chi cục Chăn nuôi và Thú y từ trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành Trung tâm dịch vụ nông lâm nghiệp trực thuộc UBND huyện Bắc Quang. Bên cạnh đó tiếp tục rà soát, sắp xếp lại, kiện toàn các ban quản lý rừng phòng hộ nhằm tinh gọn và nâng cao hiệu quả hoạt động.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng đề án trình tổ chức lại Trung tâm Khoa học kỹ thuật giống cây trồng Đạo Đức, Trung tâm Thủy Sản, Trung tâm Giống cây trồng và Vật nuôi Phố Bảng thành Trung tâm Ứng dụng khoa học và Chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Giang (hiện nay đã trình phiên họp UBND tỉnh và đang rà soát lại lộ trình tự chủ, các điều kiện cần thiết khác để hoàn thiện hồ sơ trình cấp có thẩm quyền).

Về lĩnh vực xây dựng, giao thông, vận tải và lĩnh vực khác: Thành lập Ban Quản lý dự án bảo trì đường bộ trực thuộc Sở Giao thông vận tải trên cơ sở sắp xếp, tổ chức lại Ban Quản lý dự án vốn sự nghiệp giao thông trực thuộc Sở Giao thông vận tải; Thực hiện chuyển đổi Trung tâm hành chính công tỉnh (trực thuộc Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND, UBND tỉnh) từ đơn vị sự nghiệp sang cơ quan hành chính đặc thù thuộc Văn phòng UBND tỉnh; sáp nhập Trung tâm Thông tin và Trung tâm Công báo - Tin học thành Trung tâm Thông tin - Công báo (trực thuộc Văn phòng UBND tỉnh); giải thể Trung tâm Giáo dục cộng đồng (trực thuộc UBND thành phố); Thành lập 03 Ban quản lý.

Hợp nhất các cơ sở đào tạo về lý luận chính trị của Đảng với các cơ sở đào tạo về quản lý hành chính ở địa phương: Thực hiện Hướng dẫn số 05-HD/BTCTW, ngày 19/5/2021 của Ban Tổ chức Trung ương về một số nội dung thực hiện Quy định số 208-QĐ/TW, ngày 08/11/2019 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Trung tâm Chính trị cấp huyện. Từ chủ trương của Trung ương, Ban tuyên giáo tỉnh ủy đã chủ động phối hợp với các ban của tỉnh ủy tham mưu cho Ban Thường vụ tỉnh ủy kế hoạch, hướng dẫn triển khai thực hiện.

Hiện nay, các huyện, thành ủy đã hoàn thành việc thực hiện chủ trương Trưởng Ban tuyên giáo cấp ủy cấp huyện là giám đốc trung tâm chính trị cấp huyện theo chế độ kiêm nhiệm. Chủ trương này nhận được phản hồi tích cực từ các địa phương, cũng như sự đánh giá cao về tính hiệu quả trong thực tiễn, nâng cao vai trò của cấp ủy đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị - hành chính; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kiến thức quản lý nhà nước, kiến thức, kỹ năng và chuyên môn, nghiệp vụ về công tác xây dựng Đảng, chính quyền. Nhìn chung việc thành lập, tổ chức lại ĐVSNCL trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã bảm đảo theo quy định và phù hợp với thực tiễn địa phương.

Triển khau tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng về đổi mới, sắp xếp tổ chức, bộ máy, tinh giản biên chế

Đánh giá chung về việc thực hiện Nghị quyết, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang Lý Thị Lan khẳng định: Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã quán triệt, thực hiện tốt công tác tuyên truyền đến các cấp ủy, cơ quan, địa phương, đơn vị, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong cán bộ, đảng viên, viên chức và người lao động về quan điểm, chủ trương, mục tiêu và giải pháp về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy các ĐVSNCL hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đồng thời chỉ đạo rà soát, sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn đầu mối bên trong các tổ chức gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, viên chức; xác định vị trí việc làm một cách khoa học, sát thực tế. Thực hiện sáp nhập, giải thể các đơn vị hoạt động không hiệu quả.

Tỉnh Hà Giang cũng đã thực hiện nghiêm túc các quy định trong công tác tuyển dụng, quản lý, sử dụng biên chế công chức, viên chức; tiêu chuẩn ngạch của công chức lãnh đạo, quản lý các cơ quan, đơn vị, bảo đảm đúng thẩm quyền, tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục và công khai, công bằng, khách quan, dân chủ, đảm bảo chất lượng.

Quá trình tổ chức thực hiện, đã giảm số đơn vị sự nghiệp trên địa bàn tỉnh (giảm 103 đơn vị so với năm 2015, tương ứng tỷ lệ 11,48%). Kết quả quản lý và sử dụng số lượng người làm việc (biên chế sự nghiệp) hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong các ĐVSNCL năm 2023 giảm 2.477 người so với năm 2015 (tương ứng 9,39%); Giảm số lượng lãnh đạo cấp phó 121 người (tương ứng 10,04%).

Theo Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang Lý Thị Lan, bài học kinh nghiệm được đúc rút khi địa phương thực hiện chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 – 2023 là tỉnh đã làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức của đảng viên, công chức, viên chức về đổi mới, sắp xếp tổ chức, bộ máy, tinh giản biên chế; tăng cường tuyên truyền, vận động, thuyết phục, tạo sự thống nhất và đồng thuận khi tổ chức thực hiện. Xác định rõ nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm của tập thể, cá nhân nhằm phát huy thế mạnh của mỗi thành viên trong tổ chức và sự chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong quá trình sắp xếp tổ chức thực hiện.

Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang Lý Thị Lan nhấn mạnh: Các cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị và người đứng đầu chủ động tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp một cách đồng bộ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình phù hợp với quyết tâm chính trị cao nhất; kết hợp hài hòa giữa kế thừa, ổn định với đổi mới, phát triển; gắn đổi mới tổ chức bộ máy với đổi mới phương thức lãnh đạo và tinh giản biên chế.

Tỉnh Hà Giang đã có quyết tâm chính trị cao, xác định rõ vai trò, trách nhiệm tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu. Đồng thời thực hiện nghiêm, nhất quán quan điểm Đảng thống nhất lãnh đạo trực tiếp, toàn diện công tác cán bộ; người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan phải trực tiếp chỉ đạo việc sắp xếp tổ chức bộ máy các ĐVSNCL. Việc sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong các đơn vị sự nghiệp phải xây dựng nhiều phương án, đánh giá ưu, khuyết điểm của từng phương án để lựa chọn phương án tối ưu nhất đáp ứng yêu cầu tinh gọn bộ máy và ít ảnh hưởng đến việc sắp xếp lãnh đạo các phòng, ban./.

Bích Lan

Các bài viết khác