Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011- 2016

02/03/2017

Tiếp tục Chương trình làm việc của Đoàn giám sát với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011- 2016, sáng 2/3, tại trụ sở Văn phòng Quốc hội, Đoàn giám sát của Quốc hội đã làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo về nội dung này. Trưởng Ban Công tác Đại biểu, Phó Trưởng Đoàn giám sát Trần Văn Túy chủ trì buổi làm việc.

Trưởng Ban Công tác Đại biểu, Phó Trưởng Đoàn giám sát Trần Văn Túy chủ trì buổi làm việc

Báo cáo tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, trong giai đoạn 2011- 2016, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện nghiêm túc việc xây dựng các văn bản về công tác cải cách bộ máy hành chính nhà nước trong chương trình công tác hàng năm và đột xuất do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; chủ động rà soát về vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các đơn vị thuộc Bộ; ban hành hoặc trình các cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản để kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các đơn vị này. Đến nay, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã được phân định rõ, không có sự chồng chéo với các Bộ ngành khác. Đồng thời phân công nhiệm vụ giữa các tổ chức trong Bộ đảm bảo nguyên tắc một lĩnh vực công việc chỉ giao một tổ chức làm đầu mối chủ trì theo dõi, xử lý, bảo đảm bám sát vào nội dung các văn bản chỉ đạo của Đảng và nhà nước về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Mạnh Hùng báo cáo trước Đoàn giám sát 

Nhận thức được rõ tầm quan trọng, ý nghĩa quyết định của công tác cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước đối với hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Bộ, trong giai đoạn 2011- 2016 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nghiêm túc thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về tinh gọn bộ máy. Tính đến tháng 12/2016, về cơ bản số lượng đơn vị thuộc Bộ và trực thuộc Bộ tương đối ổn định, số lượng công chức, viên chức cơ bản không tăng. Cụ thể hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo có 23 cơ quan hành chính, 56 đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ và 01 doanh nghiệp nhà nước. Do yêu cầu thực tiễn nhiệm vụ được giao, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ tăng 01 tổ chức hành chính; thành lập mới 03 đơn vị sự nghiệp; bổ sung thêm 06 đơn vị thuộc Cục, Văn phòng; giảm 02 đơn vị sự nghiệp do chuyển sang các Bộ, ngành khác; thành lập một số Ban Quản lý dự án để thực hiện nhiệm vụ trong từng giai đoạn cụ thể và được giải thể ngay sau khi hoàn thành nhiệm vụ, cán bộ của các Ban Quản lý dự án là các công chức của Bộ làm việc theo chế độ kiêm nhiệm hoặc biệt phái.

Đặc biệt, tính đến cuối năm 2016, số biên chế công chức trong cơ quan hành chính và số lượng người làm việc trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ đã giảm so với năm 2011. Theo đó, số lượng biên chế công chức hành chính của Bộ có 505 người, số lượng viên chức tại các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ có 32.900 người. Riêng số lượng biên chế công chức được giao cho các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ năm 2011 là 35.007 biên chế. Dự kiến đến năm 2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo phấn đấu tinh giản tối thiểu 10% số biên chế công chức và số lượng người làm việc trong Bộ theo chỉ tiêu Bộ Nội vụ giao; chuyển đổi thêm 10% số lượng người làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập có nguồn thu sự nghiệp sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm và xã hội hóa, thay thế nguồn trả lương từ ngân sách nhà nước.

Đoàn giám sát thảo luận Báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo

Đánh giá cao kết quả mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đạt được trong thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước thời gian qua, Đoàn giám sát cho rằng báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo cơ bản đã bám sát đề cương của Đoàn giám sát, có bố cục hợp lý; các số liệu thống kê về tổ chức biên chế trong báo cáo cơ bản đầy đủ, cụ thể. Tuy nhiên, để có căn cứ đánh giá, Đoàn giám sát đề nghị Bộ bổ sung về các yêu cầu, chỉ tiêu phải đạt được trong thực hiện cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước đến năm 2016.

Bên cạnh đó, các thành viên Đoàn giám sát cũng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo bổ sung nội dung về tác động của các luật liên quan được ban hành từ 2012 đến cuối 2016 đến chức năng, nhiệm vụ của Bộ như thế nào, có dẫn đến tăng, giảm, mở rộng hay thu hẹp chức năng, nhiệm vụ của Bộ hay không. Đồng thời, làm rõ việc Chính phủ giao cho Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp (trừ sư phạm) từ tháng 9/2016 tác động thế nào đến tổ chức bộ máy của Bộ; lý giải cụ thể về sự tăng, giảm bộ máy, biên chế; xác định những loại việc nào có thể chuyển giao cho xã hội thực hiện; đánh giá cụ thể tổ chức bộ máy hành chính hiện nay đã đáp ứng yêu cầu gọn nhẹ, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả hay chưa; việc quản lý, chỉ đạo trực tiếp các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc có bảo đảm tính hợp lý về chức năng và về vận hành tổ chức bộ máy hay không…

Thay mặt Đoàn giám sát, Trưởng Ban Công tác Đại biểu, Phó Trưởng Đoàn giám sát Trần Văn Túy ghi nhận những đổi mới tích cực về mặt thể chế; tinh thần nghiêm túc đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong thời gian qua. Phó Trưởng Đoàn giám sát đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp thu trên cơ sở ý kiến thảo luận của Đoàn giám sát hôm nay tiếp tục hoàn chỉnh báo cáo của mình gửi cho Đoàn giám sát trước 10/03, góp phần hoàn thiện Báo cáo chung của Đoàn giám sát tối cao trình Quốc hội. 

Tin và ảnh: Thu Phương

Các bài viết khác