Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc với Bộ Ngoại giao về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011- 2016

01/03/2017

Chiều 1/3, Đoàn giám sát của Quốc hội đã có buổi làm việc với Bộ Ngoại giao về cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011- 2016. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Phó Trưởng Đoàn giám sát Nguyễn Khắc Định chủ trì buổi làm việc.

Các thành viên Đoàn giám sát làm việc với Bộ Ngoại giao

Trình bày báo cáo về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011- 2016 của Bộ Ngoại giao, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung cho biết, nhìn chung, Bộ Ngoại giao đã thực hiện tốt các quy định, chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính.

Về việc ban hành văn bản pháp luật của Bộ Ngoại giao để thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, công tác ban hành văn bản liên quan đến cải cách bộ máy hành chính nhà nước của Bộ Ngoại giao cơ bản được thực hiện kịp thời, đúng căn cứ pháp lý và thẩm quyền được giao. Nội dung các văn bản nhìn chung đã quán triệt tinh thần cải cách hành chính, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, cụ thể hóa các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, phù hợp với quy định của pháp luật và thực tiễn công tác của Bộ Ngoại giao.

Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao thường xuyên rà soát, đánh giá tình hình thực hiện các chủ trương của Đảng và quy định của pháp luật về tổ chức bộ máy hành chính để làm cơ sở kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung hoặc thực hiện điều chỉnh theo thẩm quyền khi các văn bản liên quan đã hết hiệu lực hoặc khi còn tồn tại một số vấn đề chưa hợp lý về bộ máy hành chính của các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Ngoại giao. Việc kiểm tra, rà soát các văn bản về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước được thực hiện định kỳ hàng năm, do vậy nhìn chung đã kịp thời phát hiện, xử lý và khắc phục những bất hợp lý, góp phần xây dựng tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Cho ý kiến về vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Thị Dung cho rằng, Báo cáo của Bộ Ngoại giao mới chỉ nêu được một số ít văn bản do Bộ Ngoại giao chủ trì xây dựng hoặc phối hợp với Bộ Nội vụ xây dựng, ban hành. Tuy nhiên, các văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị trực thuộc Bộ, trừ các đơn vị quy định từ khoản 24 đến khoản 26 của Điều 3 Nghị định 58/2013/NĐ -CP ngày 11/6/2013 của Chính phủ chưa được liệt kê trong báo cáo. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Thị Dung đề nghị Bộ Ngoại giao bổ sung nội dung này trong báo cáo, đồng thời cần đánh giá cụ thể hơn về nội dung liên quan tới ban hành và tổ chức thực hiện văn bản về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước ở Bộ Ngoại giao.

Về kết quả rà soát về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Ngoại giao, Bộ đã tiến hành rà soát về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ trong quá trình xây dựng Nghị định số 58/2013/NĐ-CP ngày 11/6/2013 và Nghị định thay thế Nghi định số 58/2013/NĐ- CP ngày 11/6/2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Ngoại giao. Theo đó, chức năng, nhiệm vụ của Bộ Ngoại giao về cơ bản đã được điều chỉnh phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành, bảo đảm không chồng chéo, trùng lắp với chức năng, nhiệm vụ của các Bộ, ngành khác. Tuy nhiên, một số nhiệm vụ, quyền hạn cần được tiếp tục sửa đổi, bổ sung để bảo đảm bao quát, thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong tình hình mới.

Về kết quả rà soát biên chế công chức, số lượng viên chức và người làm việc hiện có của Bộ Ngoại giao, Bộ Ngoại giao đã nghiêm túc thực hiện Nghị quyết số 39- NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị và các văn bản của Chính phủ về tinh giản biên chế. Mặc dù nhiệm vụ của Bộ Ngoại giao đã và đang tăng lên nhanh chóng cả về khối lượng, độ phức tạp và yêu cầu về tiến độ thực hiện do nước ta đang chủ động, tích cực đẩy mạnh hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng nhưng Bộ Ngoại giao đã không đề xuất tăng biên chế và tự cân đối, điều chỉnh biên chế của các đơn vị thuộc Bộ trong định mức được giao, đồng thời nghiêm túc thực hiện chủ trương tinh giản 10% biên chế đến năm 2021. Tính đến ngày 31/12/2016, Bộ Ngoại giao có 1.261 biên chế công chức và hợp đồng lao động tại các đơn vị hành chính (giảm 77 người so với thời điểm 31/12/2011; 1.466 người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập, giảm 154 người so với thời điểm 31/12/2011). Số lượng biên chế làm việc tại các đơn vị thuộc Bộ đã tinh giảm được đáng kể trong thời gian qua, đặc biệt là tại các đơn vị sự nghiệp công lập.

Các thành viên Đoàn giám sát nhận định, nhìn chung, báo cáo đã đề cập đầy đủ những nội dung theo yêu cầu trong đề cương giám sát, số liệu thống kê về cơ cấu tổ chức, biên chế đầy đủ; thể hiện rõ biến động về tổ chức, biên chế theo các mốc thời gian theo yêu cầu của Đề cương giám sát. Tuy nhiên, một số nội dung trong Báo cáo cần được tiếp tục làm rõ, cụ thể như nội dung báo cáo về kết quả rà soát chức năng, nhiệm vụ còn khá chung chung, cần làm rõ hơn việc tăng/ giảm chức năng, nhiệm vụ qua từng giai đoạn liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung một số luật chuyên ngành (Luật Biển Việt Nam năm 2012, Luật Điều ước quốc tế năm 2016).

Đồng thời, báo cáo cũng chưa đánh giá rõ ràng về việc tổ chức bộ máy hành chính đã đáp ứng yêu cầu gọn nhẹ, hoạt động hiệu lực, hiệu quả chưa, đặc biệt tại các đơn vị sự nghiệp công lập; việc quản lý, chỉ đạo trực tiếp các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc có bảo đảm tính hợp lý về chức năng và về vận hành tổ chức bộ máy hay không.

Vân Ngọc

Các bài viết khác