PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN THỊ THANH: ỦNG HỘ CHÍNH PHỦ ĐỀ XUẤT CÁC BIỆN PHÁP THÁO GỠ KHÓ KHĂN VÀ TẠO ĐIỀU KIỆN KHƠI THÔNG NGUỒN LỰC ĐẤT ĐAI
THẢO LUẬN TỔ 12: QUY ĐỊNH CỤ THỂ HƠN VỀ ĐIỀU KIỆN PHÒNG CHÁY VÀ THOÁT NẠN ĐỐI VỚI NHÀ Ở KẾT HỢP SẢN XUẤT, KINH DOANH
Các ĐBQH thuộc Tổ 12 tham dự Phiên thảo luận
Tiếp tục Kỳ họp thứ 7, sáng 20/6, Quốc hội thảo luận ở Tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15.
Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng được Quốc hội khóa XV thông qua đã thể chế hóa nhiều chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước, khắc phục tồn tại, bất cập đã chỉ ra trong quá trình tổng kết thi hành và có nhiều quy định mang tính đổi mới, đột phá được tổng kết đánh giá, thí điểm từ thực tiễn người dân và xã hội kỳ vọng sẽ tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15 do Chính phủ trình được bố cục thành 05 Điều, sửa đổi theo hướng cho phép Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực thi hành từ ngàỵ 01/8/2024. Riêng khoản 10 Điều 255 và khoản 4 Điều 260 của Luật Đất đai đề xuất có hiệu lực từ ngày 01/01/2025.
Chuẩn bị kỹ lưỡng, bảo đảm tiến độ, chất lượng các văn bản hướng dẫn các luật
Thảo luận tại Tổ 12 gồm các Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên, Ninh Bình, Quảng Bình, Ninh Thuận. Tại Phiên thảo luận, đa số các ĐBQH thuộc Tổ 12 cho rằng, việc xem xét thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15 (1 luật sửa 4 luật) là cần thiết. Bởi 4 luật trên đã thể chế hóa nhiều chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước ta, khắc phục hạn chế, vướng mắc của các luật trước đây; đồng thời, có nhiều quy định mang tính đổi mới, tiến bộ, được người dân và xã hội kỳ vọng sẽ tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới.
Các ĐBQH thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình
Các ĐBQH bày tỏ sự ủng hộ chủ trương để các luật trên sớm đi vào cuộc sống. Tuy nhiên, các ĐBQH cũng cho rằng, một số quy định tại các luật có thể thực hiện được ngay nhưng vẫn còn có nội dung cần văn bản hướng dẫn chi tiết nên đề nghị Chính phủ chuẩn bị kỹ lưỡng, bảo đảm tiến độ, chất lượng các văn bản hướng dẫn chi tiết. Bên cạnh đó là tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật rộng rãi, tạo sự thống nhất trong nhận thức thực thi các luật, bảo đảm hiệu quả triển khai các luật này khi các luật có hiệu lực thi hành.
Đại biểu Nguyễn Đại Thắng - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên đồng thuận với sự cần thiết của việc triển khai sớm 4 luật trên nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hôi, khơi thông nguồn lực về đất đai. Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Đại Thắng, để các luật được triển khai hiệu quả, đồng bộ thì Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các Bộ ngành, cơ quan hữu quan cần sớm ban hành các văn bản hướng dẫn các luật trên một cách cụ thể, để các địa phương, các cơ quan dễ dàng thực hiện.
Đại biểu Nguyễn Đại Thắng - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên
Đồng thuận với quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Minh Tâm - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình đồng ý đẩy nhanh thời hạn hiệu lực của 4 luật là từ ngày 01/8/2024. Tuy nhiên, khối lượng văn bản pháp luật để ban hành cho 4 luật có hiệu lực sớm hơn thời gian đã định tương đối nhiều. Chính phủ ban hành 16 văn bản chi tiết nên cần đầu tư nhiều thời gian và nguồn lực.
Để các luật được ban hành hiệu quả, có tính khả thi khi áp dụng vào thực tiễn cuộc sống, theo đại biểu Nguyễn Minh Tâm, Chính phủ cần báo cáo lộ trình hoàn thiện các văn bản pháp luật hướng dẫn thực hiện 4 luật trên để tránh những vướng mắc khi thi hành.
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Đình Toản - đại biểu thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên
Liên quan đến nội dung trên, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Đình Toản - đại biểu thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc hoàn thiện và thúc đẩy để 4 luật sớm có hiệu lực từ ngày 01/8/2024. Để triển khai hiệu quả các luật khi chính thức được ban hành, đại biểu Phạm Đình Toản cho rằng, Chính phủ cần phát huy những ưu điểm, hạn chế những thiếu sót trong việc ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật để nhanh chóng ban hành các văn bản hướng dẫn luật thực sự có chất lượng phục vụ cho việc áp dụng 4 luật trên vào thực tiễn cuộc sống.
Theo chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội sẽ thảo luận tại Hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15 vào ngày 21/6 và xem xét thông qua dự án Luật này vào ngày 29/6 tới./.
Một số hình ảnh tại Phiên thảo luận:
Các ĐBQH thuộc Tổ 12 tham dự Phiên thảo luận
Các ĐBQH thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận tham dự Phiên thảo luận
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu ý kiến tại Phiên thảo luận
Đại biểu Phan Xuân Dũng - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thận nêu quan điểm
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình
Đại biểu Nguyễn Thành Công - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình phát biểu
Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận bày tỏ ý kiến tại Phiên thảo luận
Đại biểu Vũ Đại Thắng - Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình phát biểu kết luận Phiên thảo luận./.