Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc với Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011- 2016

01/03/2017

Thực hiện chương trình làm việc của Đoàn giám sát với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011- 2016, sáng 1/3, tại trụ sở Văn phòng Quốc hội, Đoàn giám sát của Quốc hội đã làm việc với Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội về nội dung này. Trưởng Ban Công tác Đại biểu, Phó Trưởng Đoàn giám sát Trần Văn Túy chủ trì buổi làm việc.

Thứ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp trình bày báo cáo

Báo cáo tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội trong giai đoạn 2011- 2016, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đã thực hiện tốt chủ trương của Đảng, quy định của Quốc hội, Chính phủ về mô hình tổ chức Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế để nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động công vụ trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội. Bên cạnh đó, Bộ đã rà soát, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 106/2012/NĐ-CP quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội và triển khai thực hiện ngay sau khi Nghị định được ban hành, có hiệu lực.

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nhấn mạnh, mặc dù  khối lượng công việc của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội giai đoạn 2011- 2016 tăng lên nhiều nhưng tổ chức bộ máy và biên chế của Bộ tương đối ổn định. Cụ thể, Bộ đã quản lý, sử dụng biên chế, hợp đồng lao động trong cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước thuộc phạm vi quản lý đúng quy định của Pháp luật và quy định của Bộ Nội vụ. Tổng biên chế công chức hành chính của Bộ cơ bản không tăng, đến năm 2017 đã giảm 09 biên chế so với năm 2011.

Hiện nay, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội có 17 đơn vị quản lý nhà nước, 45 đơn vị sự nghiệp, 03 doanh nghiệp và một số văn phòng chuyên trách. Báo cáo của Bộ khẳng định, trong giai đoạn 2011- 2016, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đã rà soát, ban hành các quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của 17 đơn vị hành chính và 07 đơn vị sự nghiệp công lập, đảm bảo phân định rõ chức năng, nhiệm vụ các đơn vị theo nguyên tắc một việc chỉ giao cho một đơn vị chủ trì thực hiện, chịu trách nhiệm chính, đồng thời đảm bảo không bỏ sót nhiệm vụ. Cơ cấu tổ chức các Cục, Vụ, Tổng cục đảm bảo đúng số lượng quy định tại Nghị định số 106/2012/NĐ-CP, không có đơn vị cấp Cục, Vụ, Tổng cục nào thành lập mới, số lượng đầu mối hành chính của Bộ giảm 01 đơn vị. Tính đến cuối năm 2016, Bộ chỉ kiện toàn, thành lập một số đơn vị cấp phòng trực thuộc Cục để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ chuyên sâu theo từng mảng nhiệm vụ, bao gồm: Phòng Thị trường lao động, Phòng Quản lý lao động nước ngoài, Phòng Thông tin thị trường, Phòng Chính sách 2… Bên cạnh đó, sát nhập Trung tâm Quốc gia dự báo và Thông tin thị trường lao động với Bảo hiểm thất nghiệp thành 01 đơn vị Trung tâm Quốc gia về dịch vụ việc làm trực thuộc Cục Việc làm; chuyển các Trường cao đẳng nghề trực thuộc Tổng cục dạy nghề về trực thuộc Bộ; kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức các đơn vị sự nghiệp báo chí, thông tin, các đơn vị sự nghiệp kiểm định thuộc Bộ…

Các thành viên Đoàn giám sát thảo luận Báo cáo của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội

Đánh giá cao kết quả mà Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đã đạt được trong giai đoạn vừa qua trong thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, Đoàn giám sát cho rằng báo cáo của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đã được chuẩn bị khá công phu, có bố cục hợp lý, cơ bản bám sát đề cương của Đoàn giám sát, thể hiện tinh thần làm việc nghiêm túc, có trách nhiệm. Tuy nhiên, về nội dung đánh giá tác động của cải cách tổ chức bộ máy nhà nước chưa được đề cập đến; chưa có đánh giá về những tồn tại hạn chế, nguyên nhân khi thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước trong giai đoạn 2011- 2016; số liệu thống kê ở các bảng biểu phụ lục chưa đầy đủ theo đề cương báo cáo của Đoàn giám sát; một số số liệu, nội dung đưa ra trong báo cáo còn chưa khớp, mâu thuẫn với nhau.

Trưởng Ban Công tác Đại biểu Trần Văn Túy phát biểu tại buổi làm việc

Các thành viên Đoàn giám sát đề nghị Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội làm rõ trong 45 đơn vị sự nghiệp của Bộ được đề cập trong báo cáo có bao nhiêu đơn vị có khả năng tự chủ hoàn toàn, không sử dụng ngân sách của nhà nước. Đồng thời yêu cầu bổ sung nội dung về đánh giá ứng dụng của công nghệ thông tin trong thực hiện công việc, đặc biệt là trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến và xây dựng Chính phủ điện tử, góp phần giảm thời gian, nhân lực, biên chế các đơn vị trong Bộ như thế nào.

Thay mặt Đoàn giám sát, Trưởng Ban Công tác Đại biểu, Phó Trưởng Đoàn giám sát Trần Văn Túy đề nghị Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội tiếp thu các ý kiến của Đoàn giám sát hôm nay; làm rõ thêm những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị quyết 39- NQ/TW về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tiếp tục rà soát, bổ sung, giải trình các nội dung Đoàn giám sát đề nghị để hoàn thiện báo cáo của mình.

Tin và ảnh: Thu Phương

Các bài viết khác