Đoàn giám sát Quốc hội làm việc với UBND tỉnh Gia Lai Ảnh: Ngọc Anh- Lê Nhuận
Đoàn giám sát của Quốc hội đã dành nhiều thời gian đi kiểm tra thực tế tại 9 cơ sở sản xuất gồm nhiều loại hình như giết mổ gia súc, chợ đầu mối, sản xuất rau sạch, chế biến cà phê... ở một số địa phương trong tỉnh. Tại các cơ sở kiểm tra, giám sát, đoàn đã tìm hiểu kỹ về các biện pháp kỹ thuật sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo Chuỗi giá trị, nhằm tạo ra sản phẩm an toàn đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng với mục tiêu là đảm bảo sức khoẻ cho cộng đồng.
Đồng thời, đoàn cũng nghe báo cáo của tỉnh về các giải pháp và kiến nghị trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn trong giai đoạn 2011 - 2016 để có sự đánh giá và nhận định một cách khách quan. Từ cơ sở thực tế đó, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho rằng, Gia Lai là một trong những tỉnh miền núi vùng Tây Nguyên tuy còn nhiều khó khăn song địa phương đã có nhiều cố gắng làm tốt công tác việc thực thi chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm, đó là điều rất đáng khích lệ.
Đoàn giám sát Quốc hội đã có mặt tại Cơ sở giết mổ gia súc-gia cầm Chư Sê, Ia Grai để khảo sát thực tế
Tại những cơ sở được kiểm tra, giám sát tuy vẫn còn một số hạn chế nhất định song đáng được biểu dương, nhất là các cơ sở giết mổ gia súc không những sản xuất đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm mà còn có những sáng kiến trong quá trình giết mổ cũng như lưu thông hàng hoá được coi là mô hình cần được nhân rộng, trong điều kiện chưa có sự hỗ trợ của nhà nước. Đối với việc trồng rau sạch như Công ty của Tập đoàn Quế Lâm tuy có quy mô chưa lớn song sản xuất ra được nhiều loại rau đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm và cần được nhân rộng đến nhiều nơi trong tỉnh.
Đoàn giám sát Quốc hội cũng đã có những kiến nghị đối với địa phương Gia Lai những nội dung sát thực trong việc lãnh đạo, chỉ đạo tốt hơn nữa việc thực thi chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm trong thời gian tới đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm. Riêng khu chợ đầu mối tại thành phố Pleiku, đoàn giám sát Quốc hội cũng đề nghị với lãnh đạo địa phương cần sớm di dời đến một địa điểm khác bởi còn nhiều yếu tố chưa thật sự hợp vệ sinh, nhất là ảnh hưởng môi trường đến khu vực dân cư, trên cơ sở phù hợp với nguyện vọng của bà con tiểu thương đã gắn liền cuộc sống với khu chợ đầu mối này cả hàng chục năm nay...
Đoàn giám sát Quốc hội khảo sát thực tế tại Công ty Hương đất An Phú chuyên sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP
Trên địa bàn tỉnh Gia Lai hiện có 27.000 ha rau các loại với sản lượng đạt khoảng 360.000 tấn/năm, phần lớn diện tích đều nằm trong các hộ sản xuất với quy mô nhỏ lẻ nên còn gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý an toàn thực phẩm đối với sản phẩm rau, củ, quả.
Trong toàn tỉnh có 4 cơ sở giết mổ gia súc và 2 cơ sở giết mổ gia cầm tập trung, còn lại là các hộ tham gia giết mổ mang tính nhỏ lẻ, manh mún; việc vận chuyển thịt sau giết mổ được thực hiện chủ yếu bằng các loại phương tiện không chuyên còn gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Công tác thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm đã được các đơn vị chức năng đẩy mạnh và đã ngăn chặn, xử lý nhiều vụ vi phạm góp phần làm cho thị trường thực phẩm ngày càng được an toàn hơn.